Nhìn lại U23 Việt Nam – U23 Jordan: Miura - dấu ấn nhạt phai

09:24 Thứ bảy 16/01/2016

(TinTheThao.com.vn) - Như một lẽ thường, sau mỗi trận bóng có kết quả thất bại thì hầu khắp các mặt báo, các diễn đàn mạng đều dễ dàng chỉ ra không ít những sai lầm, những điểm bất hợp lý trong đấu pháp cũng như cách sử dụng nhân sự.

Kết thúc trận đấu giữa đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam và đội tuyển U23 Jordan trong khuôn khổ Vòng chung kết bóng đá U23 Châu Á cũng không phải ngoại lệ. Ngay sau trận đấu, các chuyên gia, những nhà phân tích bóng đá, từ bình luận viên đến những người am hiểu (và chưa hiểu) chuyên môn cũng như khán giả hâm mộ bóng đá nước nhà liên tục đưa ra nguyên nhân dẫn đến thất bại trên.

Phần lớn các ý kiến đó được đổ lỗi và quy trách nhiệm cho vị huấn luyện viên trưởng Người Nhật của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, ông Miura – người đã nhận khá nhiều chỉ trích và phản đối từ người yêu bóng đá các cấp trong nước thời gian qua.

U23 Việt Nam đã thua toàn diện trước U23 Jordan trong ngày ra quân ở VCK U23 Châu Á. Ảnh: Nhật Minh.

Quay trở lại với HLV Miura và cách dùng người trong trận đấu U23 Việt Nam – U23 Jordan để làm rõ một chút sự quy trách nhiệm một cách khá “tự nhiên” trên . Có thể thấy với mỗi HLV dù ở cấp độ nào họ cũng đều có một tôn chỉ, một triết lý bóng đá và tiêu chí nhất định nào đó. Mỗi HLV khác nhau lại lựa chọn những nhân sự là các cầu thủ phù hợp nhằm xây dựng, phục vụ cho chiến thuật, triết lý bóng đá mà họ hướng đến đạt được sức mạnh tối ưu nhất.

Sự thành công của đội bóng sẽ quyết định triết lý, tôn chỉ và đường lối của HLV đó có đang đúng hướng hay không, có phù hợp với phong cách cũng như văn hóa bóng đá nơi đội bóng đó thuộc về hay không. Về điều này theo suy nghĩ người viết, HLV Miura là một người Nhật, những người luôn đề cao tính kỷ luật, sự chắc chắn và nhiệt huyết trong công việc họ tham gia.

Chính vì thế, để phục vụ triết lý bóng đá của mình, ông luôn ưu tiên lựa chọn những cầu thủ có thể lực tốt, chơi chắc chắn , xông xáo, biết tranh chấp và chấp nhận va chạm, những cầu thủ luôn ra sân với hơn 100% quyết tâm cùng nguồn năng lượng dồi dào. Trong trận đấu với U23 Jordan là một ví dụ điển hình về cách sử dụng nhân sự theo tôn chỉ, triết lý bóng đá của vị HLV người nhật.

Ông đưa ra sân đội hình chính thức với những cầu thủ thừa quyết tâm về ý thức chơi bóng, tiêu biểu và cụ thể là bộ ba tiền vệ trong đó có đến hai là mẫu tiền vệ thích ngăn chặn người khác chơi bóng hơn là cầm trái bóng lại để phát triển lối chơi. Có lẽ ông Miura cho rằng với một đối thủ trội hơn về mọi mặt, từ thể hình, thể lực đến kỹ chiến thuật thì sự có mặt của những cầu thủ biết tranh chấp như Duy Mạnh, Hữu Dũng sẽ phần nào hạn chế sức mạnh tấn công của đội bạn, lộ rõ ý định đánh chặn từ xa đồng thời chờ đợi sự may mắn mỉm cười với hàng công.

Thất bại trước U23 Jordan khiến chiếc ghế của HLV Miura đang lung lay dữ dội. Ảnh: Nhật Minh.

Với tâm thế ra sân của một đội bóng chiếu dưới, mặt khác HLV Miura lại là người chịu sức ép dư luận không nhỏ về các thất bại thời gian qua thì đây là một ý đồ không hề tồi cho trận ra quân với một đội bóng xếp trên nhiều bậc. Tuy nhiên ý đồ của ông Miura đã không thể thực hiện khi các học trò nhận thất bại 3 bàn và chỉ mang về một bàn thắng danh dự vào những phút cuối. Nếu như trận đấu kết thúc với một tỷ số có lợi cho đội tuyển U23 Việt Nam, chắc chắn ông Miura sẽ nhận được những lời khen ngợi về cách bố trí nhân sự cũng như lối chơi, rất tiếc đó lại là một thất bại.

Và như những thất bại trước đây, nó lại được mổ xẻ từ nhiều khía cạnh và kèm theo là những lời chê trách. Khách quan mà nói ông Miura đã lựa chọn một đội hình ra quân có thể xem là hợp lý kèm một lời khen nhỏ cho dấu ấn của ông về sự chuẩn bị tâm lý cho cầu thủ để họ có được những bước chạy quyết tâm đến như vậy khi nhập trận. Theo quan điểm người viết bài này, thất bại của ông Miura cũng như đội tuyển U23 Việt Nam trước U23 Jordan chỉ gói gọn ở những nguyên nhân lớn sau:

Con người: Đây được xem như yếu tố lớn nhất quyết định đến kết quả trận đấu, các cầu thủ U23 Jordan rõ ràng xếp trên U23 Việt Nam một bậc, sự vượt trội về kỹ năng, chiến thuật, thể lực, thể hình lẫn tốc độ. Có thể nói bất cứ vị trí nào đem ra so sánh đội bóng chúng ta đều thua sút.

Minh chứng rõ ràng nhất của sự vượt trội thể hiện ở ba bàn thắng mà các cầu thủ U23 Jordan ghi vào lưới đội tuyển U23 Việt Nam. Bàn thắng thứ nhất một pha chọc khe tinh tế loại bỏ toàn bộ hàng phòng ngự, cầu thủ dứt điểm di chuyển thông minh phá bẫy việt vị và ghi bàn hết sức dễ dàng. Bàn thắng thứ hai, một cú ra chân đẳng cấp chỉ thấy ở các cầu thủ đang chơi ở các giải bóng đá hàng đầu châu Âu. Bàn thắng thứ ba và một pha dàn xếp tổ chức tấn công nhanh, chính xác và kỷ luật như đá tập. Ba bàn thắng phô diễn tất cả các điểm mạnh vượt trội so với hàng loạt các pha mất bóng, chuyền sai địa chỉ …của đội bóng chúng ta.

Chiến thuật phòng ngự: Người viết dám chắc từ HLV đến cầu thủ, bất cứ thành viên nào trong đội bóng cũng hiểu rằng đối thủ mạnh hơn rất nhiều lần, và với cách sắp sếp đội hình ra quân như vậy HLV có ý đồ rõ ràng cho việc yêu cầu các cầu thủ của mình thực hiện chiến thuật phòng ngự.

Sai lầm từ hàng phòng ngự khiến U23 Việt Nam trả giá đắt trước các chân sút bên phía U23 Jordan. Ảnh: Nhật Minh.

Vấn đề ở đây nằm ở chỗ cách tiếp cận trận đấu bằng lối chơi phòng ngự của đội tuyển U23 Việt Nam là hết sức có vấn đề, lối chơi phòng ngự bị động chịu trận, kiểu phòng ngự rất dễ mắc sai lầm và nhanh mất sức. Với những con người đang có trong tay, HLV Miura hoàn toàn có thể xây dựng và chỉ đạo các học trò của mình tuân thủ chặt chẽ lối chơi phòng ngự khu vực chủ động, hạn chế và gây khó khăn cho các đường lên bóng của U23 Jordan. Rất tiếc ông đã không làm thế, hoặc các học trò của ông chưa hiểu cặn kẽ cũng như chưa thực hiện tốt ý đồ của HLV.

Sự nhạy bén trong điều chỉnh: Kết thúc hiệp 1 không có một tình huống nguy hiểm nào gây ra cho khung thành thủ môn đối phương đồng thời nhận một bàn thua, sự kết nối giữa tuyến tiền vệ và tiền đạo gần như tê liệt. Nếu nhạy bén hơn ông Miura dứt khoát phải lập tức điều chỉnh, phải đưa vào sân những cầu thủ có khả năng gây đột biến cao, những cầu thủ có tốc độ tốt chơi dọc hai biên.

Sự bổ sung Hồng Duy thay Hữu Dũng là đúng nhưng chưa đủ. Khi các tiền đạo như Công Phượng, Văn Toàn bị cô lập ở tuyến trên vì hầu như không có bóng, lúc này có thể rút Công Phượng lùi về chơi dạt biên phải, gần hơn với các tiền vệ. Kỹ thuật, sức mạnh, tốc độ của Công Phượng cùng Hồng Duy từ hai cánh sẽ luôn là hai mũi công phá đáng kể.Với Công Phượng và Hồng Duy khi đó, U23 Việt Nam có nhiều hơn những lựa chọn cho việc tiếp cận khung thành thủ môn đối phương. Hãy nhớ Công Phượng hay Hồng Duy đều có thể dẫn bóng tốc độ rồi căng ngang bóng tầm thấp trở ra cho tiền đạo hoặc các tiền vệ băng vào, đặc biệt cả hai còn có khả năng sút xa không hề tồi nếu muốn tạo đột biến.

Tuyến tiền vệ và tiền đạo của U23 Việt Nam hoàn toàn không có sự liên kết. Ảnh: Nhật Minh.

Tương tự, khi không thể đưa bóng trực tiếp lên tuyến trên cho các tiền đạo do thiếu một người kết nối, có nhiều quan điểm cho rằng ông Miura cần tung vào sân ngay từ đầu tiền vệ tài năng Tuấn Anh – cầu thủ có kỹ thuật cá nhân bậc nhất trong số những người cùng trang lứa. Theo quan điểm này, Tuấn Anh vào sân để gánh trọng trách ĐIỀU TIẾT nhịp độ trận đấu.

Cá nhân người viết cho rằng Tuấn Anh nên được tung vào sân nhưng là trong hiệp hai, đúng là sẽ thực hiện nhiệm vụ kết nối với hàng tiền đạo nhưng mục tiêu lớn hơn không phải là để điều tiết lối chơi mà để tạo sự đột biến trong những thời điểm khó khăn (bởi điều tiết, cầm nhịp lối chơi không phải điểm mạnh nhất của Tuấn Anh, đối thủ lại là những người ở một đẳng cấp cao hơn hẳn).

Tuấn Anh là mẫu cầu thủ có thể tạo nên bất ngờ với khả năng xử lý bóng đẳng cấp. Ảnh: Đình Viên.

Khi đội bóng U23 Jordan đã gần như nắm hết bài vở của chúng ta thì việc tung vào sân một cầu thủ tiền vệ có kỹ thuật điêu luyện, chơi thông minh và sáng tạo như Tuấn Anh hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Mặt khác khi đó sự ăn ý của Tuấn Anh với Công Phượng, Xuân Trường sẽ là một ưu điểm, là sự bất ngờ với đối thủ trong các đường lên bóng. Có thể nhận thấy sự thiếu nhanh nhạy khi điều chỉnh nhân sự cũng như lối chơi của ông Miura ít nhiều đã gây ra sự nhàm chán, thiếu tính bất ngờ, sự thú vị cho khán giả đồng thời phần nào gián tiếp dẫn đến thất bại này.

Thất bại 1-3 của đội tuyển U23 Việt Nam trước một đội bóng mạnh như U23 Jordan không phải là điều quá tồi tệ, tuy nhiên nếu muốn các cầu thủ trẻ tiến xa hơn, trưởng thành hơn sau trận thua này, sau giải đấu này, chắc chắn tự bản thân HLV Miura sẽ còn nhiều điều phải làm, phải thay đổi để làm vừa lòng những người hâm mộ bóng đá khó tính nơi đất Việt – những người hâm mộ đôi khi cuồng tín và thiếu thực tế - nếu không muốn những lời than vãn chỉ trích trên khắp các mặt báo hướng về phía ông vẫn ngày một tăng thêm.

(Bạn đọc: Vũ Trương Linh)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

08:43 16/01/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục