Nghĩa vụ quân sự và HCV ASIAD ám ảnh Son Heung-min như thế nào?

06:30 Thứ tư 29/08/2018 | 3

TinTheThao.com.vnOlympic Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn khi đối đầu với ngôi sao đang rực sáng ở giải Ngoại hạng: Son Heung-min. Với cá nhân tiền đạo người Hàn Quốc, anh đến với ASIAD 2018 với sứ mệnh vô cùng đặc biệt.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có Luật nghĩa vụ quân sự khắt khe nhất thế giới. Sở dĩ xứ sở Kim chi khá nghiêm khắc trong điều luật này vì đe dọa từ những cuộc tranh chấp với Triều Tiên và các nước khác luôn thường trực ở mức báo động. Tất cả nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 18-35 buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài 21 tháng. Những thần tượng, người của công chúng, siêu sao hay các quan chức cấp cao đều không có ngoại lệ.

 - Bóng Đá

 Luật nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc rất khắt khe.

Năm 1981, Hàn Quốc ban hành điều luật miễn nhập ngũ với những công dân có kỹ năng đặc biệt về nghệ thuật và thể thao đại diện cho quốc gia đạt thành tích cao ở đấu trường quốc tế. Trải qua những sửa đổi vào các năm 1984 và 1990, điều luật này áp dụng với những vận động viên giành huy chương ở Thế vận hội (Olympic) hoặc đạt hạng nhất ở giải đấu quốc tế có tối thiểu 14 nước tham dự.

Năm 2002, để khích lệ đội tuyển quốc gia trước VCK World Cup được tổ chức trên sân nhà (đồng tổ chức với Nhật Bản), chính phủ Hàn Quốc quyết định sửa đổi điều luật một lần nữa. Chỉ cần lọt vào vòng knock-out, toàn bộ các cầu thủ của đội tuyển Hàn Quốc sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự. Kết quả Park Ji Sung và các đồng đội lọt vào tới vòng Bán kết ở một giải đấu đọng lại quá nhiều ‘vết nhơ’.

Không chấp nhận sự ưu ái từ chính phủ cho đội tuyển bóng đá, các bộ môn khác lập tức nổi dậy đòi công bằng gây ra làn sóng tranh cãi. Đến năm 2008, chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ điều luật dành cho đội tuyển bóng đá và đi đến quyết định: Chỉ miễn nghĩa vụ quân sự với những VĐV đạt thành tích ở các giải đấu quốc tế mà tất cả những bộ môn tham gia đều có cơ hội đạt giải một cách công bằng. Với Thế vận hội (Olympic) chỉ cần có huy chương, nhưng với ASIAD phải đạt Huy chương vàng.

Điều đó đồng nghĩa với việc dù Son Heung-min có vô địch World Cup anh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Những sự đổi mới của Luật nghĩa vụ quân sự càng khiến Son Heung-min gặp bất lợi. Theo đó nam giới Hàn Quốc buộc phải nhập ngũ ở tuổi 24 nếu không phải là sinh viên và đang sinh sống ở trong nước. Với những người đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài thì được quyền trì hoãn đến 27 tuổi, và cho đến 28 buộc phải thực hiện nghĩa vụ khi có giấy triệu tập.

 - Bóng Đá

Son Heung-min ngoài mục tiêu vô địch, giải đấu này còn là cứu cánh cho sự nghiệp của anh. 

Park Chu-Young từng ‘lách luật’ thành công khi đạt đến giới hạn tuổi của mình vào năm 2011. Anh đã xin được visa thường trú có thời hạn 10 năm tại Monaco, cho phép hoãn nghĩa vụ quân sự cho đến năm 2022. Tuy nhiên hành động này của Park Chu-Young khiến anh nhận cơn bão chỉ trích từ người hâm mộ nước nhà. Đến năm 2012, anh cùng Olympic Hàn Quốc đoạt được Huy chương đồng tại Thế vận hội London, qua đó được miễn nghĩa vụ hoàn toàn. ‘Kẻ hở’ mà cựu tiền đạo Arsenal tận dụng ngay sau đó cũng bị chính phủ Hàn Quốc bịt kín.

Son Heung-min sinh ngày 08/07 năm 1992 (hiện đã 26 tuổi). Son thuộc diện đang làm việc ở nước ngoài với visa lao động của Anh, nghĩa là tiền đạo này được trì hoãn việc nhập ngũ cho đến trước sinh nhật lần thứ 28, tức là trước mùa Hè 2020. Để được miễn nghĩa vụ quân sự, Son Heung-min buộc phải giành Huy chương vàng ASIAD 2018 mà trước mắt nhiệm vụ của anh và các đồng đội là phải đánh bại Olympic Việt Nam.

Olympic London 2012, Olympic Hàn Quốc đánh bại Olympic Nhật Bản trong trận tranh Huy chương đồng, đáng tiếc Son Heung-min lại từ chối tham gia giải đấu (khi đó Son đang khoác áo Hamburg). ASIAD 2014, Olympic Hàn Quốc xuất sắc đoạt ngôi vô địch, tuy nhiên CLB chủ quản của Son Heung-min khi đó là Bayer Leverkusen không cho anh trở về thi đấu (ASIAD không nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của FIFA).

 - Bóng Đá

Trận đối đầu với Olympic Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng với Son. 

Môn bóng đá nam của của Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 22/07 đến ngày 08/08 trong khi Son Heung-min bước sang tuổi 28 vào ngày 08/07. Cơ hội anh được tham gia Thế vận hội mùa Hè 2020 là rất thấp và phải chờ phán quyết cuối cùng từ phía chính phủ. Chính vì vậy kì ASIAD 2018 tại Indonesia được xem là hi vọng duy nhất để ngôi sao sinh năm 1992 đoạt chức vô địch và được miễn nghĩa vụ quân sự.

Sau thời của Park Ji Sung, Son Heung-min nổi lên như một trong những biểu tượng của bóng đá Hàn Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung. Từ dòng lệ cay đắng ở trận thua Mexico cho đến giọt nước mắt vui sướng khi đánh bại ‘Những cỗ xe tăng’ Đức ở vòng bàng World Cup 2018 của Son Heung-min đã lay động và mang đến niềm hi vọng cho người hâm mộ Hàn Quốc về một tương lai tươi đẹp của bóng đá nước nhà. Tuy nhiên khi thời gian phải thực hiện nghĩa vụ quốc gia đã cận kề, người ta lại càng lo lắng cho sự nghiệp có thể bị gián đoạn của tiền đạo đang thuộc biên chế Tottenham.

Từng bước chạy của Son Heung-min trên đất Indonesia không chỉ đang giành giật từng hi vọng cứu rỗi sự nghiệp đang thăng tiến mà còn mang hi vọng của cả một dân tộc. Son đang là viên ngọc quý giá của bóng đá Hàn Quốc, tuy nhiên để không tạo ra tiền lệ xấu, chính phủ đất nước này có lẽ sẽ không ban hành thêm mất cứ điều luật nào ưu ái cho anh cả.

Hà Dương | 00:27 29/08/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục