M.U và những lý do của antifan

17:38 Thứ hai 26/08/2013

M.U là câu lạc bộ bị ghét nhiều nhất ở nước Anh, còn có nhiều nhất thế giới hay không thì chưa có mấy thống kê để kiểm chứng. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói riêng, số lượng những người không ưa Quỷ đỏ cũng khá đông đảo, và họ có những lý do của riêng mình. Nhân đây, hãy thử liệt kê những lý do đó ra và cùng phân tích.

Những lý do chuyên môn

Lý do đầu tiên, đội hình tầm thường, lối đá cũng thế, vậy mà M.U cứ vô địch. Cũng đúng, M.U không phải “dải ngân hà”, có lúc bị cho là lực lượng chỉ “ngang Tottenham”. Đội hình tầm thường mà vẫn vô địch, còn đội hình mạnh, đẳng cấp lại xếp sau cả chục điểm, vậy đáng chê hay đáng khen cho đội hình tầm thường? M.U có tầm thường thật không, đẳng cấp của họ thế nào, hơn 20 năm qua nó đã được chứng minh rõ ràng rồi. Đó là thứ đẳng cấp tập thể, chứ không phải đẳng cấp cá nhân, càng không phải đẳng cấp mua bằng tiền.

Tiếp đến, người ta ghét M.U hưởng lợi từ trọng tài, cầu thủ hay ăn vạ. Hãy thử đếm xem cầu thủ M.U ăn vạ cả mùa đc mấy lần? Và được mấy người? Những fan bóng đá chỉ vài năm là đủ biết rằng mỗi đội đều có một số cầu thủ tinh quái và một số ít lần đóng kịch, có thể khẳng định M.U cũng chẳng nhiều hơn các đội bóng khác ở khoản này. Trọng tài xem ra là cái cớ thuyết phục hơn, bởi đã có những chiến thắng quan trọng đến với M.U bởi sai sót của trọng tài. Chuyện Sir Alex tác động làm một số ông vua áo đen khốn đốn, hay việc đôi khi (hiếm hoi) M.U được bù nhiều giờ là có thật.

MU là đội bóng bị ghét nhất nước Anh. Ảnh: Internet

Một lý do chung chung khác quy đồng tất cả antifan của M.U, đó là họ là người hâm mộ của những đội bóng từng “thua oan” Quỷ đỏ. Thật ra đó cũng chỉ là một gạch đầu dòng “bôi” ra từ chuyện trọng tài, nếu oan chỉ có oan như thế. Lý do này có lẽ làm một vài Manucian lặng lẽ ngẫm lại “Chẳng lẽ đội bóng của mình thì chưa từng thua oan?”. Chỉ nội chuyện trên sân cỏ, nếu nói ghét M.U vì là fan Chelsea hoặc fan Liverpool khi trong một số trận đấu đỉnh cao trọng tài đã bắt có lợi cho M.U (không biết cố tình hay vô ý) làm thay đổi cục diện, thì có thể hiểu được, còn lại, có vẻ mọi lý do khác đều không xác đáng lắm.

Tương tự, vì M.U…”rùa” quá. M.U toàn ghi bàn phút cuối, toàn sút bóng đập người hậu vệ thành bàn, toàn sắp thua rồi lại thắng. Chỉ đơn giản thế này, nếu đội bóng của họ (những người ghét sự “rùa”) tấn công miệt mài và có được bàn thắng quan trọng ở phút 90, hoặc ép sân và may mắn hậu vệ đối phương đưa bóng về lưới nhà, phá vỡ thế bế tắc, hoặc lội ngược dòng dù bị dẫn trước 2-0, có ai không mừng rỡ nhảy cẫng lên hét vang làng vang xóm? Chỉ trách ngoài M.U, không mấy đội thường xuyên làm được điều đó.

Ghét đến cả chuyện... bên lề

M.U hay đao to búa lớn mà chẳng làm gì, hay dân dã gọi là “chém gió” trên thị trường chuyển nhượng. Dễ hiểu thôi, báo chí là nguồn gốc của mọi tin đồn, mỗi ngày có tới cả chục bài đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau, chỉ từ một vài dấu hiệu nhỏ li ti cũng thành “tin nóng”. M.U chẳng hơi đâu làm tất cả những việc ấy, và để báo chí cứ bám lấy M.U mà khai thác thì M.U phải là đội có nhiều fan đọc báo nhất, đó là điều chắc chắn.

Thật ra, lý do “hút anti” nhất hóa ra lại là: ghét thái độ của fan M.U. Có người vì bảo vệ đội bóng, bức xúc trước những lời anti nên… anti lại, hoặc cũng có người chủ động đi gây hiềm khích, fan như thế thì có ở bất cứ đội bóng nào, hoặc giả fan M.U tổng thể đông hơn nên lực lượng ấy cũng đông hơn mà thôi. Còn chuyện hô “M.U vô đối”, nó cũng như hô “Việt Nam vô địch”, nhiều người có thể ảo tưởng về sức mạnh của M.U, nhưng nhiều người dù biết M.U ko mạnh nhất nhưng họ nói vì niềm tự hào, như một câu khẩu hiệu cho… vui miệng, lấy tinh thần. Nó không sai trái, nhưng nếu có fan đội khác thấy khó chịu thì cũng không phải vô lý.

Bao quát hơn, đội nào không có những fan lớn tiếng khi thắng và bao biện khi thua? Khẳng định là đội nào cũng có, những fan chân chính thì tự biết mình ở đâu và không cần nhảy vào những tranh cãi vô vị. Phải khẳng định, fan M.U (một bộ phận thái quá) không phải là M.U. Thích M.U hay ghét M.U nhưng lại không phụ thuộc vào những gì M.U thể hiện, mà phụ thuộc vào việc thích hay ghét fan M.U thì không còn gì để phân tích, bởi nó nằm ngoài logic của lý trí.

Tóm lại về bản chất, lý do chính đáng gắn trực tiếp với đội bóng Manchester United chỉ có thể là một vài lần trọng tài đứng về phía M.U dưới triều đại Sir Alex, một vài lần được khuếch đại thành ”lúc nào cũng thế”, nếu trừ cho những trận M.U bị thiệt chắc không còn bao nhiêu. Sự thiệt thòi, ấm ức trong một số trận đấu mà fan Chelsea, Liverpool phải nếm trải là thông cảm được, nếu có ghét M.U thì chỉ cần thế là đủ. Vậy nhưng luôn là thế, khi đã ghét một người và để ý từng hành động nhỏ nhặt để cộng thêm những điểm xấu, ta sẽ có cả một danh sách dài.

Chừng nào có một đội hình “tầm thường” mà vẫn vô địch liên tục, chừng nào được hâm mộ nhiều nhất thế giới, chừng nào sở hữu một truyền thống huy hoàng hạng nhất - dù chỉ trong nước Anh, thì các cổ động viên đội bóng khác mới hiểu được cảm giác của Manucian. Rất tiếc là fan bóng đá thì cũng rất nhiều người trẻ, những người muốn chứng minh chính kiến và lập trường của bản thân, có một số những người không thể đặt mình vào địa vị của người khác, và có một số lại lấy sự hả hê trong tranh luận làm niềm thích thú, kể cả fan M.U hay fan của đội bóng nào đi nữa.

Khi những phân tích qua đi, tất nhiên người ghét vẫn cứ ghét, người thích vẫn cứ thích M.U thôi. Dù gì, bao nhiêu năm qua, M.U đã quen sống chung với điều đó, và có vẻ nó cũng không làm tiền đạo của họ dứt điểm kém đi, bàn thắng của họ ghi được ít hơn. Sự phát triển ồ ạt của truyền hình, của truyền thông, của internet đã mang tới cho M.U một lượng fan khủng khiếp, nhưng cũng cả một lượng antifan không nhỏ. Cái gì cũng có lý do, dù là lý trí hay cảm tính, bởi trong mỗi người đều có phần cảm tính, người ít và người nhiều. Bởi thế, dù nói gì, sau cùng antifan vẫn có quyền ghét M.U như họ vẫn muốn. Nói cho cùng, giống như yêu, ghét là ghét, đâu phải lúc nào cũng phải có hàng loạt những lý do.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục