Lý do Trung Quốc là nước tí hon trên bản đồ bóng đá

00:44 Thứ tư 06/08/2014

Là nơi đứng ra đăng cai tổ chức trận tranh Siêu Cup Pháp (PSG - Guingamp, cuối tuần trước), Trung Quốc là điểm đến đầy hứa hẹn CLB hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên bóng đá tại đây chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tạp chí Time vừa đưa ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao Trung Quốc mãi là một quốc gia tí hon trên bản đồ bóng đá thế giới.

Mới đây người Trung Quốc đã bắt đầu chú ý tới việc xây dựng hình ảnh để quảng cáo thương hiệu cho giải bóng đá VĐQG của mình với việc mời một loạt các ngôi sao lớn của thế giới về đầu quân cho các đội bóng đang chơi ở Chinese Super League, như Didier Drogba, Nicolas Anelka cách đây 2 năm.

Mối quan hệ Á – Âu trong bóng đá còn thể hiện ở việc các đội bóng đại gia ở Trung Quốc đã mạnh tay móc hầu bao để mời những ông thầy ngoại nổi tiếng tới từ lục địa già, như Marcello Lippi, hay Sven-Goran Eriksson về dẫn dắt CLB. Nhưng thành tích trên sân của những CLB này không được cải thiện tương xứng với số tiền đầu tư bỏ ra.

Trên phương diện đội tuyển quốc gia, LĐBĐ Trung Quốc vừa mời HLV kỳ cựu Alain Perrin về dẫn dắt đội tuyển, nhưng việc làm này cho tới nay chưa mang lại tiến triển cụ thể. Đất nước đông dân nhất thế giới mới chỉ một lần giành quyền góp mặt ở World Cup vào năm 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

HLV kỳ cựu Alain Perrin được mời dẫn dắt ĐT Trung Quốc

“Thực tế, bóng đá chỉ một môn thể thao được xếp vào hàng thứ yếu tại Trung Quốc, không giống như các môn ưu tiên phát triển bao gồm bóng bàn, cầu lông”, phóng viên Hannah Beech của tờ Time tại Trung Quốc khẳng định.

Người dân Trung Quốc rất thích xem bóng đá, dù là một trận đấu ở giải VĐQG hay những giải VĐ hàng đầu châu Âu, như Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp, nhưng có một thực tế đáng buồn là việc chơi bóng, đặc biệt là với đối tượng thanh niên không được khuyến khích.

Theo nguồn tin này, không nhiều các giải đấu tỉnh hay vùng được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Trẻ em không có cả thời gian để ra sân chơi bóng vì chúng còn bận phải vùi đầu vào đống sách vở với phương châm “Học, học nữa, học mãi” – một câu nói đã trở thành mục tiêu phấn đấu của bất cứ đứa trẻ nào.

Trẻ em không có cả thời gian để ra sân chơi bóng vì chúng còn bận phải học

Việc đào tạo các cầu thủ chuyên nghiệp ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã có một số tiến triển, tuy nhiên vẫn còn mang tính cục bộ, chỉ được ưu tiên phát triển trong một số thành phố và khu vực nhất định. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Châu là một ví dụ tiêu biểu. Nơi đây có trường đào tạo bóng đá quốc tế Evergrande International Football School đón tiếp 2.400 học viên trẻ với hàng chục sân bóng, cùng các chuyên gia là các HLV được Real Madrid gửi đến để đào tạo.

ĐTQG Trung Quốc mới một lần vào chung kết giải vô địch châu Á năm 2004 khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà, tuy nhiên thành tích của họ không mấy thuyết phục trong 2 giải đấu gần nhất. Có lẽ bóng đá Trung Quốc sẽ phải mất khoảng chục năm nữa để vươn mình xa hơn. Nhưng nhiều người bản địa vẫn tỏ ra không mấy lạc quan về tương lai của bóng đá nước nhà, trừ khi chính phủ quyết định đứng ra đăng cai World Cup.
Nguyễn Tùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục