HLV Colin Murphy: Triết lý bóng đá Anh và giấc mơ xa vời

15:57 Chủ nhật 24/02/2013

Năm 1997, tuyển Việt Nam tham dự Dunhill Cup tại Kuala Lumpur, Malaysia với một đội hình sứt mẻ vì thiếu hụt lực lượng (do một số cầu thủ CA TPHCM bị cấm thi đấu 6 tháng vì tham gia hành hung trọng tài Tuấn Hùng trong trận chung kết gặp Đồng Tháp tại Giải VĐQG năm 1996 trên sân Cao Lãnh, trong đó có cả Huỳnh Đức) và kết quả là đội tuyển Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng bảng với 3 trận toàn thua, không ghi nổi một bàn thắng nào. VFF sau đó đã thẳng tay sa thải HLV người Đức Karl Heiz Weigang và nhanh chóng tìm một HLV ngoại mới cho đội: ông thầy người Anh - Colin Murphy.

Trong một ngày cuối thu, ở một trận đấu của Công An Hà Nội ở giải vô địch quốc gia năm 1997, ống kính truyền hình chĩa về một người đàn ông với chiếc đầu hói, cái mũi dài khoằm cộng với nụ cười hóm hỉnh, các BLV đã giới thiệu và chúng tôi đã biết về ông: Ông là Colin Murphy HLV ngoại thứ 3 mà VFF chọn mặt gửi vàng để dẫn dắt đội tuyển VN và là HLV người Anh đầu tiên đến và làm việc ở VN. Cái cách ông được mời đến dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Nam thật là trầm lặng, mọi thông tin đều không được đồn thổi và lan truyền quá mức…

Ông là một người Anh, nên phong cách huấn luyện của ông cũng rất Anh, chiến thuật “kick and rush” được ông bê nguyên vào áp dụng cho đội tuyển Việt Nam. Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông đã phải từ bỏ chiến thuật 3-5-2 truyền thống để chuyển sang sơ đồ 4-4-2, ưu tiên cho lối đá lật cánh đánh đầu rất Anh. Có điểm tích cực dễ nhận thấy dưới thời của ông là các cầu thủ Việt Nam đã có nền tảng thể lực tốt hơn, đã tích cực sút xa nhiều hơn, một điều rất hiếm thấy ở thời ông Karl Heiz Weigang.

Sau chuyến du đấu tập huấn ở Châu Âu, đội tuyển VN đã có trận đấu giao hữu với chủ nhà Thái Lan ở Băng Cốc, sau một hiệp 1 thi đấu ngang ngửa với đội chủ nhà, thì ở hiệp 2 các cầu thủ của chúng ta đã thi đấu đuối sức và để thua chung cuộc với tỷ số 0-3. Tuy thua nhưng khán giả Việt Nam vẫn cảm thấy vui, vì những nét tươi mới và tích cực đã xuất hiện ở đội tuyển Việt Nam. Ông đã từng nói rằng ông sẽ đưa bóng đá Việt Nam tham dự World Cup 2002 (như lời BLV Quang Huy).

HLV người Anh: Colin Murphy. Ảnh: Internet.

Colin Murphy đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam bắt đầu trận đánh lớn ở Jakarta/ Indonesia năm 1997 bằng trận đấu mở màn gặp Malaysia. Lối chơi tốc độ, bóng bổng và lật cánh đúng kiểu Anh nhắm vào cái đầu của Huỳnh Đức đã được các học trò của ông liên tục triển khai nhưng hoàn toàn gặp bế tắc trước hàng phòng ngự chắc chắn của Malaysia, đã thế chúng ta còn bị thủng lưới từ rất sớm và chung cuộc thua 0-1. Trận thua trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp này khiến cho cơ hội vào bán kết của chúng ta hẹp đi trông thấy và bắt buộc trong trận đấu tiếp theo gặp chủ nhà Inđô chúng ta không được phép thua nếu không muốn xách va li về nước sớm. Trong trận đấu thứ 2, các học trò của ông và các cầu thủ Inđo đã cống hiến cho khán giả xem một trong những trận cầu hấp dẫn nhất của bóng đá ĐNA từ trước đến nay, nhờ sự tỏa sáng của Văn Sỹ Hùng mà chúng ta giữ được trận hòa 2-2 qua đó níu kéo chút cơ hội mong manh để tiến vào bán kết.

Quả thật vận may đã đứng về phía ông và các học trò. Trong loạt trận thứ 3, các cầu thủ Inđo đã chơi sòng phẳng và quật ngã Malaysia với tỷ số 4-0, còn các cầu thủ chúng ta chỉ dám thắng Lào với tỷ số nhẹ nhàng 2-1, để hi vọng “đàn em” Lào sẽ không tự ái vì bị loại sớm mà cố gắng thi đấu để cầm hòa Mã Lai trận cuối cùng. Mọi con mắt của người dân Việt Nam đều dõi lên màn hình cổ vũ cho đội tuyển Lào và hi vọng vào một điều thần kỳ. Điều thần kỳ ấy đã đến: các cầu thủ Lào đã chơi một trận đấu quả cảm trước dàn cầu thủ Malaysia chơi như có vấn đề, để thắng họ với tỷ số 1-0 qua đó chính thức giúp chúng ta lách qua khe cửa hẹp lọt vào bán kết.

Ở bán kết gặp các cầu thủ Thái Lan quá mạnh chúng ta đã chấp nhận thua cuộc với tỷ số 1-2, tuy thua nhưng các cầu thủ đã làm người hâm mộ nước nhà hài lòng hơn về lối chơi, chí ít là về mặt tỷ số đã hơn hẳn so với trận thua 0-3 trước đó.

Trong trận đấu tranh huy chương đồng với các cầu thủ Singapore, các cầu thủ của ông đã hiện thực hóa khát vọng giành huy chương bằng trận thắng sát nút 1-0 trước đội bóng “Đảo quốc sư tử” với cũ nã đại bác tuyệt vời của Nguyễn Phúc Nguyên Chương từ khoảng cách hơn 30 mét. Hình ảnh ông Murphy vui mừng sung sướng chạy ngay vào sân ôm chầm lấy các học trò lúc đó giờ vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Có lẽ ông chính là HLV ngoại duy nhất có phong cách cởi mở và dễ gần với các học trò của mình đến thế.

Ông đã giúp bóng đá Việt Nam giành HCĐ Sea Games 19, nhưng giấc mơ dự WC 2002 mãi mãi là giấc mơ xa vời. Ảnh: Internet.

Tựu chung lại ông Colin Murphy ở giải này may nhiều hơn là tài năng, lối đá truyền thống của người Anh “kick and rush” với sơ đồ 4-4-2 quả thật không hợp với các cầu thủ Việt Nam, khi chúng ta đã quá quen thi đấu với 5 hậu vệ. Hơn nữa lối chơi này đòi hỏi các cầu thủ phải thật khỏe, không cần kỹ thuật nhiều. Chính vì lý do đó mà tiền vệ tài hoa Nguyễn Hồng Sơn đã không được ông trọng dụng, mà ông tin dùng một Nguyễn Minh Hiếu khỏe mạnh và kỷ luật hơn. Nếu trong trận cuối các cầu thủ Mã Lai không thi đấu một trận đấu bế tắc như mơ ngủ trước tuyển Lào và tự vất đi cơ hội của mình thì Sea Games 19 năm đó trở thành kỷ niệm buồn đối với thế hệ vàng của bóng đá VN.

Sau thành công đó, Colin Murphy đã về nước nghỉ phép, các phương tiện truyền thông cũng không hề nhắc đến ông nữa. Cho đến một ngày đài truyền hình VTV trong mục tin thể thao đã đưa tin rằng: ông Colin Murphy quá thời hạn nghỉ phép mà vẫn chưa quay trở lại, cũng không hề có thông báo với VFF về chuyện này, đồng thời VFF cũng không liên lạc được với ông. Ông đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại ASIA Cup của đội tuyển Việt Nam, VFF sau đó đã chủ động cắt đứt hợp đồng với ông và trao quyền huấn luyện đội tuyển quốc gia cho trợ lý là ông Trần Duy Long. Một cái kết buồn cho ông thầy người Anh.

Rồi người hâm mộ chúng tôi đã được gặp lại Colin Murphy, nhưng lại ở cái thế đối địch khi ông dẫn dắt đội tuyển Myanmar ở Sea Games 20/Brunei (1999). Đội tuyển Myanmar của ông đã thua 0-2 trước “thế hệ vàng của chúng ta với hàng thủ thép” năm đó. Lần này chúng tôi đã không được chứng kiến những hình ảnh vui nhộn, những nụ cười của ông nữa. Mà thay vào đó là một nét đượm buồn, đầy suy tư. Và không lâu sau đó ông đã bị liên đoàn bóng đá Myanmar chấm dứt hợp đồng. Từ đó đến giờ tên tuổi của ông cũng không hề được nhắc đến trên bản đồ bóng đá ĐNA nữa.

Một cái kết buồn cho ông thầy người Anh, kế hoạch Anh hóa bóng đá Việt Nam với sơ đồ 4-4-2 của ông vẫn còn dang dở. Ước mơ đưa bóng đá Việt Nam tham dự World Cup 2002 như lời BLV Quang Huy giới thiệu khi đó mãi mãi là một giấc mơ xa vời…

(Bạn đọc: Hải Quân)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục