Gửi bác Hải: Làm "Quân xanh" thì đã sao?

19:18 Thứ sáu 03/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Gửi bác Lê Thụy Hải, cháu gọi như vậy để thể hiện sự tôn trọng với một người lớn tuổi, dù xét về tuổi đời, có lẽ bác vẫn thua bố cháu vài tuổi. Cháu viết thư này gửi bác cũng để phản hồi về những điều bác đối với U23 trong thời gian qua.

Trước hết xin trích lời bác đã nói: "Ngay cả khi đội U23 Việt Nam có lọt được vào VCK U23 châu Á thì cũng chỉ làm quân xanh cho người ta, phải xác định được mục tiêu chính. Sao mình không tập trung chuẩn bị cho SEA Games 28 đi"

Dù không biết câu nói trên báo này chính xác bao nhiêu phần trăm với lời từ miệng bác nói ra, vì báo chí vốn dĩ hay "mô đi phê" giật tít cho kêu, nhưng là độc giả, cháu cũng chỉ được tiếp nhận thông tin từ đó, nên cháu cũng xin phản biện với bác dựa trên thông tin đó.

U23 Việt Nam phải rất vất vả mới giành được vé lọt vào VCK U23 Châu Á. Ảnh Internet

Bác nhắc đến hai chữ "quân xanh", vì U23 có lọt vào vòng chung kết cũng toàn gặp "đại gia", toàn "thứ dữ" của bóng đá châu Á, vậy có khác nào nói chúng ta nên buông súng đầu hàng ngay khi trận chiến còn chưa bắt đầu. Liệu đó có phải là tinh thần đáng có, khi mà chúng ta đang nói tới một môn thể thao mạnh mẽ của những người đàn ông như bóng đá, và đặc biệt, tinh thần đó có nên xuất hiện đối với những chàng trai của một đội tuyển cấp quốc gia, những con người đang khoác lên mình vinh dự được phục vụ Tổ quốc thông qua mầu áo đỏ.

Những chàng trai đó còn rất trẻ, không phủ nhận họ còn khá non nớt về mặt tài năng, kinh nghiệm cũng như quá non nớt về tinh thần, và đúng là khả năng họ làm "quân xanh" là rất cao. Nhưng không lẽ vì thế mà xúi họ nên đầu hàng, hay chăng, tại sao không thổi bùng cho họ ngọn lửa hừng hực về lòng tự tôn dân tộc,

Sẽ là một sự so sánh vô cùng khập khiễng khi níu kéo những chiến công hiển hách năm xưa ra nói, nhưng dân tộc này, trải qua lịch sử mấy ngàn năm, đã bao giờ ngán ngại trước những đối phương mạnh hơn gấp trăm vạn lần, gót ngựa Nguyên Mông đã xéo nát biết bao nhiêu vùng lãnh thổ, Phát xít Nhật đã vung lưỡi kiếm tàn độc đeo gông bao dân tộc, Đế quốc Mỹ hùng mạnh đã bá chủ bao lâu,... nhưng tất cả, đều trở thành bại binh khi xâm lấn nước Việt này.

Điều gì tạo nên những kỳ tích đó, là lớp hậu duệ đi sau, cháu tin rằng đó là ý chí quả cảm của một tinh thân yêu nước sục sôi, là lòng tự tôn réo gào bên trong hàng vạn triệu con người, đặc biệt là người trẻ. Bóng đá không phải là một cuộc chiến nơi máu đổ đầu rơi, nhưng bóng đá, mà khi đại diện cho 2 chữ Việt Nam trên đấu trường quốc tế, thì cần lắm một tinh thần như thế,

Những chàng trai trẻ trung của chúng ta, trong một xã hội ảo nhiều hơn là thực, một xã hội đậm mầu thực tế, trong một môi trường V League nhuốm màu tiền bạc hư danh, lại càng cần lắm sự khơi gợi, sự động viên để nấu nung một tinh thần như thế. Đó là tinh thần dân tộc, tinh thần thượng võ trong thể thao, là những điều vô cùng đáng quý,

Nhưng ngoài ra, trong xã hội hiện nay, khi yếu tố "thương hiệu" luôn là giá trị lớn lao, phải chăng đây cũng là điều cần bàn tới trong bóng đá. Bản thân Việt Nam cũng đã là một thương hiệu, một thương hiệu lớn, mà khi thương hiệu đó thể hiện được giá trị của mình, nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Thử hình dung chúng ta được lợi gì cho việc quảng bá thương hiệu khi "đóng vai' quân xanh ở một giải đấu tầm châu lục.

Điều đầu tiên và thấy ngay là được biết đến, trước hết đó đã là một điều đáng quý, còn sau đó, chúng ta thể hiện mình ra sao, sẽ thu được những lợi ích phù hợp. Có thể chúng ta đá dở, chúng ta thua nhiều, thì sao nào, có mấy ai chê trách một đội bóng "quân xanh". Nhưng chắc chắn, ai ai cũng sẽ phải dành những lời ấm áp cũng như một sự nể phục dành cho đội bóng "quân xanh" đó nếu họ biết chiến đấu hết mình dù biết mình luôn luôn ở "cửa dưới"

Giá trị thương hiệu "Bóng đá Việt Nam" và "Con người Việt Nam" chắc chắn sẽ được nhắc tới và nhớ đến như vậy. Tại sao trong thể thao luôn có khái niệm "ngẩng cao đầu", cháu tin rằng, một khi đội bóng "quân xanh" của chúng ta có thể mang tinh thần quả cảm ra mà chiến đấu và rời cuộc chơi trong thế "ngẩng cao đầu", thì điều chúng ta thu được nhiều hơn là mất, cho bản thân các chàng trai trẻ, cho nền bóng đá không mấy phát triển của chúng ta, cũng như ở tầm vĩ mô, cho Tổ quốc.

Một trong những điều nhỏ và đơn giản thôi, với một giải đấu quy mô như vậy, sẽ có bao nhiêu đài truyền hình quốc tế phát hình trực tiếp, sẽ có bao nhiêu quốc gia lớn nhỏ tiếp sóng, sẽ có bao nhiêu con người ngồi trước máy thu hình dõi theo, khi đó, chúng ta sẽ được gì, có lẽ cũng chẳng cần nói thêm nữa.

Lật lại lời nói của bác, cháu không đến nỗi kém tư duy để không hiểu cái tình của bác dành cho bóng đá nước nhà, khi bác muốn chúng ta thực tế hơn, hướng tới những mục tiêu thực tế hơn, gần mình hơn. Vậy nó là gì. Seagame.

À phải rồi, Seagame, cái tên này cháu được biết đến lần đầu tiên là tại Chiengmai Thái Lan ở kỳ đại hội thứ 18, năm 1995, khi đó, cũng là những lần đầu dõi theo đội tuyển Việt Nam, và nếu cháu nhớ không lầm, chúng ta đã thua mất mặt trước người Thái trong trận chung kết, rồi dần dần, ở những kỳ Seagame sau đó, vẫn chỉ là những chiến bại.

Từ đó tới nay, chúng ta vẫn đeo đuổi tấm huy chương vàng Seagame như một giấc mơ "hão huyền", nhìn thì gần đó nhưng đã bao giờ chạm tới được đâu. Để giờ đây, sau đúng 20 năm, chúng ta, và bác, một lão làng trong nền bóng đá Việt, vẫn muốn hướng mục tiêu đến điều đó.

Trong một nền bóng đá quẩn quanh vẫn được xưng tụng "ao làng" này, chúng ta vẫn đang ngụp lặn, chúng ta vẫn hít thở bầu không khí tù đọng đó bao lâu nay, chúng ta không đi lên được, và những người hàng xóm của chúng ta cũng vậy. Dĩ nhiên, so với cách đây 10 năm, người Thái đã khác, người Indo đã khác, đặc biệt người Mã cũng rất khác, nhưng so ra châu Á, với Nhật, với Hàn, với Triều Tiên hay Iran, những người hàng xóm của chúng ta bỗng trở nên nhỏ bé đế tội nghiệp

Cháu không biết bác nghĩ thế nào, nhưng dù ta kém, nhưng nếu ta chơi mãi với những bạn trung bình, ta sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được, nhưng nếu được chơi với các bạn giỏi hơn ta - và dĩ nhiên khi ta xóa bỏ được cái dớp tự ti, thì ta sẽ mau tiến bộ lắm lắm.

Bóng đá cũng vậy, "quân xanh", ừ thì đúng, nhưng có hề chi, chỉ cần cái đội bóng "quân xanh" đó được hít thở bầu không khí trong một sân vận động hiện đại, được chạy trên thảm cỏ đẹp đẽ của một giải đấu hàng đầu khu vực, cũng là một trải nghiệm đáng quý rồi, chưa nói đến khi ta được thi đấu cùng những tài năng của bóng đá châu Á, những con người có tầm vóc hơn hẳn chúng ta cả về thể hình cũng như tài năng bóng đá, liệu có phải thêm một điều đáng quý nữa không.

HLV Toshiya Miura có công lớn trong thành tích của bóng đá Việt Nam 2 năm qua. Ảnh Internet

Những người bạn lớn đó, dù họ có biến chúng ta thành những kẻ học nghề, họ cũng có thể nã vào lưới chúng ta theo tỷ số của những set tenis đi chăng nữa, thì cũng sẽ vô tình "dạy dỗ" chúng ta được nhiều điều, những điều mà cái "ao làng" không bao giờ cho chúng ta trải nghiệm.

Bất chợt cháu lại có cách nghĩ khác, dĩ nhiên chỉ là cách nghĩ vụng của một kẻ ngoại đạo mà thôi, nhưng tại sao không "vứt toẹt" cái gánh nặng thành tích đi, coi Seagame này là thử nghiệm, nơi chúng ta lắp ráp các quân cờ, thi triển các nước đi, để rồi thực sự có những điều tốt nhất khi cho "quân xanh" ra trận ở Quatar năm sau, biết đâu chúng ta lại làm nên được điều gì đáng nhớ, và sau đó trở về, với những điều quý báu thu lại được từ một sân chơi lớn, chiếc huy chương vàng Seagame sau đó có còn là thử thách.

Những ngày qua, hân hoan với tấm vé đi tiếp, dù biết rằng còn đó nhiều vấn đề lắm, lối chơi quả thực chưa thuyết phục, nhân sự cũng chưa ổn định, vân vân và vân vân, nhưng cháu, và hàng triệu người hâm mộ như cháu, không thể nào kìm nén sự sung sướng này lại được,

Tại sao lại không hân hoan cho được, khi đó là đội tuyển cấp Quốc gia, khi đó là đội bóng của những chàng trai khát khao đem lại vinh quang cho nước nhà, những chàng trai đã chiến đấu hết mình vì mầu cờ sắc áo. Họ xứng đáng với sự hân hoan này từ những người yêu bóng đá, yêu nước nhà như cháu, như hàng vạn người như cháu, và cả bác nữa. Đó có lẽ là "sự tưởng thưởng" lớn nhất mà họ dành được, chứ không phải là những đồng tiền thưởng từ VFF hay từ đâu đó.

Vì vậy, trong không khí sục sôi này, cháu có vài lời gửi bác, trong cơn say sưa của lòng tự hào dân tộc, có gì quá lời, mong bác là bậc cha chú bỏ qua.

Chúc bác thành công hơn trong nghiệp bóng của mình, trước mắt là với đội bóng bác đang dẫn dắt, trong bức thư ngắn này, cháu không tiện nhắc tới việc đội bóng đó cũng vừa trải qua những trận đấu "khó khăn" tại sân chơi AFC Champions League, không biết khi dẫn quân sang đất Hàn, đất Nhật, trong đầu bác có manh nha hiện lên hai chữ "quân xanh"

Chào bác.

(Bạn đọc Nguyễn Khoa Bằng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục