Được và mất cùng Toshiya Miura

08:51 Thứ năm 15/10/2015

(TinTheThao.com.vn) - Tính từ ngày 10/5/2014 khi HLV Toshiya Miura đặt bút ký vào bản hợp đồng hai năm để dẫn dắt tuyển Việt Nam và U23 quốc gia, bóng đá Việt Nam đã có hơn 17 tháng dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng đến từ xứ sở mặt trời mọc. Dưới triều đại Toshiya Miura, ông đã nhiều lần gieo hy vọng, nhưng cũng nhiều lần gieo bao nỗi hoài nghi.

Để có cái nhìn công bằng hơn, cùng điểm lại những điều được, mất ở góc độ diện mạo đội tuyển và tuyển thủ Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura.

Được...

Thể lực tuyển thủ Việt Nam được cải thiện chút ít. Kể từ khi lên nắm tuyển quốc gia và U23, ưu tiên của HLV Toshiya Miura luôn là thể lực. Ông nhắm tới lựa chọn cầu thủ có thiên hướng thể lực và phải đáp ứng được yêu cầu về thể lực mà vị HLV này đặt ra. Trong các đợt tập trung của tuyển dưới sự huấn luyện của HLV Toshiya Miura các cầu thủ luôn phải vận động hết cường độ với những bài tập thể lực đa dạng.

Các tuyển thủ Việt Nam dưới thời HLV Miura được đầu tư nhiều về mặt thể lực. Ảnh: Nhật Minh.

Cầu thủ nào không đáp ứng được các bài tập về thể lực phải nhanh chóng rời tuyển, thậm chí có nhiều cầu thủ phải rời đi trong tình trạng chấn thương sau khi cố gắng nuốt trọn giáo án của ông thầy người Nhật.

Chưa nói về khả năng chuyên môn của các tuyển thủ, ở đây qua các bài tập thể lực ở cường độ cao, HLV Toshiya Miura đã thực hiện các cuộc “chọn lọc tự nhiên” để rồi những tuyển thủ trụ lại thực sự là những người có thể lực tốt nhất. Chính điều này đã làm cho các cầu thủ chúng ta có sự tăng cường về thể lực, họ ít hụt hơi hơn trong các trận đấu. Tuy vậy, có lẽ những gì thể hiện trên Mỹ Đình tối 13/10 cho thấy thể lực tuyển thủ Việt Nam có cải thiện nhưng chỉ cải thiện được chút ít.

Khả năng va chạm của cầu thủ tăng lên

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, cầu thủ Việt Nam dưới triều đại HLV Toshiya Miura là những cầu thủ có khả năng va chạm tốt nhất. Trong mỗi trận đấu cầu thủ chúng ta không ngại va chạm và sẵn sàng chơi rắn. Thậm chí có lúc chơi rắn quá mức dẫn đến các thẻ phát đáng tiếc.

Mất...

Nếu như những cái được chưa nhiều, chưa thể phát huy hiệu quả thì có vẽ như cái mất dưới thời HLV Toshiya Miura còn đáng lo ngại hơn khi sự khéo léo của tuyển thủ Việt Nam đang dần dần biến mất. Trước triều đại Toshiya Miura, các HLV ngoại quốc, các cầu thủ nước khác khi nhận xét về cầu thủ Việt Nam thì điều đầu tiên họ thường nhắc đến đó là “cầu thủ Việt Nam khéo léo, có kỹ thuật tốt”.

Triết lý bóng đá của HLV Miura vô tình làm mai một kỹ thuật cá nhân của các học trò. Ảnh: Đình Viên.

Tuy nhiên, đến thời HLV Toshiya Miura sự khéo léo, kỹ thuật của tuyển thủ chúng ta đang dần dần biến mất, những pha xử lý khéo léo với trái bóng gần như đã trở thành thứ xa xỉ. Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là từ lối đá Toshiya Miura áp dụng cho tuyển. Vị HLV người Nhật luôn yêu cầu cầu thủ chơi ít chạm, không giữ bóng lâu và không trừ ngoại lệ nào. Điều này khiến cho cầu thủ chúng ta không còn những pha xử lý khéo léo, kỹ thuật, thậm chí những phẩm chất ấy đang bị mai một dần, đang mất dần ở các tuyển thủ.

Khả năng phối hợp kém dần

Theo dõi tuyển qua nhiều thời kỳ, có cảm giác rằng tuyển Việt Nam dưới thời Toshiya Miura là đội tuyển kém nhất ở khả năng phối hợp. Sự ăn ý, kết dính giữa các cầu thủ, giữa các pha phối hợp là rất không tốt. Cũng không khó để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này vì theo triết lý của Toshiya Miura áp dụng cho tuyển trong phần lớn thời gian dẫn dắt vừa qua là: Bóng dài và ít chạm.

Việc liên tục thay đổi nhân sự và chiến thuật của HLV Miura khiến các tuyển thủ Việt Nam mất đi sự gắn kết. Ảnh: Nhật Minh.

Đã rất nhiều lần với bài “phất bóng” từ hậu vệ cho tuyến trên “chạy và chạy”, ông Miura làm cho truyền thông, chuyên gia phải tranh luận sôi nổi để tìm ra câu trả lời “ông đang cho cầu thủ chơi bài nào? Chiến thuật nào?” Tôi cũng không biết bài của ông Miura thế nào và nhiều bài ra sao, nhưng dường như với chiến thuật này cùng với việc ông không duy trì sự ổn định vị trí cầu thủ trong đội hình đã làm cho sự kết dính giữa các cầu thủ, sự ăn ý trong các pha phối hợp ngày càng kém dần.

Bản lĩnh cầu thủ giảm sút

Dưới triều đại Toshiya Miura bản lĩnh của cầu thủ chúng thật sự bị giảm sút. Cầu thủ mặc dù chơi rắn, không ngại va chạm nhưng thường lại thiếu tự tin và không tốt ở khả năng giữ bóng. Bên cạnh đó là tâm lý thi đấu không ổn định và “tụt” khá nhanh. Có thể đây cũng là hậu quả của việc HLV Toshiya Miura luôn buộc cầu thủ phải đá quá ít chạm và không được giữ bóng. Dần già chính cầu thủ bị tâm lý và bị cóng trong những trường hợp bị đối phương áp sát, cũng điều này thường xuyên gây ra sự chuệch choạc vì cầu thủ không thể giữ bóng để phối hợp.

Khả năng tranh chấp và giữ bóng của cầu thủ Việt Nam rất hạn chế khi gặp đối thủ chơi rắn. Ảnh: Nhật Minh.

Sau thất bại 3 bàn trắng trước Thái Lan ngay tại thánh địa Mỹ Đình, dường như một lần nữa bóng đá Việt Nam lại sắp chạm đáy. Tất nhiên không thể đổ lỗi cho HLV Toshiya Miura vì đây là hệ quả của một nền bóng đá tụt hậu và sự điều hành không tốt từ VFF.

Cũng khẳng định thêm rằng, tuyển Việt Nam ngay trước khi Toshiya Miura đến cũng thi đấu không hay hơn gì so với tuyển của thời Toshiya Miura. Đáng tiếc rằng, đây lại là lý do để chúng ta ký hợp đồng với Toshiya Miura. Vì lẽ đó, Toshiya Miura có phù hợp với bóng đá Việt hay không các nhà chuyên môn, những người làm bóng đá cần phải xem xét!

(Bạn đọc: Công Lê)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

08:31 15/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục