Đua xe F1 - phía sau Lightning McQueen là cuộc chiến của những Guido

21:49 Thứ ba 10/03/2020

Khi những bánh xe F1 chuẩn bị lăn trên các đường đua cũng là lúc cuộc chiến của đội hậu cần bắt đầu với hàng trăm tấn thiết bị, 20 chặng đua trên 5 châu lục trong 9 tháng.

Các nhân viên đội đua sẽ vận chuyển hàng trăm tấn thiết bị của 10 đội đua tới hơn 20 chặng đua diễn ra ở 5 lục địa trong vòng 9 tháng. Phía sau các tay đua là đội hậu cần khổng lồ cùng số lượng trang bị khổng lồ mà không nhiều người yêu mến F1 được biết rõ.

Guido-F1-01

Những chiếc siêu xe F1 được vận chuyển bằng đường hàng không.

50 tấn trang thiết bị, 40 bộ lốp, 2.500 lít xăng

Giai đoạn cao điểm của mùa giải có đến 3 chặng đua liên tiếp chỉ trong 1 tháng. Thông thường, mỗi đội đua cần đem tới 50 tấn trang thiết bị. Có 3 phương thức vận chuyển được dùng đến: Đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Ngay khi lịch đua của mùa giải được ấn định, các đội sẽ chọn đóng gói các thiết bị nặng nhất và ít quan trọng trước. Họ sẽ xếp ra khoảng 3 bộ đồ nghề giống hệt vào 3 container rồi chuyển đi. Đồ ít quan trọng sao phải dùng đến cả container?

Việc này góp phần tối ưu thời gian chuyển đồ cho cả mùa giải. Một thùng sẽ được chuyển đến nơi tổ chức chặng đầu tiên (Australia). Cùng lúc đó, một thùng đến chặng thứ hai. Khi gần đến ngày diễn ra chặng hai thì thùng thứ ba lên đường đến chặng tiếp theo (tức Việt Nam).

Guido-F1-02

Một xe đầu kéo chuyên dụng của đội đua hùng mạnh McLaren.

Các container này thường tới nơi và được tập kết vào trường đua trước vài tuần. Nếu chuyển qua đường biển, hành trình này mất từ 10 đến 20 ngày tùy vào khoảng cách. Khi các kỹ thuật viên đến, họ đã có sẵn đồ để tác nghiệp.

Khi chặng đua đầu tiên kết thúc, các đội đua chỉ việc đi thẳng đến chỗ chặng hai và bắt tay vào chuẩn bị. Cùng lúc ấy, đồ đạc ở chặng đầu được gói ghém rồi chuyển đến chặng thứ tư, trong khi đó, đồ ở chặng hai và ba đã sẵn sàng tại điểm thi đấu. Tiếp tục, hết chặng hai thì đồ đạc lại được gói chuyển đến chặng năm. Lộ trình ấy được tuân thủ nghiêm ngặt cho đến hết giải.

Guido-F1-03

Các đội đua chuẩn bị dọn đồ khi cuộc đua còn chưa kết thúc. Khung cảnh này hoành tráng không kém các trường phim Hollywood.

Cuộc chiến vận chuyển của các đội đua F1

Xe đua có lẽ là “món đồ” được quan tâm nhất trong các đồ đạc. Nhưng có hàng chục tấn thiết bị khác cũng cần được đóng gói và vận chuyển. Mỗi đội phải mang đủ đồ nghề dụng cụ để lắp xe, ví dụ 40 bộ lốp, 2.500 lít xăng, 200 lít dầu bôi trơn, 90 lít nước làm mát... Ngoài ra, họ còn có các dụng cụ kỹ thuật và máy tính, rồi thực phẩm cho cả đoàn, dụng cụ để nấu nướng...

Công việc vận chuyển thường bắt đầu 3 tiếng sau mỗi chặng đua, vào tối chủ nhật hoặc sáng thứ hai (nếu tối trước đó chặng đua diễn ra buổi đêm). Sau khi xe đua hoàn thành các thủ tục kiểm tra (đề phòng phạm quy), các kỹ thuật viên sẽ tháo xe đua thành nhiều chi tiết. Động cơ và hộp số được tháo rời cùng với cánh gió trước và sau... Từng thứ được gói trong các hộp chuyên dụng đệm xốp. Đôi khi, người ta dùng cả túi bóng nổ để bọc bảo vệ lớp vỏ sơn chi chít nhãn hiệu của nhà tài trợ.

Phần khung xe có một thùng thửa riêng để bảo vệ. Đội đua mất khoảng 3 đến 6 tiếng để gói ghém, dọn dẹp đồ. Xong xuôi, tất cả sẽ được giao cho đối tác vận chuyển chính thức của giải đua lo liệu nốt. Chúng hoặc sẽ lên máy bay để đến các chặng đua ngoài châu Âu, hoặc theo xe đầu kéo tới các chặng cùng châu lục.

Guido-F1-04

Phía sau thành công của những tay đua tốc độ là đội ngũ kỹ thuật, hậu cần hùng hậu. Chiến thắng trong thế giới F1 cũng phản ánh sức mạnh của các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới.

Vì đa số các đội đua có đại bản doanh ở châu Âu, nên công tác hậu cần cho các chặng diễn ra ở lục địa già (chừng 10 chặng) có vẻ gọn hơn. Mọi thứ sẽ được vận chuyển bằng đường bộ, với những xe đầu kéo chuyên dụng. Các xe này kéo theo những container dài được trang trí theo phong cách đặc trưng của mỗi đội. Những xe chuyên chở này cũng được thiết kế cực kỳ đặc biệt, đôi khi kiêm luôn làm phòng họp kỹ thuật cho đội. Với những chặng đua diễn ra trong 2 tuần liên tiếp, thời gian chuẩn bị cực kỳ eo hẹp. Đồ đạc phải có ở trường đua tiếp theo trong vòng 36 tiếng để các kỹ thuật viên lắp ghép xe.

Một khó khăn nữa là thời tiết, thứ con người không thể làm chủ. Như lúc cơn bão Phanfone bao trùm chặng đua Nhật Bản GP 2014, tất cả đội hậu cần phải làm việc trong điều kiện mưa to gió lớn, tầm nhìn hạn chế, đầy nguy hiểm (chặng đua này thậm chí đã chứng kiến tai nạn dẫn tới sự ra đi của tay đua Jules Bianchi). Thế mà chỉ chưa đầy 7 ngày sau, tất cả đã phải sẵn sàng cho chặng đua Nga GP 2014, nơi trường đua Sochi lần đầu chào làng F1. Dù mưa gió bão bùng, đội hậu cần không thể lùi bước, vẫn phải chạy đua với thời gian, vì chặng đua trước mắt không thể trì hoãn.

Bạn có nhớ khuôn mặt kiêu ngạo của anh chàng Guido trong phim hoạt hình Cars công chiếu năm 2006 không? Đừng bao giờ coi thường những cậu Guido ấy. Không có họ, đường đua cũng chẳng có Lightning McQueen đâu.

Hạnh Trang | 20:25 10/03/2020
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục