Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 2014: Bắt đầu hành trình “săn vàng”

08:07 Thứ hai 30/12/2013

Thể dục dụng cụ (TDDC) được coi là một môn trọng điểm của Việt Nam trong chiến dịch "săn" huy chương tại các đấu trường thể thao lớn như ASIAD và Olympic. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với HLV trưởng Đội tuyển (ĐT) TDDC quốc gia, ông Trương Tuấn Hiền - Chủ nhiệm bộ môn TDDC Hà Nội, về sự chuẩn bị của ĐT TDDC trong thời gian tới.

- Thưa ông, trong năm 2013, đâu là điểm nhấn đáng nhớ của TDDC Việt Nam?

- Dù không tham dự SEA Games 27 nhưng TDDC đã có một năm thi đấu rất thành công. Chúng ta đã có những tấm HCV ở các giải quốc tế quan trọng. Đầu tiên, phải kể đến 2 HCV của Nguyễn Hà Thanh ở Cúp thế giới tổ chức tại Đức và Croatia, HCB Cúp thế giới hạng A tại Pháp. Đó là 2 HCV của Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng tại Slovenia, trong một giải đấu cũng thuộc hệ thống Cúp thế giới. Gần đây nhất, ngay trong tháng 12 này, Phan Thị Hà Thanh và Nguyễn Hoàng Cường đều thi đấu thành công tại Giải TDDC Toyota mở rộng, Hà Thanh đoạt HCV còn Hoàng Cường đoạt HCB.

VĐV Phan Thị Hà Thanh.

- Trong năm 2014, Thể thao Việt Nam (TTVN) tập trung cho ASIAD 17 - Incheon. ĐT TDDC đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Giai đoạn cao điểm bắt đầu ngay từ đầu năm mới. Từ ngày 1-1-2014, ĐT TDDC quốc gia sẽ tập trung, thành phần gồm 10 VĐV nam và 3 VĐV nữ. Trong số VĐV nam, Hà Nội có 6 VĐV, gồm Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Hoàng Cường, Nguyễn Tấn Đạt, Phạm Hải Linh, Đinh Phương Thành. Còn lại là 2 VĐV Quân đội (Đặng Nam, Đỗ Vũ Hưng) và 2 VĐV TP Hồ Chí Minh (Lê Thanh Tùng, Phan Ngọc Hùng). Số VĐV nữ gồm Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Thu Huyền và Đỗ Thị Vân Anh.

- Các VĐV của Hà Nội đã được đầu tư 15-17 năm qua. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội của các VĐV này tại ASIAD 17 tới đây? Liệu chúng ta có thể kỳ vọng về một tấm HCV?

- Hiện tại, ở một số nội dung sở trường như xà kép, nhảy ngựa, trình độ VĐV Việt Nam không thua Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nên có thể tin tưởng vào một kết quả tốt. Thầy trò ĐT TDDC Việt Nam quyết tâm với mục tiêu giành HCV ASIAD, nhưng trong thể thao thì không thể nói trước được điều gì.

- TDDC là môn cần có sự chuẩn bị dài hơi, liên tục, muốn có thành tích ở đẳng cấp cao thì phải có sự đầu tư thích đáng. Theo ông, thế nào là thích đáng?

- Rất cần có chuyên gia giỏi, điều này thì chúng ta đã có được. Hiện tại, ĐTQG có 2 chuyên gia người Trung Quốc, 1 chuyên gia người Ucraina. Dinh dưỡng cũng rất quan trọng, bởi phải có thực phẩm chức năng, ăn uống làm sao để không tăng cân nhưng vẫn bảo đảm về thể lực. Nhưng, theo tôi, hai yếu tố cần nhất mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đầu tư đúng mức là cơ sở vật chất và sự chăm sóc y tế. TDDC cần có dụng cụ hiện đại, bảo đảm an toàn cho VĐV. Chúng ta rất cần có bác sĩ thể thao giỏi. Ở nhiều giải quốc tế, do kinh phí hạn hẹp nên đội không có bác sĩ đi cùng, khiến VĐV gặp nhiều khó khăn, có lúc chúng tôi phải nhờ bác sĩ của đội bạn, rất bất tiện.

- Với mục tiêu giành huy chương tại ASIAD 17-2014, tích điểm để giành quyền tham dự Olympic 2016, và xa hơn nữa là xây dựng đội ngũ VĐV ưu tú cho ASIAD 18 - Hà Nội - 2019, ĐT TDDC hoạch định chiến lược như thế nào?

- Thật ra, trong năm 2014, cùng với ASIAD 17 thì ĐT TDDC còn phải tập trung cho một giải đấu khác, cũng vô cùng quan trọng. Đó là giải Vô địch thế giới tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 10-2014. Với môn TDDC, việc tích điểm giành quyền tham dự Olympic 2016 chỉ được tính ở giải Vô địch thế giới, chứ không phải ở ASIAD. Mục tiêu của đội là giành vé tham dự Olympic ở nội dung thi toàn năng và đơn môn. Còn với ASIAD 2019, chúng tôi tập trung cho các VĐV trẻ, cùng với đó là giữ phong độ của các VĐV còn lại trong ĐT.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mai Hoa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục