Chuyện trong ngày: Vừa lên lớp đã phải nghỉ học

16:02 Thứ ba 27/10/2015

(TinTheThao.com.vn) - Ủy viên Ban chấp hành VFF Lê Nguyên Hồng ví von chuyện Cà Mau xin rút khỏi Giải hạng Nhất ngay khi vừa thăng hạng giống như “vừa lên lớp đã phải nghỉ học”.

1. Đầu năm học 2015/16, Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, mức trần học phí ở các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên lên đến 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên với khối ngành y dược và khoảng 1,75-2,05 triệu đồng/tháng với các khổi ngành khác.

Một ý kiến so sánh mức học phí này “cao hơn cả một tháng lương của công nhân làm quần quật” hay hơn hẳn mức lương cơ bản của bác sĩ mới ra trường (gần 2,7 triệu đồng/tháng). Tất nhiên, tùy vào từng cơ sở giáo dục, khung học phí được điều chỉnh khác nhau. Nhưng có một thực tế là khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, nhiều tân sinh viên lo hơn là vui vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn và một số không ít đành ngậm ngùi nghỉ học, dù rất mong muốn đến trường.

Cà Mau (áo vàng) tại Giải hạng Nhì 2015. Ảnh: Internet.

2. Năm 2015, VFF thực hiện quy trình cấp phép CLB chuyên nghiệp với ba yêu cầu: công tác đào tạo trẻ (đủ bốn tuyến U21, U19, U17, U15); cải tiến mặt sân đạt chất lượng; đáp ứng khả năng tài chính tối thiểu của mùa giải (CLB dự V-League là 35 tỷ đồng, hạng Nhất 15 tỷ đồng). Mục tiêu của VFF là hướng bóng đá Việt Nam đến sự chuyên nghiệp theo đúng chuẩn của AFC.

Ngoài vài CLB được doanh nghiệp chống lưng, rủng rỉnh tiền bạc thì phần lớn các đội bóng phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh, thế nên số tiền trên là thách thức không nhỏ để được gắn mác “chuyên nghiệp”. Hùng Vương An Giang và Kienlongbank Kiên Giang đã từng bỏ giải vì khó khăn tài chính. Mới nhất, Cà Mau sau khi chật vật giành quyền thăng hạng cũng nộp đơn xin rút khỏi Giải hạng Nhất với lý do tương tự: thiếu tiền.

3. Với những tân sinh viên có nghị lực và khát khao vượt khó, con đường đến giảng đường đại học chưa hẳn khép lại vì còn đó sự sẻ chia từ xã hội. Học bổng Tiếp sức đến trường (báo Tuổi Trẻ) hay học bổng Nguyễn Thái Bình (báo Thanh Niên) cùng sự giúp đỡ về vật chất của các mạnh thường quân là động lực để những tân sinh viên bước tiếp.

Cà Mau vui mừng ngày giành quyền thăng hạng. Ảnh: Internet.

Còn Cà Mau hiện tại, họ đơn độc, một mình. HLV Dương Hữu Cường xót xa: “Hôm ấy tại Nha Trang, nhìn tụi nhỏ ăn mừng chiến thắng trước Bình Định (trận play-off  tranh suất thăng hạng Nhất), tôi vui lắm. Giờ ngẫm lại mà buồn, nếu biết trước đội bóng rút lui thì thì chúng tôi đã không cần phải cố gắng vì có trận, cả đội chỉ có đúng 14 người.”

Đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang, nói như Chủ tịch QNKQuảng Nam đồng thời là Uỷ viên Ban chấp hành VFF thì Cà Mau “vừa lên lớp đã phải nghỉ học”. Biết trách ai giờ, trách UBND tỉnh vì không nuôi nổi đội bóng, trách VFF vì ban hành mức “học phí” quá cao, hay trách chính cầu thủ vì biết mình nghèo mà còn ham “lên lớp”?

Hữu Thời | 15:30 27/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục