Đội tuyển nữ Thái Lan vừa vô địch châu Á lần thứ nhì trong vòng 5 năm, vượt hẳn tầm khu vực, nên ngay cả khi vị HLV kỳ cựu Kiattipong có đưa một vài gương mặt trẻ vào thử nghiệm ở SEA Games 27 tới đây chăng nữa thì cũng khó đối thủ nào qua mặt được họ để giành tấm HCV. Cuộc đua còn lại, nói như nhiều nhà chuyên môn, chỉ xoay quanh 2 đội Việt Nam và Indonesia cho tấm HCB trên đất Myanmar.
Tuy nhiên, sau khi chủ công xuất sắc April Manganang không có tên trong đội hình tuyển Indonesia dự SEA Games vừa công bố, giới chức bóng chuyền khu vực khẳng định luôn trật tự của môn bóng chuyền nữ trong nhà tới đây sẽ là: Thái Lan (HCV), Việt Nam (HCB) và Indonesia (HCĐ).
Về lý thuyết thì như vậy. Nhưng khi cuộc đua chưa chính thức bắt đầu, HLV Phạm Văn Long không dám đưa ra lời khẳng định chắc chắn rằng tuyển nữ Việt Nam dễ dàng đoạt được tấm HCB. Nữ Indonesia thể hiện sự tiến bộ nhất định trong khoảng 1 năm trở lại đây, cũng vừa nêu tham vọng sẽ đấu đến cùng để hy vọng lật đổ được Á quân Việt Nam ở đấu trường SEA Games.
Bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chưa thể đổi vận khi luôn là cái bóng của tuyển Thái Lan tại các giải trong khu vực. |
Còn nhớ, ở vòng loại giải VĐTG 2014 khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Quảng Trị, Việt Nam đã thắng Indonesia với tỷ số 3-1 không hề dễ dàng. Mặc dù theo nhận định của nhiều HLV, đội hình Việt Nam khi đó chưa quy tụ lực lượng mạnh nhất, dựa trên nền của CLB Bình Điền Long An là chính, chỉ bổ sung thêm vài gương mặt từ đội Thông tin LVPostbank, Ngân hàng Công thương. Nhưng rõ ràng, cặp “sát thủ” April Manganang và Amalia Fajrina đã khiến các nhà chuyên môn Việt Nam giật mình về trình độ chơi bóng của họ.
Không có Manganang trong đội hình, vì VĐV này bị nghi ngờ đổi giới tính từ nam sang nữ, sức mạnh tấn công của Indonesia giảm sút đáng kể. Thế nhưng, còn có Amalia, còn nhiều VĐV khác cũng có chuyên môn ở mức khá, thì dứt khoát thầy trò ông Phạm Văn Long không thể chủ quan trong nỗ lực bảo vệ thành tích HCB qua 5 kỳ SEA Games của mình được.
Tất nhiên, nếu so sánh cả về lực lượng lẫn kinh nghiệm trận mạc, đội hình với Kim Huệ, Ngọc Hoa, Phạm Yến, Đỗ Minh, Bùi Ngà… trội hơn hẳn Indonesia với niềm hy vọng lớn nhất là chủ công chơi toàn diện Amalia, nên khả năng giữ vững trật tự ở môn bóng chuyền nữ SEA Games là cao. Điều đáng bàn ở đây chính là Việt Nam có trình độ gần với Thái Lan nhất trong khu vực nhưng mãi vẫn không tạo ra được thế cạnh tranh công bằng.
o0o
Còn nhớ tại SEA Games 22-2003 ngay trên sân nhà, đội tuyển nữ Việt Nam tỏ ra không thua thiệt quá nhiều so với người Thái, và được đánh giá sẽ sớm song hành cùng bóng chuyền xừ Chùa vàng ở sân chơi châu lục trong nay mai. Tiếc rằng, người Thái xây nền tốt hơn, lớp lang hơn nên tiến nhanh và vững chắc (Thái Lan đã 2 lần vô địch châu Á vào các năm 2009 và 2013), dù nguồn nhân lực của họ không hề trội hơn Việt Nam.
Đấy là điều buộc giới chức bóng chuyền Việt Nam phải tư duy và hoạch định lại chiến lược đầu tư nguồn nhân lực, bắt đầu từ công tác đào tạo trẻ. Cần một định hướng mới và xuyên suốt từ cơ quan đầu não - LĐBC Việt Nam và bộ môn của Tổng cục TDTT - đến từng thành viên là các CLB hiện đang chơi ở giải VĐQG và giải hạng A quốc gia.