Bây giờ, còn ai nhớ Ahn Jung Hwan?

13:21 Thứ hai 02/12/2013

Phút thứ 117, trận Hàn Quốc gặp Italia tại vòng 1/8, World Cup 2002. Nhận bóng từ đồng đội bên phía cánh trái, Ahn Jung Hwan bật cao hơn cả huyền thoại Paolo Maldini, đánh đầu. VÀOOOOOO...! Anh chạy rất nhanh về phía cột cờ đá phạt góc, vừa chạy vừa hôn chiếc nhẫn trên tay, khuôn mặt toát lên sự sung sướng. Đó là một bàn thắng vàng, đem về niềm vui vô hạn cho người Hàn Quốc và nỗi thất vọng cho người Italia. Đã 11 năm trôi qua, liệu ai còn nhớ bàn thắng ấy?

Năm 2002, World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở hai quốc gia châu Á: Nhật Bản – Hàn Quốc. Các đại diện châu Á thường không được đánh giá cao bằng đại diện ở các châu lục khác, vì vậy có thể cảm nhận áp lực dành cho hai nước đồng chủ nhà lớn như thế nào. Nhật Bản thì đã bị loại bởi Thổ Nhĩ Kì rồi, chỉ còn Hàn Quốc. Đối thủ của đội bóng xứ kim chi là Italia, đã từng ba lần đoạt cúp vàng. Nhưng ít ai ngờ Hàn Quốc đã giành chiến thắng trong trận này, và sau đó còn giành vị trí thứ tư chung cuộc.

Người hùng trong trận đấu năm ấy là Ahn Jung Hwan. Sau khi bỏ lỡ một quả penalty trong những phút đầu trận, anh đã kịp chuộc lỗi bằng bàn thắng muộn nhưng quý hơn vàng vào phút thứ 117. Ở bàn thắng ấy, anh đã vượt qua tầm truy cản của Paolo Maldini, rồi bật cao hơn hậu vệ này, đánh đầu tung lưới Italia. Do khi ấy, World Cup áp dụng luật bàn thắng vàng, nên sau bàn thắng ấy, trận đấu sẽ kết thúc. Và rồi, không điều gì có thể diễn tả được cảm xúc khi ấy. Anh chạy thật nhanh về phía góc sân, nơi có nhiều cổ động viên Hàn Quốc đang hò reo. Hai tay anh dang rộng, thỉnh thoảng lại hôn lên chiếc nhẫn, khuôn mặt đầy hân hoan. Các đồng đội chạy tới và ôm lấy anh. Ngoài sân, huấn luyện viên Guus Hiddink cũng không giấu nổi cảm xúc vui sướng của mình. Các khán đài xuất hiện một màu đỏ rực. Các cổ động viên thi nhau hò hét liên tục. Không vui sao được khi lần đầu tiên Hàn Quốc lọt vào đến tứ kết một kì World Cup. Đặc biệt hơn khi kì World Cup ấy được tổ chức trên quê hương của họ.

Màn ăn mừng bàn thắng của Ahn Jung Hwan tại World Cup 2002 trong trận gặp tuyển Italia. Ảnh: Internet

Thế nhưng, ít ai ngờ sau bàn thắng ấy, sự nghiệp của Ahn Jung Hwan lại rẽ sang một hướng khác. Vào thời điểm đó, Ahn đang được câu lạc bộ đang thi đấu tại Italia là Perugia mượn. Cú đánh đầu của anh vào những phút cuối cùng đã khiến đội bóng từng ba lần vô địch thế giới phải chia tay World Cup. Ngay hôm sau, chủ tịch Perugia, Luciano Gaucci, đã hủy hợp đồng của anh với một trích dẫn rằng: "Tôi không có ý định trả lương cho ai đó đã phá hoại nền bóng đá Ý!”. Perugia sau đó rút lại lời nói này, và đề nghị một bản hợp đồng công khai với Ahn. Nhưng Ahn đã từ chối, nói rằng "Tôi sẽ không bao giờ bàn đến việc chuyển nhượng của tôi với Perugia, câu lạc bộ đã xúc phạm tôi thay vì chúc mừng tôi vì bàn thắng tại World Cup." Khi ấy, một cầu thủ châu Á thi đấu ở châu Âu là điều hiếm có. Nhưng anh lại sẵn sàng gạt cơ hội ấy sang một bên, khi đội bóng đó tỏ ra không tôn trọng. Sau đó, anh đã cố tìm kiếm cơ hội khác ở châu Âu, nhưng không thành công. Anh đành trở về châu Á, thi đấu tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đây, những thông tin về anh bắt đầu xuất hiện ít dần. Cho đến một ngày...

World Cup 2006 diễn ra trên đất Đức. Trận đấu đầu tiên của bảng G diễn ra giữa Hàn Quốc và Togo. Trong kí ức của tôi khi ấy, Hàn Quốc vẫn là một trong những đội bóng mạnh. Họ từng vượt qua Italia, Tây Ban Nha và giành vị trí thứ tư ở kì World Cup trước cơ mà. Khi ấy nhà tôi chưa có máy vi tính và internet để có thể cập nhật tin tức, đội hình xuất phát như bây giờ. Vì vậy, khi nghe bình luận viên xướng tên trong danh sách dự bị của Hàn Quốc có Ahn Jung Hwan, lòng tôi háo hức lạ kì. Và đến phút 46, anh được tung vào sân thay người. Những pha xử lí bóng tinh tế trong từng pha bóng vẫn được anh thể hiện. Phút 72, sau một pha phối hợp với đồng đội, anh thực hiện một pha vuốt bóng từ ngoài vòng cấm bằng chân phải. Vàooooooo... Bàn thắng đã đến và cảm xúc của bốn năm về trước lại ùa về. Vẫn con người ấy với bàn thắng đem về chiến thắng 2-1 cho đội nhà. Vẫn là anh với một pha ăn mừng vừa chạy vừa hôn lên chiếc nhẫn, dù bước chạy đã trở nên chậm rãi. Đôi mắt anh vẫn sáng rực, khuôn mặt anh vẫn hân hoan. Trên khán đài, cổ động viên Hàn Quốc lại được dịp hò reo tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Sân vận động hầu như chỉ còn một màu đỏ.

Chủ tịch Luciano Gaucci (trái) và Jung Hwan khi còn khoác áo Peurgia. Ảnh: Internet

Mặc dù Hàn Quốc phải nói lời tạm biệt World Cup khi vòng bảng kết thúc, nhưng bàn thắng của Ahn Jung Hwan vẫn là dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, đó cũng là bàn thắng cuối cùng của anh tại một kì World Cup. Sau đó, anh lang bạt qua nhiều câu lạc bộ khác nhau ở châu Á. Tên anh cũng xuất hiện tại World Cup 2010 tại Nam Phi, nhưng anh không được ra sân thi đấu. Tháng 1 năm 2012, anh tuyên bố giải nghệ.

Nhắc đến Ahn Jung Hwan, chúng ta không chỉ nghĩ tới những bàn thắng đem tới cảm xúc dâng trào tại World Cup, mà còn nhắc tới một thế hệ cầu thủ Hàn Quốc tài năng bậc nhất. Dẫu sau này có rất nhiều cầu thủ tài năng xứ kim chi thi đấu ở châu Âu, như Park Ji Sung, Lee Chu Yong, Park Chu Young... nhưng họ chưa từng làm được điều mà thế hệ của Ahn đã từng làm: đứng thứ tư chung cuộc tại một kì World Cup. Bóng đá Hàn Quốc bây giờ đã xếp sau Nhật Bản. Trong khi người Nhật luôn được tung hô với những chiến tích lẫy lừng trong thời gian gần đây, cách làm bóng đá khoa học, tinh thần cầu tiến, ước mơ từ những cuốn truyện tranh... thì người Hàn đã xuất hiện ít hơn trên các mặt báo. World Cup tới đây tại Brazil, khi mà Park Ji Sung đã tuyên bố giã từ đội tuyển, Park Chu Young thì đang dần vô hại, Son Heung Min còn quá trẻ, người Hàn lấy ai ra để kì vọng?

Tài năng của Ahn Jung Hwan giờ chỉ còn là hồi ức về một thời rạng danh của bóng đá châu Á. Ảnh: Internet

Đã mười một năm trôi qua, còn ai nhớ bàn thắng của Ahn Jung Hwan vào lưới Italia? Còn ai nhớ cú vuốt bóng điệu nghệ mang về trận thắng trước Togo bảy năm về trước? Thế hệ sau này chắc không nhớ đến anh, khi mà Park Ji Sung mới là người hùng châu Á. Người Italia sau chức vô địch thế giới tại Đức, và những thăng trầm sau đó, chắc cũng đã quên đi nỗi đau mang tên Ahn Jung Hwan. Chỉ còn người Hàn Quốc sẽ luôn nhớ đến anh, như một hoài niệm về quá khứ vinh quang và một niềm tin vào thế hệ mới. Cứ giữ lấy niềm tin ấy mà kỳ vọng, biết đâu người Hàn lại tạo được bất ngờ tại Brazil sang năm? Có thể lắm chứ.

(Bạn đọc: Lighthouse Vilanova)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục