100 ngày làm chủ tịch VFF của ông Lê Hùng Dũng (kỳ 3): Bóng đá Việt Nam sùng Nhật hay chạy theo phong trào?

16:03 Thứ hai 21/07/2014

Lên nắm chức chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã đưa ra kế hoạch dài hạn mang tầm chiến lược là bóng đá Việt Nam sẽ học bóng đá Nhật Bản. Một trong những việc làm đầu tiên của quá trình học Nhật Bản là ông Dũng bắt đầu cho “Nhật hóa” toàn bộ các vị trí then chốt, quan trọng nhất trong bộ máy bóng đá quốc gia.

Các chức danh hay vị trí quan trọng của BĐVN đã được “Nhật hóa” là vị trí Trưởng BTC giải V.League Tanaka Koji, HLV trưởng ĐT nam Việt Nam Toshiya Miura, HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam (VFF công bố danh tính trong tuần tới, từ 20-27.7). Vị trí quan trọng còn lại Giám đốc kỹ thuật là chức danh cuối cùng mà VFF sẽ thực hiện trong thời gian tới như lời ông Lê Hùng Dũng phát biểu trong ngày ra mắt HLV trưởng Toshiya Miura.

Ông Lê Hùng Dũng bắt tay chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản (JFA) ông Daini Kuniya trong Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác cách đây một tuần (11.7.2014)

Bóng đá Việt Nam học Nhật hay được “Nhật hóa”?

Bóng đá Nhật là nền bóng đá hàng đầu châu Á, phát triển rất nhanh và đạt được thành công sau khoảng 40 năm bền bỉ theo đuổi quá trình chuyên nghiệp hóa một cách triệt để. Do vậy, học hỏi bóng đá Nhật như quyết sách đáng hoan nghênh và có thể coi là điểm sáng của tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Sỡ dĩ nói đây là điểm sáng là bởi so với những đời chủ tịch VFF trước đó kể từ khi BĐVN tiến hành chuyên nghiệp hóa vào năm 2000 như các ông Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực và nhất là ông Nguyễn Trọng Hỷ hầu như không đưa ra được quyết sách hay định hướng nào rõ ràng mang tầm chiến lược dài hạn. Do đó, việc ông Lê Hùng Dũng mạnh dạn đưa ra quan điểm “Đông du” Nhật Bản đã cho thấy ít ra vị chủ tịch VFF khóa 7 đã dám chủ động đưa ra ý tưởng và bắt tay vào thực hiện.

Điều mà người hâm mộ, báo chí quan tâm nhất khi ông Lê Hùng Dũng đòi học Nhật Bản là chúng ta học cái gì từ bóng đá Nhật Bản để áp dụng vào thực tiễn cho bóng đá Việt Nam. Trên góc độ chuyên môn lẫn thực tiễn, một nền bóng đá bao gồm rất nhiều hệ thống được cấu thành, gồm bóng đá trẻ, hệ thống thi đấu, hệ thống đào tạo HLV, tổ chức trọng tài, hành lang pháp lý, bộ máy Liên đoàn bóng đá cho tới các ĐTQG từ lứa U đến Olympic và ĐTQG.

Tóm lại, đó là một hệ thống đa tầng, dày đặc và tất cả đều có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời lẫn nhau và hạt nhân của một nền bóng đá quốc gia: LĐBĐ là “bộ não” đã chi phối và điều khiển toàn bộ các hệ thống khác. Bóng đá Việt Nam lâu nay trì trệ, yếu kém bởi suy cho cùng gốc rễ nằm trong chính bộ máy của VFF khi chứa đựng những lạc hậu về cơ chế, con người lẫn trình độ và tư duy không bắt kịp xu hướng chuyên nghiệp hóa của bóng đá hiện đại.

Sự yếu kém, trì trệ của bộ máy đầu não VFF mới là nguyên nhân đẻ ra một loạt những yếu kém khác mang tính hệ quả như giải VĐQG V.League, ĐTQG nam-nữ, hệ thống đào tạo trẻ… mà nhìn đâu cũng thấy những bất cập, sai sót nhưng không tài nào khắc phục được hoặc khắc phục cũng theo cách vá víu, tạm bợ. Lấy ví dụ điển hình nhất là giải V.League với số lượng CLB tăng giảm bất ổn định, nhiều CLB có pháp nhân độc lập song thực chất do sở hữu của một người…

Trưởng BTC giải V.League Tanaka Koji trong buổi họp báo thường kỳ hằng tháng. Bóng đá Việt Nam đang học Nhật Bản từ gốc rễ hay đơn giản chỉ là "Nhật hóa" cái vị trí quan trọng còn bản chất là chuyên nghiệp hóa theo "kiểu Việt Nam"?

Chính từ yếu tố nền tảng này, nhiều người cho rằng học Nhật là điều tốt nhưng căn bản nhất là VFF phải nhìn dũng cảm vào chính bộ máy của mình để thấy đâu là chỗ yếu kém, con người nào không đủ năng lực làm việc để mạnh dạn cải tổ, thay đổi.

Trong khi đó, từ khi lên nhậm chức, ông Lê Hùng Dũng hoàn toàn không đả động gì đến những trì trệ, yếu kém của chính bộ máy VFF. Thay vào đó, ngài Tân chủ tịch VFF khóa 7 chỉ gương cao ngọn cờ “Đông du Nhật Bản”.

Chuyện học Nhật là lâu dài, phải có thời gian kiểm chứng mức độ thành công. Việc “Nhật hóa” mà ông Lê Hùng Dũng đang làm nếu chệch hướng thì giống như việc lấy sơn tô trát lên một ngôi nhà đã bị mục ruỗng.

Không phải cứ thấy ánh đèn là bâu vào

Cách đây đúng 5 tháng, khi cuộc đua vào chức danh chủ tịch VFF khóa 7 vẫn còn chưa có gì rõ ràng và ông Lê Hùng Dũng chỉ mới là ứng viên đang chờ xét duyệt hồ sơ, báo Một Thế Giới đã có khởi đăng loạt bài 6 kỳ: “Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai cho đến đỉnh cao châu Á”.

Đây là một bộ Hồ sơ chi tiết có tính hệ thống có thể nói là đầu tiên về bóng đá Nhật Bản trên mặt báo ở Việt Nam. Trong bộ hồ sơ này, mục đích của báo Một Thế Giới trước hết là giới thiệu đến độc giả con đường lịch sử mà bóng đá Nhật đã trải qua để có được thành công hôm nay.

Kế đến loạt bài cũng để giới thiệu đến giới chuyên môn và người yêu bóng đá ở Việt Nam có thêm cái nhìn rộng mở về quá trình chuyên nghiệp hóa của bóng đá Nhật Bản là cực kỳ khó khăn, kéo dài gần 50 năm kể từ khi giải VĐQG Nhật Bản với tên gọi Japan Soccer League (JSL) ra đời vào năm 1965 cho đến khi JSL chuyển mình thành J.League vào năm 1993.

Thành công của bóng đá Nhật Bản đến từ quá dày công nghiên cứu tỉ mỉ, ý thức cải tổ cùng trình độ, sự kiên trì bền bỉ với con đường đã chọn chứ không đơn giản là "xách ba-lô lên và... đi"

Do đó, điều đầu tiên khi học bóng đá Nhật Bản luôn nằm ở 2 yếu tố tiên quyết: Bóng đá VN và VFF phải biết mình như thế nào và biết người Nhật, bóng đá Nhật ra sao. Ví dụ, người Nhật khi tiến hành chuyên nghiệp hóa từ JSL lên J.League vào năm 1993 thì “kiến trúc sư” Saburo Kawabuchi đã phải mất đến 3-4 năm đi khắp Nhật Bản để thuyết phục các công ty, tập đoàn lớn đang sở hữu các CLB phải từ bỏ cái tên đã tồn tại hàng chục năm để chuyển sang tên mới gắn với địa phương để phù hợp với tình hình với.

Ông Saburo Kawabuchi, với cương vị một cựu danh thủ, HLV và nhà quản lý bóng đá sau nhiều năm nghiên cứu đã cho rằng đây là yếu tố tiên quyết và phải làm cho bằng được nếu bóng đá Nhật muốn chuyển hướng sang giai đoạn mới.

Với nỗ lực thương thuyết bền bĩ và trên hết là như việc vạch ra được các hướng đi khả quan, thuyết phục mà ông Saburo Kawabuchi đã thành công để rồi bây giờ cả thế giới đều biết đến những CLB J.League như: Yokohama Marinos (Nissan Motors), Cezero Osaka (tên cũ là Yanmar Diesel), Sanfrecce Hiroshima (Toyo Industries), Urawa Reds (Mitsubishi Heavy Industries), JEF United Ichihara (Fukurawa Electric), Kashima Antlers (Sumitomo FC)…

Trong khi đó, việc “Đông du Nhật Bản” mà tân chủ tịch Lê Hùng Dũng đã đề xướng và bắt tay vào thực hiện đã khiến nhiều người quan tâm đến bóng đá Việt Nam đều có cảm giác mơ hồ vì không rõ BĐVN đã tự “nhận diện” mình đến đâu hoặc đội ngũ lãnh đạo VFF hiểu biết bóng đá Nhật ra sao, ở mức độ nào…

Với những gì đã quan sát, việc “học Nhật” VFF đang tiến hành hoàn toàn mang quyết định nặng tính quan từ tân chủ tịch Lê Hùng Dũng hơn là quá trình suy ngẫm, nghiên cứu và thẩm thấu thực thụ về bóng đá Nhật.

"Học Nhật” là phải cho ra học chứ không phải như những đom đóm, thiêu thân bị hấp dẫn từ nguồn ánh sáng chứ không quan tâm nguồn sáng đó đến từ ánh trăng, bóng đèn hay… ngọn lửa.
Nguyên An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục