QPR đang đi vào vết xe đổ của Leeds United

09:23 Thứ ba 11/03/2014

(TinTheThao.com.vn) - Với ước mơ “cá chép hóa rồng” BLĐ Queens Park Rangers từng không tiếc tiền đầu tư để mang về rất nhiều các ngôi sao. Nhưng khi thành công còn chưa đến thì ngay lập tức đội bóng chủ sân Loftus Road đã phải gánh chịu những hậu quả và đang đối diện với nguy cơ phá sản.

Kể từ sau khi trở thành ông chủ của QPR vào tháng 8 năm 2011, Tony Fernandes đã bắt đầu cuộc cách mạng nhân sự với mong ước biến đội bóng thuộc thủ đô London này dần dần trở thành một thế lực mới của Premier League. Lần lượt những cái tên khá chất lượng như Robert Green, Joey Barton, Onuoha, Djibril Cisse, Richard Dunne, Andrew Johnson, Jermaine Jenas, Park Ji Sung, Hoilett, Bosingwa… và sau này là các ngôi sao như Christopher Samba, Julio Cesar, Granero, Loic Remy, đổ bộ xuống Loftus Road bằng những cách khác nhau.

Mong ước của tỉ phú người Malaysia là chính đáng nhưng cách làm của ông lại cho thấy sự thiếu kinh nghiệm. Việc chi quá nhiều tiền cho chuyển nhượng như vậy khiến cho các chi phí về lương bổng cũng tăng vọt và với một đội bóng nhỏ như QPR thì doanh thu kiếm được trong mỗi mùa giải khó lòng đáp ứng được các chi phí ngày một tăng đến chóng mặt. Và cơn ác mộng sớm ấp đến khi QPR đối mặt với việc phải xuống chơi ở Championship trong mùa giải trước với vị trí “đội sổ” khi chỉ dành được 25 điểm/38 vòng đấu. Dàn sao của Tony Fernandes khi kết hợp lại chỉ là đoàn quân ô hợp thiếu hẳn đi sự gắn kết cần thiết ở một giải đấu khắc nhiệt và giàu tính cạnh tranh cao như Premier League.

Dù có nhiều cầu thủ chất lượng nhưng QPR đã thi đấu rất tệ hại trong mùa giải 2012/2013. Ảnh: Internet.

Thành tích tệ hại đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của QPR trong mùa giải này. Cụ thể theo kết quả báo cáo tài chính mới công bố, QPR lỗ khoảng 65,4 triệu bảng. Tổng khoản nợ của đội bóng thủ đô London đã tăng từ mức 91,4 triệu bảng lên 177 triệu bảng. Đó là số tiền rất lớn và dù BLĐ đội bóng đã phải bán bớt cầu thủ trong mùa hè năm ngoái hoặc đẩy một số ra đi theo dạng cho mượn để giảm tải quỹ lương nhưng tình hình cũng không được cải thiện quá nhiều.

Thậm chí khoản tiền này có thể vượt quá khả năng chi trả của Tony Fernandes khiến ông chủ người Malaysia đang tính tới việc rao bán gần như toàn bộ đội hình hiện tại bởi phương án bán CLB là không thực sự khả thi cho lắm bởi khó có nhà tài phiệt nào dám dại dột lao đầu vào để cứu rỗi “con tàu đắm” QPR lúc này cả bất chấp đội bóng London vẫn đang có cơ hội được trở lại Premier League màu sau. Báo chí và truyền thông Anh đã đưa ra một thông tin gây sốc rằng QPR có thể bán đi khoảng…26 cầu thủ trong mùa hè tới ! Và nếu điều này trở thành sự thật thì đó sẽ là một thảm họa dành cho QPR cũng như các CĐV trung thành của họ, những người vẫn luôn mong muốn được chứng kiến đội bóng con cưng của mình trở lại sân chơi số 1 nước Anh và tiếp tục viết tiếp lên câu chuyện của mình.

Trong quá khứ đã từng có một đội bóng từng rơi vào hoàn cảnh như QPR, đó chính là Leeds United. Nhắc lại câu chuyện về Leeds thì đó là một câu chuyện buồn đối với rất nhiều NHM xứ sở sương mù.

Leeds United là câu chuyện buồn của bóng đá Anh trong quá khứ. Ảnh: Internet.

Leeds United đã gây ra nhiều tai tiếng tại Anh khi CLB này luôn tỏ ra tự đắc về kế hoạch theo đuổi giấc mơ trở thành một siêu cường của bóng đá Châu Âu. Hương vị cuồng nhiệt của vinh quang khi lọt vào bán kết Champions League 2000/2001 mãnh liệt đến nỗi họ đã không tiếc vung tiền vào TTCN để mang về rất nhiều ngôi sao trong đội hình. Chủ tịch Peter Ridsdale khi ấy thậm chí còn “đánh bạc” với tương lai đội bóng khi đi vay bừa với hy vọng sau đó sẽ lấy tiền bản quyền truyền hình và tài trợ từ việc dự Champions League để bù lại. Nhưng sau đó Leeds trượt suất Champions League mùa kế tiếp. Lãi mẹ đẻ lãi con, những món nợ càng chồng chất với Leeds các năm tiếp theo.

Năm 2007, Leeds xin bảo hộ phá sản và phải xuống chơi ở giải hạng Ba nước Anh. Kể từ đấy cái tên Leeds United đã gần như biến mất hoàn toàn tại bản đồ bóng đá thế giới và họ cũng chưa từng trở lại sân chơi số 1 nước Anh, rồi cam phận của một kẻ hết thời. Liệu trong tương lai QPR có rơi vào vết xe đổ của Leeds hay không ? Khó ai có thể trả lời được, nhưng có một điều chắc chắn rằng đây sẽ là tấm gương cho rất nhiều đội bóng khác không chỉ ở Anh mà còn trên thế giới thấy được tác hại của việc thiếu tầm nhìn hoạch định.

Đức Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục