Oscar Pistorius có thể tham gia Paralympic 2016

09:21 Thứ hai 15/09/2014

Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) mới cho biết VĐV nổi tiếng người Nam Phi sẽ được phép tranh tài ở Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Rio de Janeiro (Brazil), nếu anh không phải chịu án tù giam vì tội ngộ sát bạn gái.

Hôm thứ sáu, Tòa án tối cao ở Pretoria, thủ đô Nam Phi, đã kết tội ngộ sát bạn gái đối với Oscar Pistorius. Hình phạt tối đa cho khung ngộ sát ở quốc gia này là 15 năm, nhưng theo một số chuyên gia VĐV 27 tuổi này có thể chỉ bị phạt tù từ bảy tới 10 năm vì vô tình bắn chết bạn gái khi tưởng nhầm đó là kẻ lạ đột nhập vào tư dinh. Thậm chí anh có thể chỉ phải nhận án treo, do không có quy định về mức án thấp nhất cho khung phạt này.

Tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 13/10, và Pistorius hoàn toàn có quyền được tham gia thi đấu ở Paralympic Rio de Janeiro mùa hè 2016 nếu khi đó anh không phải ngồi tù.

“Chúng tôi sẽ không cản trở bước đường sự nghiệp thể thao của anh ấy”, Craig Spence, phát ngôn viên của IPC, cho hay.

Pistorius trong phiên xử vừa qua. Ảnh: Internet.

“Người không chân chạy nhanh nhất thế giới” từng giành 6 HC vàng tại các kỳ Paralympic, và đi vào lịch sử với tư cách VĐV điền kinh khuyết tật đầu tiên tranh tài ở một kỳ Olympic (tại London 2012).

Giám đốc truyền thông của IPC, Craig Spence, nhấn mạnh rằng quan điểm của Tổ chức này là ủng hộ và cảm thông với mất mát của gia đình cũng như bạn bè của Steenkamp. Người mẫu này đã chết vào đúng ngày Lễ tình nhân 14/2 năm ngoái, sau khi bạn trai Pistorius bắn ba phát đạn xuyên qua cửa phòng vệ sinh.

Tuy nhiên vị quan chức này cũng khẳng định IPC không thể ngăn cản Pistorius tranh tài ở Rio 2016 một khi VĐV này đã thực hiện án phạt và không phải ngồi tù trong thời gian diễn ra Đại hội. “Chỉ cần anh ấy thi hành xong bản án, anh ấy sẽ được phép tham gia mọi giải đấu của IPC nếu muốn. Riêng tại giải đấu lớn như Thế vận hội dành cho người khuyết tật 2016, Oscar Pistorius còn cần phải được Ủy ban Paralympic Nam Phi lựa chọn vào danh sách vận động viên đủ điều kiện đại diện cho quốc gia này tham gia tranh tài”.

Nhưng cựu VĐV khuyết tật nổi tiếng của Anh, Baroness Tanni-Grey Thompson, tỏ ý nghi ngờ về khả năng Pistorius sẽ tranh tài ở Paralympic Rio 2016 cho dù khi đó anh đã thi hành xong mọi án phạt và được Ủy ban Paralympic Nam Phi lựa chọn. Bà lý giải: “Cậu ấy đã không tập luyện và thi đấu trong một khoảng thời gian dài vì vụ án. Các nhà tài trợ chính chắc chắn cũng sẽ không còn đồng hành cùng cậu ấy nữa. Cậu ấy sẽ thực sự gặp khó khăn về nhiều mặt, nhất là về tài chính”.

Giám đốc Điều hành IPC, Xavier Gonzalez, cũng tin rằng vụ án của Pistorius không gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của phong trào Paralympic quốc tế. Ông nói: “Vụ án của Pistorius không thể làm tổn hại tới tinh thần của thể thao khuyết tật toàn thế giới. Kể từ London 2012 và mới đây là Sochi 2014, chúng tôi đã nhận thấy rõ sự phát triển lớn mạnh tuyệt vời trong mọi khía cạnh hoạt động của thể thao khuyết tật thế giới. Chúng tôi cũng đang hướng tới các kỳ Đại hội sắp tới ở Rio và Pyeongchang với tinh thần rất lạc quan. Oscar Pistorius là ngôi sao lớn, là đại sứ của phong trào Paralympic giai đoạn 2008-2012. Nhưng kể từ đó phong trào đã có thêm nhiều đại sứ khác, và nhiều vận động viên tên tuổi khác nổi tiếng khắp toàn cầu”.

Những nét chính trong cuộc đời Pistorius

Pistorius phải phẫu thuật để cắt cụt cả hai chân tới ngang đầu gối từ khi mới 11 tháng tuổi, vì khi sinh ra đã không có xương mác ở cả hai chân. Ngay khi mới hai tuổi, Pistorius đã được lắp chân giả và anh có thể làm chủ đôi chân đó chỉ sau ít ngày.

Thời học trung học, Pistorius đã rất tích cực chơi thể thao, tham gia các môn bóng nước, bóng bầu dục, cricket, tennis, các môn phối hợp, thậm chí cả vật và đấm bốc.

Hồi tháng 6/2003, anh vỡ gối khi tham gia chơi bóng bầu dục, và theo lời khuyên của bác sĩ anh đã chuyển sang gắn bó với môn chạy để sớm phục hồi chấn thương đồng thời tránh được các nguy cơ chấn thương về sau. Khi chạy, anh phải dùng đôi chân giả được thiết kế đặc biệt từ sợi carbon tổng hợp.

Oscar Pistorius được coi là người hùng của thể thao Nam Phi. VĐV này từng giành 6 HC vàng tại các kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic Games), trong đó đoạt HC vàng ở cả ba đường chạy cự ly ngắn 100m, 200m, 400m ở Bắc Kinh 2008. Tại London 2012, anh còn trở thành người không chân đầu tiên tham gia một kỳ Olympic, khi tranh tài ở hai nội dung 400 mét, và 4x400 mét tiếp sức.

Nguyễn Phát | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục