Ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam: Tất cả đã sẵn sàng

07:33 Thứ sáu 22/05/2015

Trước khi SEA Games 28-2015 khởi tranh, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đã chia sẻ với chúng tôi về công tác chuẩn bị của đoàn…

Ông có thể cho biết tình hình chuẩn bị của các đội tuyển tới thời điểm này?

Hiện nay, các đội tuyển tập trung tại 4 trung tâm và hầu hết đang trong quá trình tập luyện cao độ hoặc đang tập huấn nước ngoài, hoặc sắp trở về. Việc chuẩn bị chuyên môn của các đội tuyển đã sẵn sàng. Chúng tôi đang lo công tác hậu cần, di chuyển, ăn ở cho VĐV tại Singapore. Ngày 25-5, đội tuyển U.23 sẽ đi đầu tiên rồi bóng bàn, đấu kiếm. Đây là 3 môn thi đấu đầu tiên tại đại hội. Hiện nay, theo thông báo của BTC, các môn đã có lịch họp kỹ thuật tại Singapore. Với lịch họp kỹ thuật này nó phù hợp với điều lệ quốc tế và trên cơ sở lịch họp kỹ thuật như vậy, chúng tôi đã chỉ đạo cho bộ phận đang có mặt tại Hội nghị khẳng định ở Singapore có phương án di chuyển, tình nguyện viên, phiên dịch của đoàn mình để có những cuộc họp kỹ thuật cho tốt nhất.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nhận cờ xuất quân. Ảnh: Internet.

Lần đầu tiên ông đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn, đấy hẳn là nhiệm vụ chịu nhiều áp lực?

Đúng là có áp lực, lớn nhất là công tác chuyên môn. Thi đấu ngoài thực lực của mình ra còn có yếu tố phần trăm may mắn của VĐV và của đoàn. Tuy nhiên, qua một số lần tham dự đại hội với tư cách là phó đoàn phụ trách chuyên môn, tôi cũng đã làm quen. Lần này với tư cách là Trưởng đoàn và số thành viên tham dự của chúng ta đông đảo, công việc rất nhiều và phải quyết định nhiều vấn đề, kể cả công tác tổ chức của đoàn. Tôi cùng các thành viên lãnh đạo đoàn vẫn tập trung nhiều ở công tác chỉ đạo về vấn đề chuyên môn trong thời gian đại hội diễn ra.

Chuẩn bị cho SEA Games 27, thể thao Việt Nam đã phân 5 nhóm môn với các nhiệm vụ khác nhau. Ở SEA Games 28 này, ngành thể thao có thay đổi gì so với kỳ trước hay không?

Về phân nhóm để đầu tư cho VĐV thì không có sự thay đổi quan trọng. Có một biến động nhỏ là VĐV ở trong nhóm 1 (nhóm đầu tư trọng điểm các môn Olympic) như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, cử tạ, bắn súng là những môn được đầu tư chuyên biệt và tập trung vào 5 môn này để qua vòng loại và thi đấu tại Olympic 2016. Một nhóm nữa cần phải đầu tư là những môn thuộc nhóm Olympic để thi đấu giành suất. Tập trung một số môn như taekwondo, đấu kiếm, boxing, rowing… Trong nhóm được đầu tư này, có những môn vượt qua Olympic rồi nhưng hiện nay thành tích đi xuống, còn VĐV trẻ chưa tiếp cận được thành tích của VĐV cũ nên phải có đổi mới nhân sự.

Trước thềm SEA Games 28, tranh cãi về con người ở các ĐTQG tiếp tục xảy ra. Theo ông, làm thế nào để hạn chế tối đa chuyện này?

Muốn triệt tiêu vấn đề tuyển chọn VĐV tham dự đấu trường lớn, đặc biệt là SEA Games thì các môn thể thao phải có tuyển chọn minh bạch. Tuy nhiên, không phải môn nào cũng có thể đưa ra tuyển chọn hay thi đấu nội bộ để chọn VĐV. Có những môn cá nhân thì nó thể hiện rất rõ bằng định lượng. Có những môn thể thao phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, tâm lý thi đấu của VĐV. Các cuộc tuyển chọn phải làm bài bản, có hệ thống và khoa học. Vừa qua, đã nảy sinh vấn đề ở bóng bàn, quần vợt hoặc xe đạp. Chúng tôi xin nói rõ, có nhiều cách nêu vấn đề và quan điểm chưa thật sự đúng với chuyên môn. Ví dụ bóng bàn là khi tuyển chọn VĐV vào đội tuyển thông qua thành tích thi đấu trước đó thì mới chỉ là bước 1. Đó chưa phải là vào đội tuyển thì nghiễm nhiên VĐV sẽ được đi dự SEA Games ngay. Hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Trong quá trình huấn luyện, BHL mới xác định VĐV thông qua chuyên môn, phong độ. Vì vậy một số môn như bóng bàn hay nhiều môn khác phải có tiêu chí tuyển chọn VĐV đi thi đấu cũng như lên tuyển.

Sau SEA Games, Tổng cục TDTT sẽ chỉ đạo các môn thể thao phải thành lập hội đồng đề ra tiêu chí tuyển chọn dành cho VĐV quốc gia. Sắp tới bóng bàn sẽ dự giải châu Á 2015, lúc đó bóng bàn phải có tiêu chí tuyển chọn VĐV thì mới được cử VĐV đi thi đấu nhằm đảm bảo công bằng cho VĐV. Về quần vợt, VĐV tranh chấp liên quan nhiều tới vấn đề cá nhân khiến xã hội và dư luận thấy có vấn đề. Đối với xe đạp, chủ trương là trẻ hóa. Các đội tuyển của thể thao Việt Nam được chủ trương là trẻ hóa nhân sự vì chúng ta hướng tới mục tiêu dài hơi là Asian Games 17-2019 chứ không phải trước mắt. Vì vậy phải có VĐV trẻ kế cận. Xe đạp trẻ hóa VĐV nhưng thành tích không kém xa với các VĐV kỳ cựu thì được triệu tập. Trong quá trình tuyển chọn VĐV xe đạp, bộ môn và Liên đoàn đã nói rõ tiêu chí những VĐV nào được triệu tập để có sự minh bạch.

Điền kinh Việt Nam là một trong những nhóm được đầu tư trọng điểm. Ảnh: Internet.

Người hâm mộ vẫn trông đợi nhiều vào môn bóng đá. Vậy theo ông, đội tuyển U.23 Việt Nam có khác gì so với những đội từng dự SEA Games trước và chúng ta sẽ tránh được tiêu cực nếu có xảy ra?

Nói về trình độ bóng đá, mỗi một giai đoạn thì có sự khác biệt nhau rất rõ. Tuy nhiên, nó có một điểm chung là chúng ta thi đấu theo phong cách của người Việt Nam. Lần này, tuyển U.23 đá với phong cách hoàn toàn mới. Tôi cho rằng, bóng đá nam năm nay chơi bóng rất hiện đại, máu lửa và có một nét khác trước chính là sự nỗ lực hết mình của VĐV. Trong quá trình tham dự không chỉ SEA Games 28, bóng đá đã có một số cầu thủ từng dự Asian Games 17-2014, chúng tôi nhận thấy là các VĐV thể hiện mình ở trên sân với thực lực rất tốt. Chuẩn bị lực lượng và chuyên môn cho U.23 lần này, đoàn không đặt vấn đề có chuyện gợn lên là đề phòng về tiêu cực. Tất nhiên, chúng ta nói như vậy không có nghĩa điều này sẽ không xảy tới. Nhưng về mặt chuyên môn chúng ta có các phương án khác nhau. Tôi đánh giá, lứa cầu thủ lần này hoàn toàn có thể tin tưởng ở họ. Để tạo niềm tin cho cầu thủ, đội bóng đá nam có 1 đồng chí công an thuộc C45 đi theo trong đoàn. Ngoài việc đảm bảo an ninh cho đội thì cũng là để khiến các cầu thủ an tâm, yên tâm trong thi đấu. Với một cách đào tạo chuyên nghiệp từ các CLB thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào cầu thủ từ cách thi đấu cho tới tư cách. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm hơn với đội tuyển so với các kỳ SEA Games trước.

Một trong những nhiệm vụ liên thông của thể thao Việt Nam là chuẩn bị cho các đại hội và đặc biệt là Olympic. Đặc thù của năm 2015 là song hành 2 nhiệm vụ SEA Games 28 với chuẩn bị Olympic 2016. Tuy nhiên, đặt nhiệm vụ trọng tâm vẫn là SEA Games. Nhiệm vụ thứ 2 là chuẩn bị cho các VĐV thi đấu giành suất tại các vòng loại Olympic 2016. Các VĐV sẽ bắt đầu thi đấu vòng loại, đa số thi đấu từ tháng 7-2015 tới tháng 6-2016.

Tuy nhiên, có một số VĐV đã tham gia các vòng loại khác nhau. Tới lúc này, chúng ta có một số người như Ánh Viên, Xuân Vinh, Quốc Cường đã đạt chuẩn để dự Olympic 2016. Tại SEA Games, các VĐV đã có suất Olympic rồi thì tập trung cho việc giành thành tích cao. Sau khi thi đấu SEA Games xong, bước chuẩn bị đối với các VĐV đã qua vòng loại là tập trung đầu tư cao độ cho tới khi Olympic diễn ra. Còn những VĐV khác chưa giành được suất Olympic thì sẽ tham dự các vòng thi đấu nhằm có suất đi Brazil. SEA Games lần này là bàn đạp, một cuộc thử thách đối với những VĐV được hoạch định trong đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam.

Minh Chiến | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục