'Nữ hoàng chân đất' và nỗi trăn trở về căn nhà tạm

08:44 Thứ sáu 30/05/2014

Nhà bị bão đánh sập từ năm 2009, cả gia đình nữ vận động viên điền kinh Phạm Thị Bình phải sống trong căn nhà xây tạm ở Quảng Ngãi.

Lớn lên trong gia đình bảy anh chị em ở vùng quê nghèo xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tuổi thơ của Bình trải qua không ít khó nhọc. Thuở còn đi học, cô một buổi đến trường, một buổi phải phụ cha mẹ chăn bò nuôi vịt. Đến khi bén duyên với đường chạy marathon, Bình cũng đối diện không ít sóng gió. Năm 2009, sau khi đoạt HC bạc quốc gia, cô phát hiện mình dị tật tim bẩm sinh giống mẹ. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, tính mạng của Bình có thể bị đe dọa chứ chưa nói gì đến chuyện trở lại đường chạy. Lúc ấy, bố đã mất sức lao động và đau ốm liên miên nên quán cháo vịt của mẹ Bình cũng chỉ đủ cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Tình thế như ngàn cân treo sợi tóc.

"Nghe tin sét đánh ngang tai, em gần như ngã quỵ vì sốc. Đường chạy như một định mệnh và việc phải bỏ nghề với em như con người không thể thở", Bình hồi tưởng trong cuộc nói chuyện cùng chúng tôi. "Trong lúc hoang mang và chán nản nhất, em may mắn nhận được sự giúp đỡ các nhà hảo tâm để có kinh phí phẫu thuật. Đó như một cuộc tái sinh trong đời em".

Phạm Thị Bình trong căn nhà nhỏ của bố mẹ. Ảnh: Trí Tín.

Chưa kịp mừng sau ca phẫu thuật, Bình cùng gia đình lại khốn đốn khi cơn bão Ketsana đổ bộ vào miền Trung mùa mưa năm 2009. Cơn siêu bão khủng khiếp khiến cả miền Trung rơi vào tang tóc với hàng trăm người chết, nhiều nhà cửa bị đánh sập, trong đó có nhà của Bình. Hình ảnh cả nhà chục con người phải sống trong căn nhà tạm sau này giống như động lực cho cô mỗi khi thi đấu.

"Sau cơn bão, cả nhà quyết định chuyển hẳn ra gần chợ Bình Thuận, nơi mẹ mở quán cháo vịt để tá túc. Qua mỗi năm dư được khoản tiền nho nhỏ, em lại gửi về để cha mẹ mua thêm đất rồi cơi nới, sửa sang thêm phòng để ở. Nhà xây cũng tạm bợ nên em vẫn áy náy lắm, chỉ mong có được căn nhà tử tế hơn để phụng dưỡng cha mẹ khi về già", Bình nói.

Là một vận động viên điền kinh nhưng Bình không thể dùng giày. Gan bàn chân mỏng đến mức da sẽ phồng rộp lên như bị bỏng nước khi đi giày, và đó là lý do khiến cô luôn chạy bằng chân đất. Dẫu vậy, tính đến nay Bình đã có một HC bạc ở giải vô địch quốc gia 2009, hai HC bạc tại Đại hội TDTT Việt Nam 2010, một HC đồng giải Marathon châu Á 2011, HC bạc và đồng ở SEA Games 2011 và HC vàng ở SEA Games 2013.

Phạm Thị Bình tại SEA Games 2013. Ảnh: Đức Đồng.

Nhờ những thành công đó, gần đây vận động viên sinh năm 1989 đã được một số doanh nghiệp thuê làm "đại sứ thương hiệu", bên cạnh khoản lương của tỉnh Quảng Ngãi. Tất cả được Bình chia ra từng phần nhỏ để sử dụng. Khoản gửi cho bố mẹ thuốc men, khoản chăm cho mình và cậu em trai đang cùng trọ học tại Đại học TDTT Đà Nẵng. Vừa rồi, nghe tin chị gái chuyển nghề nuôi tôm, Bình cũng dành một khoản gửi về động viên.

"Em cũng gom góp được một khoản nhỏ nhưng bố mẹ chưa chịu xây nhà mà cứ bắt em giữ để có vốn sau còn cưới chồng lập nghiệp. Bố mẹ bảo khổ quen rồi nên thấy con cái thành đạt, học hành giỏi giang là mừng nhất chứ không cần nhà cao cửa đẹp. Đúng là trên đời không ai chịu hy sinh cho mình bằng bố mẹ cả", Bình kể.

Đã học năm cuối chuyên sâu điền kinh tại Đại học TDTT Đà Nẵng, nhưng việc thi đấu liên miên khiến năm sau Bình mới có thể tốt nghiệp. Trong năm nay, Bình hy vọng có thể lập kỳ tích tại Asiad 17 như tấm HC đồng châu Á từng có năm 2011.

Anh Tuấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục