Nối liền một dải Việt Nam: Xao xuyến và luyến tiếc

09:35 Thứ ba 15/01/2013

Chỉ một ngày nữa là đoàn marathon đặt chân đến tận cùng đất mũi Cà Mau (Năm Căn, chiều 15/1/2013), kết thúc hành trình trên bộ của Nối liền một dải Việt Nam, sau gần 40 ngày chạy liên tục. Những kỷ niệm ngọt ngào, những khoảnh khắc đáng nhớ, những chuyện bây giờ mới kể khiến sống mũi mỗi người cứ cay cay trong lúc dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị cho ngày chia tay. Xao xuyến và luyến tiếc, đó là cảm xúc mà ít ai giấu được trước ngày hoàn tất hành trình, dù công việc đã làm không hề nhẹ nhàng chút nào, đáng lý người ta phải mong kết thúc sớm.

Pat Farmer chạm địa phận Cà Mau lúc 15h50 ngày 14/1/2013. Ảnh: Văn Bảy

Trong tâm trí của gần 40 người trong đoàn marathon, ngày 9/12/2012 sẽ là ngày không thể nào quên được trong đời, vì từ cột mốc số 0 ở Tràng Vĩ (Sa Vĩ, Móng Cái) sẽ là nơi đoàn marathon khởi hành xuyên Việt về mũi Cà Mau.

Con số 0 tròn trĩnh không gợi cho họ cảm giác trống rỗng hoặc lạc lõng, mà thay vào đó là sự bồi hồi xúc động đến khó tả. Có thể, khi nhìn cột mốc này và nghĩ đến 3.000 km đoàn sẽ trải qua trong hành trình, không ai hình dung rằng cuộc chạy lại đẹp một cách nồng ấm như thế.

Từ một thần tượng

Có thể nói, trước và trong những ngày đầu tiên của hành trình, Pat Farmer được xem như là một ngôi sao, một huyền thoại sống trong lĩnh vực chạy marathon, bởi tính đến thời điểm này, chưa một ai chạy từ cực Bắc đến cực Nam của trái đất như ông. Sự dẻo dai, tinh thần lãng mạn, cũng như ý chí của Pat Farmer trong cuộc chạy càng thêm khẳng định vị trí độc tôn của ông trong lĩnh vực marathon.

Trong 2 tuần đầu tiên tại Việt Nam, Pat đã chạy để chống lại cảm cúm, bệnh tiêu chảy do chưa quen nguồn nước, rồi các chấn thương cũ tái phát, tôi đã có linh cảm xấu, dù ông luôn khẳng định: “2 tuần đầu tiên của tôi đều như như vậy”.

Thế rồi, ông đã hồi sinh, theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Từ những bước chân khập khiễng, đi có khi không đủ cân bằng để tránh cột điện hay trụ an toàn ở vệ đường, ông đã lao vun vút trong mưa lớn ở Hà Tĩnh, Quy Nhơn, trong cơn bão bất chợt ở Lăng Cô, trong cái nắng cháy da ở Phan Rí…

Thậm chí, ở chặng Trảng Bom về TP.HCM, ông đã chạy đua với xa lộ tử thần, nơi có lượng xe và tai nạn nhiều bậc nhất, với tốc độ hơn 15km/h. Đây là tốc độ kỷ lục trong suốt hành trình, chỉ thua chặng về đích ở Năm Căn (Cà Mau).

Tất cả điều này nhiều khi khiến tôi có cảm giác đây là cuộc chạy của riêng ông Pat trên đất nước mình.

Đến tinh thần Việt

Tuy nhiên, càng đi theo hành trình, cảm giác ấy càng vơi dần, không phải vì Pat Farmer lu mờ hơn, mà vì cộng đồng người Việt đã sáng lên qua từng ngày. Tôi thấy rõ mỗi khi đoàn đi đến đâu, trong hoàn cảnh thời tiết nắng nóng hay mưa tầm tã, rất nhiều người Việt ở mọi độ tuổi đều chào đón đoàn rất nồng nhiệt.

Không chỉ thế, họ còn đồng hành một cách hào hứng, có người vài bước, có người vài trăm bước hay dài hơn. Họ chạy vừa muốn ủng hộ Pat và Mai Huy “chân cứng đá mềm”, vừa muốn thể hiện trách nhiệm và ý thức của họ với thông điệp mà chương trình đưa ra: nước sạch cho người dân Việt Nam.

Có thể khẳng định, dù sau này tôi có nhiều chuyến xuyên Việt đi chăng nữa nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ có được cái nhìn chậm, bao quát và chi tiết đến vậy về đất nước và con người Việt Nam. Dù cho cuộc sống có bao nhiêu bộn bè đi nữa nhưng tôi vẫn không quên được khuôn mặt rất nhiều CĐV đã đồng hành cùng 40 con người của đoàn marathon qua 30 tỉnh thành theo chiều dọc của đất nước Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ bạn Nguyễn Văn Thức, sinh viên Đại học Thái Nguyên, chạy một mình từ Thái Nguyên xuống Hà Nội chỉ để gặp gỡ đoàn trong tích tắc để rồi sáng sớm ngày hôm sau, Thức phải quay về Thái Nguyên gấp để thi học kỳ.

Hay như anh lính trung niên mang trên mình đầy những huân chương chờ đoàn lúc giữa trưa để tặng Pat Farmer một nhành hoa hồng vàng tươi thắm. Có lẽ, dù rất kiệm lời nhưng anh lính trung niên cũng đã gửi gắm đến Pat Farmer và đoàn marathon một sự khích lệ mạnh mẽ từ hình ảnh nhành hoa hồng vàng, bởi nó tượng trưng cho sự kiên định, cho ý chí mạnh mẽ và tinh thần quả cảm.

Hoặc như bác Vũ Như Vũ, một thợ sửa mô-tơ điện, hăng hái đón đầu đoàn từ rất sớm để mời đoàn vào nhà mình ăn cơm trưa và ngay trong lúc chờ đợi, anh đã đọc say sưa 50 trang sách Từ cực Bắc đến cực Nam, một người, hai mươi triệu bước chân của Pat Farmer để rồi ngay khi được VĐV này ký tên lên sách, ông xúc động đến mức nghẹn lời.

Hay như 2 bạn trẻ ở Đại học Đà Nẵng đã đi ngược từ thành phố biển này ra Lăng Cô từ 5 giờ sáng trong thời tiết mưa gió để cùng đoàn chinh phục Hải Vân Quan…

Tôi nghĩ kể hết những khoảnh khắc xúc động xuyên suốt cuộc hành trình sẽ đủ làm nên một tập sách dày, bởi đi tới đâu, ở thời điểm nào, chúng tôi cũng như vỡ tan ra với từng cách cư xử tử tế đến ngưỡng mộ của người dân 2 bên đường. Quả thật, những hình ảnh đáng yêu này xứng đáng để viết nên thành sách, để những người Việt Nam như tôi hiểu hơn về đất nước, về người dân mà bấy lâu nay mình cứ ngỡ mình đã “thuộc nằm lòng”.

Và dư âm đẹp

Kết lại hành trình Nối liền một dải Việt Nam, đọng lại trong mỗi thành viên trong đoàn, từ anh tài xế, em hậu cần đến người quản lý là cảm giác hạnh phúc xen lẫn tiếc nuối. Tiếc nuối vì ai nấy đều muốn kéo dài thêm sợi dây liên kết giữa tất cả thành viên trong đoàn với nhau, kéo dài thêm tình thâm giữa những đoàn marathon với người dân ở từng địa phương.

Hạnh phúc vì được nhìn sâu sắc hơn tấm lòng nhân hậu và mến khách của người Việt Nam, được tận mắt chiêm ngưỡng từng cảnh quan thiên nhiên của đất nước. Hi vọng nguồn cảm hứng mà chương trình đã tạo nên suốt thời gian qua sẽ là ngọn lửa cháy mãi, cháy mãi để thôi thúc mỗi người dân Việt Nam sống tích cực, mạnh mẽ và có ích cho xã hội hơn.

Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á (ASIAN Chamber of Commerce and Industry) tài trợ, Công ty TNHH Lê Quý Dương tổ chức và Báo Thể thao & Văn hoá (Thông tấn xã Việt Nam) bảo trợ thông tin.

Tường Vi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục