Manchester United: Nhà hát không nhạc trưởng

08:33 Thứ ba 22/01/2013

Sự hiệu quả về mặt điểm số của M.U tại PL là khá bất ngờ nếu người ta theo dõi tỉ mỉ từng trận đấu của Quỷ đỏ kể từ đầu mùa. Đã có những màn trình diễn thăng hoa, những dấu ấn đáng khen về khả năng phối hợp, những yếu điểm được khắc phục, nhưng nhìn chung đội bóng vẫn tồn tại nhiều hạn chế bộc lộ theo thời gian.

Rõ ràng sự hụt hơi của Man City, Chelsea ở nửa đầu mùa giải là thuận lợi lớn cho Quỷ đỏ, nhưng trong một cuộc đua đường trường cam go, những chông chênh rất nhỏ cũng đủ gặm mòn tham vọng lên ngôi của bất cứ kẻ dẫn đầu nào. Sự chông chênh ấy ở M.U một phần bởi họ không có một nhạc trưởng đúng nghĩa trong lối chơi của mình.

Được Persie, mất Kagawa

Không còn là điểm tối nhỏ trong một trận cầu cụ thể nữa, mà lấy một nửa mùa giải đã qua để đánh giá, có thể thấy bản hợp đồng từ Dortmund đã không đáp ứng được kỳ vọng. Đáng lẽ vẫn với những con người ấy, sự bổ sung Persie và Kagawa sẽ làm M.U mạnh lên khá nhiều ở nửa sân phía trên, song khi mà tiền đạo người Hà Lan tỏ ra lợi hại hơn dự kiến thì cầu thủ người Nhật lại mờ nhạt hoàn toàn. Mua Kagawa nghĩa là chờ đợi sự tinh tế, nhãn quan đặc biệt và cả các pha cầm bóng đột phá khi cần ở sau lưng các tiền đạo, nhưng sau thời gian khởi đầu cho thấy một vài phẩm chất, chàng trai nhỏ con này hầu như đã bị “nuốt chửng” bởi khí thế, sức mạnh từ những trận cầu “sắt đá” của nước Anh.

Trái với van Persie, Kagawa chưa thể hiện được nhiều khi đến với đội chủ sân Old Trafford. Ảnh: Internet.

Sự “bù trừ” của hai nhân tố mới làm M.U chỉ thực sự hay hơn nhờ vào số lượng bàn thắng gia tăng. Van Persie không chỉ phá lưới nhiều lần, anh còn là động lực để hai chân sút trẻ Welbeck và Chicharito phải nỗ lực hết mình, qua đó nâng cao đáng kể chất lượng mỗi lần ra sân thi đấu. Ngược lại, Kagawa không thể làm điểm nối hoàn hảo cho các đồng đội nơi tuyến đầu, nó khiến Wayne Rooney phải đá thấp nhiều hơn trong vai trò hộ công thay vì yên tâm lao vào vòng cấm. Qua trận đấu với Tottenham, sự kiên nhẫn của Sir Alex cũng không giúp Kagawa thể hiện được gì sáng sủa, anh chạy lăng xăng tranh bóng một cách vô vọng, rồi lúc bóng đến chân cũng không đưa ra pha xử lý đáng nhớ nào bởi sự ập vào nhanh chóng của các cầu thủ to cao sừng sững bên phía đối phương. Có thể anh đã giúp M.U quảng bá hình ảnh rực rỡ thêm ở đất nước, châu lục mình, nhưng những đóng góp chuyên môn lại thua xa Park Ji Sung - một cựu Quỷ đỏ tuy không quá xuất sắc nhưng chơi rất đảm bảo và biết cách góp tiếng nói khi phong độ còn đỉnh cao.

Có lẽ rất khó trông chờ Shinji Kagawa tỏa sáng cho M.U, hiện tại anh chẳng hơn bất cứ đồng đội nào ở những vị trí tương đồng. Hơi phũ phàng song những gì diễn ra ở Bundesliga chỉ còn là quá khứ, đó là một môi trường mà người ta có thể thấy anh chạy nhanh, rê khéo, ghi bàn sắc sảo, còn ở Anh thì rất khác. Bởi sự thích nghi không tốt này mà việc sở hữu cầu thủ người Nhật không có mấy tác dụng với M.U, hay chính xác thì sau mùa hè vừa qua, Van Persie là “dấu cộng” thực sự duy nhất vào đội hình Quỷ đỏ. Dù vậy, một tiền đạo giỏi thôi là không đủ để định đoạt mọi trận đấu, như hiệp hai tại White Hart Lane vừa rồi, Persie trở nên lạc lõng khi đội nhà không còn chiếm thế chủ động, không còn thường xuyên có những đường bóng tốt cho mặt trận tấn công.

Nhà hát không nhạc trưởng

Scholes đã đến lúc “về ở ẩn”, Rooney phong độ phập phù, Cleverley thì tròn vai nhưng chưa có gì giống với một “ông chủ”, Anderson hay chấn thương, Carrick cũng sắp già, vai trò “nhạc trưởng” là vấn đề nhức nhối đã từ rất lâu của M.U. Ngoài việc khai thông “vị trí chìa khóa” khi vận hành chiến thuật, người “nhạc trưởng” nếu có thể còn phải là người khống chế, bao quát tinh thần toàn đội trong từng hoàn cảnh, đó là điều rất khó chu toàn. Bởi thiếu thủ lĩnh về chuyên môn mà M.U thường đánh mất quyền quyết định trước các đối thủ mạnh ở nửa sau trận đấu dù vẫn hay nhập cuộc cực kỳ thuyết phục. Thiếu thủ lĩnh tinh thần cũng khiến cho ở những thời khắc khó khăn đội bóng chỉ trông chờ ở sự lóe sáng của hàng tiền đạo, khi bị dồn ép thì rất khó gượng lại, và không ai đủ tầm vực dậy nhiệt huyết khi những đôi chân mỏi mệt, những cái đầu thiếu sự lạnh lùng. Chẳng thế mà nếu không biết trước, có căng mắt đến mấy cũng khó xác định trên sân ai là đội trưởng của M.U, cũng như ai là “số 10” thực sự.

M.U đang rất cần một cầu thủ đẳng cấp để đảm nhiệm vai trò "cầm trịch" lối chơi. Ảnh: Internet.

Không hiểu sao, Rooney như đã “tản nhiệt” hết vào độ tuổi 24, 25. Người ta không còn thấy sự xông xáo, mạnh bạo, quyết đoán của anh trong cả phòng ngự lẫn tấn công, những đường chuyền thì cẩn thận hơn nhưng lại thiếu đột biến, dễ bắt bài hơn. Cái máu lửa Rooney thường truyền vào lối chơi của Quỷ đỏ đã phần nào phai nhạt, và cũng chẳng có ai thay anh làm được điều này. Ngoài lề một chút, tuy không đá ở “vị trí điều hành”, nhưng trước đây, ít ra Vidic cũng còn là một đội trưởng có giá trị về chuyên môn lẫn tinh thần, chỉ tiếc anh dường như không thể tìm lại mình sau chấn thương dài hành hạ.

Trận gặp Tottenham là màn tái hợp đáng ngợi khen nhất của cặp trung vệ khét tiếng một thời, nhưng Ferdinand mới là người nổi trội hơn, những cơn đau dai dẳng đã lấy mất của Vidic cả chiếc băng đội trưởng lẫn tầm vóc một biểu tượng của MU trong vòng cấm.

Thời gian qua, Carrick lại chính là người chơi tốt nhất. Anh không tỏa sáng một cách rực rỡ, mà dù có muốn cũng không thể rực rỡ hơn các mũi nhọn ghi bàn, nhưng sự lặng lẽ của anh hôm nay khác hẳn ngày hôm qua. Đã có những lúc người ta chuyển từ thất vọng sang chấp nhận một Carrick bình thường, biết đá nhưng chậm chạp, thiếu đột biến, chỉ là ngôi sao loại khá. Nhưng từ khi Scholes dần lui vào hậu trường, các cầu thủ trẻ thì chỉ “hay” chứ chưa “lớn”, chàng tiền vệ số 16 bỗng tự tin hơn, đá sáng hơn, có một sự phát triển trông thấy về bản lĩnh trận mạc, luôn không ngần ngại làm chủ các điểm nóng. Những đường chuyền có nét của Carrick ổn định hơn hẳn các đồng đội, những pha tham gia phòng ngự, tranh chấp khôn ngoan và đúng chỗ làm người ta phải bất ngờ, như thể những ngày “địa ngục” mà anh bị Sir Alex xếp đá trung vệ không hoàn toàn vô ích.

Tuy nhiên, ngợi khen Michael Carrick để thấy rằng, dù là một đội bóng lớn với nhiều tham vọng, song tuyến giữa quan trọng của M.U lại chỉ có điểm sáng nhất là một cầu thủ loại khá, đã vượt ngưỡng 30. Mất giữa sân là mất rất nhiều, M.U đã chơi bóng một chạm khá ấn tượng thời gian gần đây, nhưng hầu hết các tiền vệ đều không thể duy trì sự chính xác cũng như thể lực suốt chiều dài trận đấu, nó khiến Quỷ đỏ chẳng mấy khi dễ dàng kết thúc mọi thứ trong thế lấn át, cũng là nguyên nhân của việc có rất nhiều các chiến thắng kịch tính, vất vả, đau tim đến với người hâm mộ. Nhưng nói là nói vậy, với phong cách tiêu dùng và dụng binh của Sir Alex, M.U sẽ không vung tiền để chôn vùi yếu điểm. Người ta sẽ vẫn thấy một M.U như thế, sự đi lên của đội bóng chính là nằm ở mỗi sự tiến bộ, tinh thần cống hiến của mỗi cá nhân, thứ có thể thay đổi, nâng cao qua nhiều trận đấu. Chỉ là để đạt được những thành quả lớn, những danh hiệu cao quý, hiện trạng lực lượng của Quỷ đỏ còn khá nhiều khiếm khuyết, chẳng thể đổi thay một sớm một chiều.
Trần Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục