Đô cử Thạch Kim Tuấn: 11 kỷ lục và nỗi mỏi mòn chờ tiền thưởng

10:00 Thứ tư 19/11/2014

Nhà vô địch cử giật thế giới hạng 56 kg cười trừ khi nói về khoản thưởng 1,5 tỷ đồng được hứa hẹn sau khi có một năm đại thắng trên đấu trường quốc tế.

Trở về nước sau Giải vô địch cử tạ thế giới 2014 tại Almaty (Kazakhstan), đô cử Thạch Kim Tuấn lập tức bước vào luyện tập chuẩn bị Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Niềm vui hiện rõ trong ánh mắt và nụ cười của chàng trai vàng môn cử tạ Việt Nam lúc này.

Năm 2014 đánh dấu sự thăng hoa của lực sỹ họ Thạch ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Thạch Kim Tuấn phá ba kỷ lục trẻ quốc gia, ba kỷ lục quốc gia, hai kỷ lục trẻ châu Á, một kỷ lục châu Á, hai kỷ lục trẻ thế giới. Thành tích ấn tượng nhất của Kim Tuấn là một HC vàng, hai HC bạc thế giới, ba HC vàng trẻ thế giới và tấm HC bạc tổng cử ASIAD 17. Tính tổng tiền thưởng trong năm tháng vừa qua, nhà vô địch Olympic trẻ thế giới 2010 sẽ nhận được 1,5 tỷ đồng tiền thưởng từ Tổng cục Thể dục Thể thao và đơn vị chủ quản là Sở VH - TT - DL TP HCM.

Thành tích mới nhất của Thạch Kim Tuấn (trái) là HC vàng nội dung cử giật ở giải vô địch thế giới 2014. Ảnh: IWF.

- Nhiều người nói Kim Tuấn bây giờ là tỷ phú của làng thể thao?

- Nhận tin tôi được thưởng lớn, ai cũng chúc mừng. Nhưng thực ra tôi mới nhận được một phần. Khoản tiền thưởng 1,5 tỷ đồng có vẻ lớn, nhưng chia từng giai đoạn, từng khoản chứ không phải nhận luôn một lần. Trong đó khoảng 400 triệu đồng từ chế độ hỗ trợ tài năng trong bốn năm - mức tiền 10 triệu đồng hàng tháng - phải sau Á vận hội 2018 mới được lĩnh. Số tiền thưởng còn lại tầm 1,1 tỷ đồng từ 11 kỷ lục và số HC đạt được trong thời gian qua. Nhưng đến giờ tôi mới được nhận 180 triệu, số còn lại chưa thấy giải ngân.

- Anh dự định sử dụng khoản tiền thưởng này như thế nào?

- Đời vận động viên thể thao vốn ngắn, tôi sẽ trích ra một phần làm sổ tiết kiệm. Thời gian trước tôi đã mua được nhà nên bây giờ phải lo có khoản phòng thân để cưới vợ hoặc kinh doanh mặt hàng gì đó sau khi giải nghệ.

Số còn lại tôi giữ để chi tiêu hàng ngày và có quỹ riêng để mua thêm thuốc bổ, hỗ trợ tập luyện và thi đấu. Càng thi đấu đỉnh cao, việc sử dụng thuốc bổ càng quan trọng, cấp thiết để vận động viên tăng cường khối lượng gánh tạ. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi tôi phải tái đầu tư trở lại cho bản thân sau khi đạt thành tích cao nhằm tiếp tục chinh phục các kỷ lục mới.

- Tiền thuốc đắt đỏ thế nào mà anh phải lập hẳn kế hoạch riêng cho nó?

- Cũng vì giá thành đắt đỏ mà khoảng một tháng trước giải đấu lớn tôi mới được phát thuốc bổ để sử dụng, dù trên thực tế muốn nâng cao thành tích, vận động viên phải sử dụng liên tục trước nhiều tháng. Số tiền dành mua thuốc vì vậy không chỉ nhờ cậy đơn vị chủ quản, mà còn từ sự tích cóp của bản thân vận động viên cũng như một phần hỗ trợ từ Tổng cục.

Tôi nhớ mỗi lần thầy Huỳnh Hữu Chí mua thuốc về một thùng với thuốc bổ các loại, giá trị cũng tầm 10 đến 20 triệu đồng. Số thuốc đó có thể sử dụng tối đa từ 20 đến 30 ngày. Mỗi năm cũng tiêu tốn khoảng 200 triệu đồng - một con số không hề nhỏ với các vận động viên cử tạ.

Thạch Kim Tuấn sử dụng một phần số tiền thưởng mua thuốc bổ phục vụ tập luyện hướng đến tấm HC vàng Olympic Rio 2016.

- Đoạt HC vàng cử giật thế giới tại Kazakhstan, nhưng anh lại lỡ cơ hội vô địch thế giới tổng cử vì hơn trọng lượng đối phương. Anh nhìn nhận thế nào về việc này?

- Từng đoạt HC vàng Olympic trẻ thế giới 2010 rồi vô địch trẻ thế giới 2014, song tấm HC vàng cử giật vừa qua có đáng quý nhất và giá trị lớn hơn hẳn. Mang về cho thể thao Việt Nam tấm HC vàng lịch sử, tôi tự hào và hạnh phúc lắm. Đó có lẽ là tấm HC giá trị, tuyệt vời nhất với tôi lúc này. Tôi cũng đôi chút thất vọng vì thua đối thủ trong gang tấc ở nội dung tổng cử, nhưng tôi còn nhiều cơ hội để thay đổi lịch sử - ví dụ như Olympic Rio 2016 chẳng hạn.

- Anh đang chuẩn bị như thế nào cho dự định phá kỷ lục cử giật thế giới mới mức tạ 140 kg?

- Tôi đã vượt qua mức cử giật 140 kg, cử đẩy 168 kg trong lúc luyện tập. Tuy nhiên việc thi đấu lại hoàn toàn khác bởi có nhiều áp lực ảnh hưởng thành tích của vận động viên. Cứ phấn đấu để hoàn thiện bản thân qua thời gian, tôi tin mình có thể xô đổ những kỷ lục trước đó. Tôi không ngủ quên trong chiến thắng và đang nỗ lực hoàn thiện mình để có thể vượt qua Om Yun Chol (Triều Tiên) ở Thế vận hội 2016.

Anh Tuấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục