Thêm một trận đấu nữa, người hâm mộ lại phải đặt câu hỏi rằng đâu mới thực sự là bộ mặt thật của Manchester United dưới thời của Erik ten Hag. Được chơi trên sân nhà nhưng suốt hiệp một, họ chẳng thể tung ra được bất kỳ cú sút nào, trong khi đó Quỷ đỏ lại để các vị khách thoải mái bắn phá khung thành.
Nhưng sau bàn thắng của Bruno Fernandes từ một cơ hội được chính Liverpool trao cho, họ lại chơi quật khởi và vươn lên dẫn trước. Thậm chí nếu không có tình huống xoạc bóng ngớ ngẩn của Aaron Wan-Bissaka vào cuối trận, rất có thể Man United đã giữ lại được 3 điểm.
Có cảm giác như Quỷ đỏ đang cố tình thể hiện sự yếu ớt, trước khi bật dậy và đánh gục đối thủ. Thật đáng ngạc nhiên, Liverpool lại trở thành nạn nhân của trò lừa này lần thứ hai sau ba tuần. Lần đầu tiên họ bị loại khỏi FA Cup, còn lần này, trận hoà 2-2 đã khiến họ mất vị trí đầu bảng xếp hạng Premier League.
Bóng đá đôi khi thật lạ lùng. Bàn gỡ hòa của Manchester United là sự gói gọn hoàn hảo điều đó: Bruno Fernandes ở cự ly 45 mét, dứt điểm hạ gục Caoimhin Kelleher bằng cú sút đầu tiên của đội chủ nhà, chỉ 5 phút sau hiệp một. Trước đó, Liverpool có tới 17 cơ hội nhưng cũng chỉ ghi được 1 bàn.
Ten Hag đã nói sau trận hòa tuần trước với Brentford rằng ông không quan tâm đến việc CLB của ông phải nhận bao nhiêu cú sút, miễn là đội bóng có được kết quả tốt. Đó có thể là điều hợp lý nếu xét tới trường hợp của Liverpool. Trong 3 lần chạm trán nhau mùa này, Lữ đoàn đỏ tung ra 87 cú sút, nhưng chưa thắng được Man United lần nào.
Một điều nghe thì vô lý nhưng lại rất có khả năng xảy ra, đó là các cầu thủ hàng đầu lại không quen khi được thi đấu dễ dàng. Bóng đá ngày nay tôn thờ triết lý gây áp lực liên tục, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn để cho những ngôi sao hàng đầu thoải mái? Nó có thể làm họ khó chịu và khiến họ phải suy nghĩ quá nhiều.
Không chỉ Liverpool cảm thấy khó đối phó với lối chơi cởi mở tới mức ngây ngô như của Erik ten Hag. Trong 14 trận vừa qua, Quỷ đỏ nhận tới 308 cú sút, tức trung bình là 22 cú sút mỗi trận, nhưng họ chỉ để thua 3 trận trong số đó. Một thống kê chung trong lịch sử bóng đá là cứ 9 cú sút sẽ có thể quy đổi bằng 1 bàn thắng, tức đội bóng của Ten Hag phải nhận gần 2.5 bàn thua mỗi trận trong 14 trận đấu đó, nhưng thực tế là họ chỉ để thủng lưới trung bình 1.71 bàn mỗi trận.
Rõ ràng là đội chủ sân Old Trafford vẫn đang sở hữu những tài năng hàng đầu để không chỉ ngăn cản đối thủ ghi bàn mà còn sẵn sàng tung ra các đòn hồi mã thương bất ngờ. Với Kobbie Mainoo, Alejandro Garnacho và Rasmus Hojlund, Man United có thể lạc quan.
Nhưng trên thực tế, sự thiếu mạch lạc, những lỗ hổng giữa các tuyến, cảm giác lúng túng vào cuối mùa giải thứ hai của Ten Hag là thứ mà các cổ động viên không thể hài lòng. Họ không thể cứ trông chờ mãi vào vận may của câu lạc bộ hoặc vào sự vô duyên của đối thủ.
Giống như trận đấu vào tháng 12 năm ngoái, nơi Liverpool tung ra tới 34 pha dứt điểm nhưng vẫn phải chấp nhận hoà 0-0, lần chạm trán tối qua cũng vậy. Đáng lẽ các học trò của Jurgen Klopp cần phải kết thúc sớm trận đấu ở ngay trong hiệp một bởi sự áp đảo về tỷ lệ kiểm soát bóng và các cơ hội.
Nếu Liverpool không vô địch mùa giải này, họ sẽ phải tự trách chính mình bởi sự thiếu chính xác ở những thời điểm quan trọng. Những sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả vô cùng lớn trong một cuộc đua tam mã như hiện tại.
(Bạn đọc: Thịnh Nguyễn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam