ASIAD: Dọn cỗ cho...thể thao Trung Quốc

10:57 Chủ nhật 11/11/2012

Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) là sân chơi mà Trung Quốc khẳng định vị thế độc tôn mà không một quốc gia nào trong khu vực đủ khả năng cạnh tranh trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho đấu trường này và cũng thu được không ít lợi ích.


Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) là sân chơi mà Trung Quốc khẳng định vị thế độc tôn mà không một quốc gia nào trong khu vực đủ khả năng cạnh tranh trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho đấu trường này và cũng thu được không ít lợi ích.

Chiếm thế áp đảo

Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của đất nước Trung Quốc, nền thể thao nước này đã liên tục đạt được nhưng thành tựu khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Một trong những đấu trường thể thao cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Trung Quốc chính là ASIAD.

Trung Quốc đầu tư số tiền khổng lồ cho ASIAD 16

Suốt 30 năm qua, đất nước đông dân nhất thế giới đã liên tục nắm giữ vị thế quán quân của Đại hội thể thao châu Á. Bất ngờ giành vị trí số 1 lần đầu tiên tại New Delhi 1982 sau khi đánh đổ sự thống trị của thể thao Nhật Bản (61 HCV so với 57 của Nhật Bản), Trung Quốc đã phải hết sức vất vả mới giữ được thành quả này 4 năm sau ở Seoul khi chỉ hơn nước chủ nhà Hàn Quốc duy nhất 1 tấm HCV (94 so với 93).

Tuy nhiên, khoảng cách mong manh đó đã được Trung Quốc nới rộng tới… 183 lần ở kỳ ASIAD tổ chức trên sân nhà Bắc Kinh năm 1990. 183 tấm HCV không chỉ giúp nước chủ nhà đè bẹp tham vọng bám đuổi của đoàn á quân Hàn Quốc (54 HCV) mà còn trở thành cột mốc mà cho đến nay chưa đoàn nào có thể phá vỡ.

Kể từ kỳ đại hội đó, Trung Quốc liên tục vượt mốc 100 HCV, điều chưa quốc gia nào khác ở châu Á làm được, bỏ xa gấp đôi, gấp 3 số lượng HCV mà các đoàn xếp ngay phía sau giành được.

Chỉ là nơi tập dượt

Khi mà việc giành ngôi nhất toàn đoàn tại ASIAD đã là chuyện đương nhiên, điều dễ như cơm bữa với Trung Quốc, họ bắt đầu chuyển hướng. Từ chỗ coi đấu trường này là một trong những mục tiêu chính, các nhà lãnh đạo thể thao nước này quyết định biến ASIAD thành nơi rèn luyện, tập dượt cho sân chơi lớn nhất của thể thao thế giới, Olympic mùa hè.

Hàng loạt VĐV trẻ triển vọng được Trung Quốc đưa vào thử lửa ở đấu trường ASIAD đã toả sáng rực rỡ tại Thế vân hội như, Liu Xieng (điền kinh), Lin Dan (Cầu lông), Li Xiaopeng (thể dục dụng cụ), Ye Shiwen (bơi lội)… Chính họ là những nhân tố chủ chốt giúp đoàn Trung Quốc leo lên vị trí thứ 3 tại Sydney 2000, thứ 2 tại Athens 2004 rồi vô địch toàn đoàn tại Bắc Kinh 2008...

Ye Shiwen, kình ngư 16 tuổi được phát lộ tại ASIAD 16 để rồi toả sáng rực rỡ ở Olympic 2012 với 2 huy chương vàng ở nội dung 400m và 200m hỗn hợp đồng thời phá 2 kỷ lục thế giới

Bởi vậy, Trung Quốc không ngần ngại đổ tiền đầu tư cho ASIAD, đặc biệt khi họ là nước chủ nhà. Đơn cử tại ASIAD 2010, Chủ tịch thành phố Quảng Châu, Vạn Khánh Lương tiết lộ tổng chi phí cho ASIAD và Asian Para Games khoảng 122,6 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD) và thu về vỏn vẹn 450 triệu USD. Con số kể trên chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải giật mình, tuy nhiên, đó cũng là cái giá hợp lý cho thành tích vượt bậc trên các đấu trường thể thao danh giá của thế giới.

Không những thế, Trung Quốc còn tranh thủ giới thiệu những môn thể thao thế mạnh tranh tài tại ASIAD như một bước đệm để các nội dung này xuất hiện tại Olympic. Điển hình như là môn Wushu tại ASIAD 11 ở Bắc Kinh.

'Dọn cỗ cho người'

Chứng kiến những bước tiến thần kỳ của thể thao Trung Quốc, nhiều nước tại châu Á cũng muốn noi gương. Họ cũng không ngại đầu tư cho ASIAD những mong đây sẽ là một bước đà, là nơi các tài năng của đất nước lột xác để mang về vinh quang lớn cho đất nước.

Chẳng thế mà Thái Lan chịu bỏ ra 627,7 triệu USD (thu về 88,8 triệu USD) cho ASIAD 13, Hàn Quốc chi 4,2 tỷ USD để đầu tư cho ASIAD 14 (thu về 223,2 triệu USD) trong khi còn số này với Qatar, chủ nhà ASIAD 15, là khoảng 2,8 tỷ USD…

Số HCV của đoàn Trung Quốc và các đoàn xếp thứ 2 sau 8 kỳ ASIAD gần nhất. Nguồn: Wiki

Lẽ dĩ nhiên đầu tư lớn cộng với việc là nước chủ nhà với rất nhiều ưu thế, thành tích tại ASIAD của các nước kể trên được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu xét về thành tích tại đấu trường Olympic, thước đo chuẩn mực của thể thao thế giới, thì những gì các nước này thu về lại rất hạn chế. Chẳng thế mà Hàn Quốc chỉ gia tăng được 1 HCV tại kỳ Olympic sau ASIAD Busan, Thái Lan tăng được… 1 HCB tại kỳ Olympic sau ASIAD Bangkok còn Qatar thì trắng tay vẫn hoàn trắng tay sau ASIAD Doha.

Vậy nên nếu các quốc gia cho rằng chỉ cần đổ tiền đầu tư cho ASIAD là thành công sẽ tự đến hoặc việc thành tích tăng đột biến tại một kỳ đại hội đồng nghĩa với sự tiến bộ vượt bậc của thể thao nước nhà thì rõ ràng là một sai lầm lớn. Thế mới biết để tận dụng tối đa các kỳ ASIAD như cách Trung Quốc đã thành công hoàn toàn không phải là điều dễ dàng.
V.V | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục