Olympic 2012 có đáng “đồng tiền, bát gạo”?

10:37 Thứ tư 15/08/2012

Sau khi Olympic 2012 kết thúc, Thị trưởng London - Boris Johnson tuyên bố, số tiền 9,3 tỉ bảng mà nước Anh bỏ ra đã đem về một kỳ Olympic thành công về mọi mặt. Sự thật có phải như vậy?

Thành công về mọi mặt?

17 ngày tranh tài sôi động tại Olympic đã lùi vào quá khứ với việc nước chủ nhà Vương Quốc Anh hoan hỉ với vị trí thứ 3 toàn đoàn. Nếu nhìn vào khía cạnh huy chương thì quả thật Anh đã có một kỳ Olympic thành công vượt ngoài mong đợi. Nhưng Thị trưởng Boris Johnson còn tuyên bố London còn làm được nhiều hơn thế.

  Các con phố London luôn đông đúc khách du lịch dịp Olympic

Để dẫn chứng cho lời nói của mình ông Johnson cho biết, cứ 10 khách sạn ở London thì có tới 8 khách sạn trong tình trạng kín phòng. Điều này có được là nhờ chiến dịch quảng bá rầm rộ trị giá gần 5 triệu bảng mà Anh đã bỏ ra trước khi Olympic khai mạc. Nhờ đó, London đã hút hơn 300.000 khách nước ngoài tới đây dịp Thế vận hội.

Nhờ sự xuất hiện của lượng lớn khách du lịch, các ngành dịch vụ cũng làm ăn phát đạt hẳn, giúp tạo ra khối lượng việc làm rất lớn cho lực lượng lao động tại Anh. Các khu vui chơi như rạp xiếc, hộp đêm, rạp hát, nhà hàng… cũng nhờ đó luôn nhộn nhịp khách ra vào.

Ngoài ra, tình hình an ninh cũng được cải thiện đáng kể. Theo thống kê, số các vụ phạm tội trong thời gian diễn ra Olympic cũng giảm hơn 5%, dấu hiệu tích cực hơn hẳn nếu so với Olympic Bắc Kinh và Sydney.

“Khó tìm ra bất cứ dấu hiệu gì cho thấy Olympic 2012 là một kỳ Olympic thất bại. Chúng tôi đã làm mọi việc để đem lại lợi ích cao nhất cả về kinh tế lẫn xã hội”, ông Johnson quả quyết.

Cũng theo ông Johnson, nền kinh tế Anh sẽ còn hưởng lợi lâu dài từ “hiệu ứng” Olympic. Ước tính nước Anh sẽ thu về hơn 13 tỉ bảng trong những năm tới và hoàn toàn có lãi từ số vốn ban đầu 9,3 tỉ bảng tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, sân vận động và các hoạt động quảng bá cũng như bảo vệ cho Olympic 2012.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là thông tin 1 chiều từ và cần có thời gian để xác minh. Trong lúc này, vẫn có thông tin khẳng định Olympic 2012 đang thực sự lỗ vốn. Số khách du lịch tới Anh không đông như dự kiến, hiếm khán đài nào thường xuyên phủ kín các ghế.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, BTC Olympic đã không lường được hết các khoản chi phí bên lề Thế vận hội cũng như các hoạt động quảng bá cho Olympic. Ngoài ra việc tổ chức quá nhiều các sự kiện cùng lúc khiến du khách không biết lựa chọn tới đâu.

Bài toán “thị trấn bỏ hoang”

Như bất kỳ Thế vận hội nào, sau khi Olympic London kết thúc, BTC phải vội vàng bắt tay vào chuẩn bị cho Thế vận hội người khuyết tật Paralympics sẽ diễn ra vào ngày 29/8 tới đây.

  Olympic Park vắng hoe sau lễ bế mạc Olympic 2012

London sẽ tiếp tục trở lại cảnh sôi động dù có thể không bằng như khi Olympic diễn ra. Tuy nhiên, khi Paralympics khép lại cũng là lúc BTC sẽ phải đau đầu tìm giải pháp tiếp tục sử dụng Olympic Park sao cho hiệu quả nhất, tránh tình trạng trở thành “di tích lịch sử”.

Hiện tại BTC đang tính tới giải pháp để lại sân Olympic Park cho CLB bóng đá West Ham. Nhưng cung thể thao dưới nước và sân bóng ném sẽ được bàn giao cho các chủ đầu tư khác. Người ta cũng tính tới giải pháp biến đây thành khu tổ hợp với khoảng 1000 căn hộ.

Người dân London đang rất quan tâm tới vấn đề chuyển đổi Olympic Park sao cho hiệu quả nhất vì trong gói 9,3 tỉ bảng mà Chính phủ duyệt chi cho Olympic, có tới 292 triệu bảng được dùng cho việc tái sắp xếp Olympic Park.

Đại diện nhà chức trách hiện vẫn khẳng định, Olympic Park sẽ được hoán cải để trở thành một phần của thủ đô London với những tổ hợp bao gồm nhà ở, khu vui chơi, khu thương mại và lưu giữ những hình ảnh của Olympic 2012.

Minh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục