Khi SEA Games vẫn chỉ là “hội làng”

16:41 Thứ bảy 05/10/2013

Một “điều lệ” bất thành văn mà bao năm qua vẫn tồn tại ở “hội làng” SEA Games là đoàn thể thao chủ nhà luôn cố gắng loại bỏ những môn thế mạnh của đối phương và đưa những “món đặc sản” của mình vào.

Vậy nên không bất ngờ khi một môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic như Thể dục dụng cụ (TDDC) bị chủ nhà SEA Games 2013 Myanmar kiên quyết loại bỏ trong cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á vào cuối năm ngoái. Và cũng không ai ngạc nhiên khi mới đây nước chủ nhà Myanmar đề nghị Việt Nam nhường 7HCV trong tổng số 18 bộ huy chương thì mới chấp nhận đưa môn vovinam vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27.

SEA Games đối với các quốc gia Đông Nam Á trước sau vẫn chỉ là “hội làng” mà thôi, không hơn không kém! Ảnh: Internet

Thế kỷ 21 đã bước sang thập niên thứ hai mà Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á vẫn giữ cung cách hành xử theo kiểu hội làng như của thế kỷ trước, nghĩa là mặc cả, chia chác huy chương ngay từ khi SEA Games còn chưa diễn ra. Điều đáng nói hơn là không chỉ có những quốc gia chưa có nền thể thao phát triển như Myanmar, mà ngay cả như Singapore - quốc gia đã sở hữu nhiều VĐV đạt tới tầm cỡ thế giới cũng vẫn công khai yêu cầu Việt Nam chúng ta phải san sẻ huy chương vàng môn vovinam, nếu như muốn môn võ này xuất hiện trong chương trình thi đấu của SEA Games 28 được tổ chức tại Singapore sau đây 2 năm nữa.

Chính bởi thế cho nên, trong chiều dài lịch sử hơn nửa thế kỷ tồn tại của mình, chỉ có vẻn vẹn đúng 8 môn thể thao chưa từng vắng mặt tại một kỳ SEA Games nào là: bơi lội, điền kinh, cầu lông, bóng đá, quyền anh, bắn súng, bóng bàn, quần vợt. Còn lại các môn thể thao khác đều đã ít nhất 1 lần bị các nước chủ nhà thẳng tay loại ra khỏi danh sách các môn thi đấu tại SEA Games vì những lý do kiểu như trên, kể cả những môn thể thao cơ bản, quan trọng nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic. Thay vào đó là những môn thể thao chưa thực sự phổ biến rộng rãi trên thế giới, nhưng vẫn có thể được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của đại hội nếu như quốc gia đứng ra tổ chức SEA Games nhận được số lượng HCV ở môn đó một cách “thích hợp”.

Chính sự nghiệp dư trong nếp nghĩ, cách làm của các quốc gia trong khu vực khiến SEA Games đã và đang không còn là Ngày hội thể thao hàng đầu của khu vực, mà ngày càng trở nên giống với “hội làng”. Mà ở đó, quốc gia nào tham dự cũng muốn đưa vào chương trình thi đấu những môn thể thao đặc thù của quốc gia mình nhằm mục đích quảng bá, còn các nước chủ nhà thì tìm cách gặt hái HCV càng nhiều càng tốt để đạt được thứ hạng chung cuộc cao nhất có thể, trong đó việc mặc cả, phân chia huy chương trước giờ khai cuộc được xem như là “đặc sản” ở mọi kỳ SEA Games.

Với cách làm như vậy cùng với căn bệnh trầm kha mang tên “thành tích trước mắt”, việc thể thao Đông Nam Á tiếp tục là “vùng trũng” của thế thao châu Á nói riêng và thể thao thế giới nói chung cũng như có thành tích ngày càng thụt lùi khi tham gia tranh tài ở các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic trong thời gian gần đây là một kết cục tất yếu khó tránh khỏi. Đơn giản bởi vì SEA Games đối với các quốc gia Đông Nam Á trước sau vẫn chỉ là “hội làng” mà thôi, không hơn không kém!

(Bạn đọc: Thùy Trâm)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục