Định kiến về bóng đá châu Phi đã bị dẹp bỏ

12:59 Thứ năm 15/12/2022

Thất bại 0-2 trước nhà đương kim vô địch thế giới Pháp đã chấm dứt hành trình kỳ vĩ của Ma rốc tại World Cup 2022. Nhưng niềm hạnh phúc đâu phải bao giờ cũng là cảm giác khi người ta đi đến đích.

 

Lần đầu tiên kể từ đầu giải, huấn luyện viên Walid Regragui sử dụng sơ đồ chiến thuật 5-4-1, với số đông cầu thủ tập trung cho mặt trận phòng ngự. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhà cầm quân được sinh ra ở Pháp đã tiên liệu sức mạnh hủy diệt đến từ đối thủ.

Về cơ bản, ý đồ của Ma rốc cũng như các trận trước: xây dựng nền tảng phòng ngự vững chắc, có tổ chức và chực chờ cơ hội tung đòn quyết định. Nếu đối thủ không xuất sắc và biến hóa trong tấn công thì rất khó phá vỡ hệ thống này. Nhưng rồi, Pháp đã làm được điều mà Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha bất lực trước đó: ghi bàn vào lưới Ma rốc, thậm chí bàn thắng đến từ rất sớm, ngay phút thứ 5.

 - Bóng Đá

 Ma rốc sẵn sàng vùng lên khi Pháp nhường thế trận.

Biệt danh của Ma rốc là “những chú sư tử Atlas”, và cú ra chân của Theo Hernandez đánh bại thủ thành Yassine Bounou như vết cứa sắc lạnh khiến họ bị tổn thương và chạm vào lòng tự ái. Bằng sự phẫn nộ như đặc tính của loài sư tử, Ma rốc đã vùng lên dữ dội, lột bỏ vỏ bọc xù xì gai góc để chơi phóng khoáng hơn.

Người Pháp có lợi thế dẫn bàn sớm và họ bắt đầu giảm nhịp độ, nhường lại thế trận và quyền kiểm soát bóng. Đó là lúc Ma rốc mạo hiểm đẩy cao đội hình, từ hàng thủ 5 người lúc đầu, chuyển sang đá với 4 cầu thủ phòng ngự, và dồn hỏa lực cho tiền tuyến.

Nhưng, vấn đề ở chỗ, đội tuyển Ma rốc lại thiếu đi tính biến hóa, tốc độ và yếu tố bất ngờ trong các đường triển khai tấn công, luân chuyển quá nhiều bóng sang cánh phải, nơi có sự hiện diện của Achraf Hakimi và Hakim Ziyech, khiến đối phương dễ bắt bài.

 - Bóng Đá

 Sự lệ thuộc vào Hakimi và Ziyech khiến Ma rốc thiếu đi tính biến hóa.

Dù vậy, vẫn rất đáng khen cho Ma rốc, bởi họ chứng minh rằng mình không phải chỉ biết co cụm phòng ngự, mà hoàn toàn có thể chơi tấn công sòng phẳng và bài bản như bất kỳ đội tuyển nào khác. Họ có những kế hoạch và phương án cụ thể, chứ không phải những ý tưởng theo kiểu chữa cháy, chắp vá và không liền lạc.

Song, hôm nay, người Pháp vào vai kẻ hủy diệt những giấc mơ. Nếu Theo Hernandez là người khởi đầu thì Randal Kolo Muani là kẻ chốt hạ, dập tắt ngọn lửa của cuộc nổi dậy đến từ Ma rốc và thiết lập lại trật tự. Pháp, tất nhiên rất sung sướng, khi lần thứ hai liên tiếp vào trận chung kết và có cơ hội bảo vệ cúp Vàng. Còn với Ma rốc, vào đến Bán kết đã là kỳ tích.

 - Bóng Đá

 Ma rốc đã viết trang sử mới cho bóng đá châu Phi.

Màn trình diễn của Ma rốc ở giải đấu lần này không chỉ được xem là bất ngờ thuần túy. Họ thực sự có nội lực, tự tin vào giá trị bản thân, dám nghĩ dám làm, và khao khát thay đổi lịch sử. Họ đã đánh bại một đội tuyển Bỉ hùng mạnh ở vòng bảng, hóa giải Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bằng phán quyết lạnh lùng, và chỉ bị khuất phục trước nhà đương kim vô địch thế giới Pháp.

Giấc mơ của người Ma rốc đã khép lại, nhưng chẳng hề gì. Hạnh phúc đôi khi không phải cảm giác tới đích, mà là trên từng chặng đường đi. Từ đây, Ma rốc khiến cả thế giới phải đổi chiều suy nghĩ, gạt bỏ định kiến hẹp hòi về sự thấp kém liên quan đến năng lực và ý chí của bóng đá châu Phi.

(Bạn đọc: Khải My)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 12:01 15/12/2022
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục