Để những thế hệ tài năng của bóng đá Việt Nam không biến mất

16:00 Thứ năm 26/09/2013

Năm 2000, lứa cầu thủ U16 Việt Nam với những cái tên như Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn, Ánh Cường, Đức Anh... đã từng trở thành niềm hy vọng lớn của bóng đá Việt Nam khi đứng thứ 4 ở giải U16 châu Á với những chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ. Tiêu biểu là trận thắng 3-2 trước U16 Trung Quốc trên sân nhà. Nhiều người từng hy vọng vài năm sau đó, lứa cầu thủ này sẽ giúp bóng đá Việt Nam ít nhất cũng hiện thực hóa được giấc mơ Vàng cho bóng đá Việt Nam ở SEA Games. Thế nhưng không lâu sau, tất cả lứa cầu thủ vốn được coi là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam ất cứ tàn lụi dần và giờ đây tất cả đều chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Không lâu sau đó, sau một kỳ SEA Games 22 có thể coi là thành công trên sân nhà, bóng đá Việt Nam đã chính thức trình làng một thế hệ cầu thủ mới với những cái tên như Thế Anh, Thanh Phương, Như Thành, Huy Hoàng, Quốc Vượng, Tài Em, Thanh Bình, Văn Trương. Đây được coi là thế hệ Vàng thứ 2 của bóng đá Việt Nam, sau thế hệ Vàng thứ nhất của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu. Thế nhưng, đó dường như đã là đỉnh cao cuối cùng của thế hệ này. Chỉ sau đó 1 năm, tại Tiger Cup 2004, ngoài sự rơi rụng vì khả năng chuyên môn hoặc chấn thương dài hạn của một số cầu thủ, ít nhất cũng có tới 1/4 cầu thủ của thế hệ ấy đã không còn là chính mình. Rồi vụ án bán độ tại SEA Games 23 đã cướp đi của thế hệ ấy (có bổ sung thêm) 7 cầu thủ, trong đó có tới 4-5 người hội đủ những phẩm chất để trở thành trụ cột của ĐTQG trong tương lai.

 Văn Quyến từng là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Internet.

Gần đây hơn, những Đình Hiệp, Hồng Việt, Đức Nhân… sau khi đăng quang ở giải U20 Đông Nam Á 2007 (kể từ năm 2008 mới được mang tên là giải U19 Đông Nam Á) cũng đã nhận được khá nhiều sự kỳ vọng của giới truyền thông và người hâm mộ. Thế nhưng cũng chẳng khác là bao so với thế hệ của Văn Quyến, Ánh Cường, Như Thuật, Đức Anh… phần lớn lứa cầu thủ đó đã không phát triển được tiếp và giờ đây chỉ còn là những cầu thủ ở mức “làng nhàng” ở sân chơi V-League.

Dông dài một chút để thấy rằng trước lứa cầu thủ U19 Việt Nam vừa để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp tại giải U19 Đông Nam Á 2013, bóng đá Việt Nam cũng đã từng sản sinh ra không ít những thế hệ tài năng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: tại sao bóng đá chuyên nghiệp không giúp được phần lớn những thế hệ cầu thủ này thăng hoa mà ngược lại lại đưa họ tụt xuống dốc khi mà những lứa cầu thủ này còn đang ở trong giai đoạn phát triển đẹp đẽ nhất của cuộc đời cầu thủ? Do cơ chế, do các CLB chủ quản quản lý không tốt, do chính họ tự phung phí tài năng của mình hay là do cả ba nguyên nhân nói trên.

Đối với bóng đá Việt Nam từ trước đến nay, việc phát hiện và đào tạo ra các cầu thủ và các thế hệ tài năng đã khó nhưng giữ họ lại ở đỉnh cao còn khó hơn nhiều. Và chừng nào mà bóng đá Việt Nam còn chưa làm tốt việc này thì chừng đó chúng ta còn tự đánh mất những thế hệ tài năng bóng đá của mình.

Mong rằng lần này với một thế hệ U19 tài năng và được đào tạo một cách bài bản cả về chuyên môn lẫn văn hóa nhằm tránh xa mọi cám dỗ đời thường, bóng đá Việt Nam sẽ được “nở mày nở mặt” trong một tương lai không xa nhờ những cái tên như Văn Toàn, Công Phượng, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Sơn, Đông Triều,Văn Trường…

(Bạn đọc: Thùy Trâm)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục