Andrea Pirlo - người Ý lãng mạn

08:10 Thứ năm 28/03/2013

Bóng đá hiện đại gần như đã triệt tiêu hoàn toàn những pha đi bóng từ giữa sân, vượt qua 5 hay 6 cầu thủ rồi ghi bàn đầy cảm xúc như kiểu Maradona tại World Cup năm 1986. Thời nay, bóng đá là sự lên ngôi của tính thực dụng bên cạnh việc đề cao tính kỉ luật. Thế nên, những nghệ sĩ của làng bóng đá thế giới có vẻ ngày càng khan hiếm hơn, thay vào đó là những “người không phổi”, là “máy quét” hay những cầu thủ đa năng.

Tuy nhiên những nghệ sĩ đâu hẳn đã “tuyệt chủng”, họ vẫn còn đấy, vẫn ra sân vào mỗi cuối tuần và chơi thứ bóng đá thật riêng biệt. Nhiều người mê nụ cười tỏa nắng của Kaka, người thì cuồng nhiệt với thứ bóng đá bản năng của Messi, còn tôi khi nhắc đến mĩ từ “nghệ sĩ” ngay lập tức một vùng kí ức về một anh chàng điển trai, với một mái tóc bồng bềnh lãng tử, hay khoác lên mình màu áo thiên thanh và làm chết mê chết mệt không biết bao nhiêu cô gái trên khắp thế giới…chợt ùa về. Người ta gọi anh là Andrea Pirlo!

Kiến trúc sư tài ba, người Ý lãng mạn

Nước Ý tự bao đời là sự tổng hòa giữa nét cổ kính và hiện đại, ồn ào và tĩnh lặng, thực dụng và nghệ sĩ. Người Ý nhờ đó toát lên vẻ lãng mạn, đa tình một cách “vô tình”. Có lẽ vì vậy cho nên bao nhiêu năm trôi qua, đội tuyển quốc gia Ý luôn có sự góp mặt của những chàng trai lãng tử, lịch lãm, luôn thi đấu như những nghệ sĩ thực thụ. Hết Baggio rồi đến Totti, và giờ là Pirlo. Anh chính là hiện thân cho người Ý lãng mạn đá bóng.

Nếu một ngày anh cắt cụt mái tóc đi, thế giới sẽ có thêm một đại dương nữa... Ảnh: Internet.

Khởi nghiệp từ Brescia, Pirlo dường như đã bắt đầu định mệnh của mình ở đó. Khi ấy, một cầu thủ trẻ trung, tài hoa nhưng hãy còn ở dạng tiềm năng được chơi vị trí tiền vệ công với vai trò “tiếp đạn” cho hoàng tử Baggio trong những năm cuối cùng của sự nghiệp. Baggio- Pirlo, quá khứ- tương lai, giữa chúng có một dấu gạch nối- dấu gạch nối của tài năng. Câu chuyện về chàng trai Pirlo đá bóng bắt đầu từ buổi anh “mang gươm” cho hoàng tử tóc đuôi ngựa huyền thoại.

Nổi lên ở Brescia, Pirlo nhanh chóng được Inter chú ý đến và họ đã đưa anh về với sân Giuseppe Meazza khi anh mới chỉ 19 tuổi. Tuy nhiên, lối chơi thực dụng của Inter không phù hợp với phong cách hoa mĩ của Pirlo. Anh bị Inter đem cho mượn 2 mùa liên tiếp. Trước nguy cơ tài năng bị “lụi tàn” từ quá sớm, Pirlo quyết định rời Inter để tìm ra bước ngoặt trong sự nghiệp. Thế là AC Milan đã nhanh chóng “giải cứu binh nhì” Pirlo với giá khá mềm. Rồi chính ở Milan chứ không đâu khác, Pirlo đã có gần như tất cả những gì mà đời cầu thủ mơ ước, điều này về sau khiến chủ tịch Moratti của Inter phải thốt lên: “Bán Pirlo là quyết định sai lầm nhất của cuộc đời tôi”.

Về với Milan, ông Ancelotti hiểu Pirlo không thể chơi tốt khi ở quá gần khung thành. Bởi Pirlo không phải là mẫu cầu thủ có tốc độ để xuyên phá qua được hàng phòng ngự cực kì kỉ luật ở Seri A. Thế là ông Ancelotti đưa ra một phát kiến sau đã thay đổi cả Milan và bóng đá nước Ý: kéo Pirlo về đá tiền vệ trụ.

Được đá tiền vệ trụ, Andrea Pirlo như cá gặp nước. Thực chất tiền vệ trụ ở đây không đồng nghĩa với “máy chém” mà ta tưởng tượng. Nhiệm vụ “dọn dẹp” thuộc về Gattuso, còn Pirlo đảm nhiệm vai trò phân phối bóng, giữ nhịp trận đấu và phát động tấn công. Kể từ đấy, anh bắt đầu làm điên đảo cả thế giới bằng sự thông minh trong cách đọc trận đấu và đặc biệt là những pha “phất” bóng dài chuẩn xác đến từng centimet. Anh chính là xương sống của Milan trong trục dọc: Maldini-Pirlo-Kaka-Sheva “thần thánh”.

Ở Seri A mùa giải 2002-2003, Pirlo dẫn đầu ở bốn thống kê đặc biệt: cầu thủ chuyền nhiều nhất (2589 đường chuyền), cầu thủ giữ bóng nhiều nhất (123 giờ và 39 phút), cầu thủ giành bóng được nhiều nhất (661 lần), và chuyền thành công nhiều nhất (2093 đường). Trung bình anh chuyền chính xác 90 đường chuyền 1 trận. Đặc biệt ở World Cup 2006, khi cả thế giới còn đang choáng ngợp với vụ Calicopoli, thì Pirlo chính là linh hồn đưa tuyển Ý đến cúp vàng thế giới với 3 lần được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, trong đó có trận chung kết- nơi anh kiến tạo một bàn thắng và tự mình thực hiện thành công một quả phạt đền.

Cứ thế, bóng đá Ý mang danh thực dụng bao nhiêu năm bỗng chốc uyển chuyển với những pha xử lí bóng tinh tế, nhẹ nhàng của Pirlo. Anh trở thành “kiến trúc sư” vĩ đại, là “Pirlo Da Vinci” trong mắt người Ý. Còn với riêng tôi, anh chính là nền hòa âm để cho những nốt luyến láy và feeling của đồng đội không bị lạc nhịp.

Cuối cùng, nếu trước kia có fan nữ nào đấy viết về mái tóc đuôi ngựa của Baggio thế này:

Nếu một ngày anh cắt cụt mái tóc đi
Thế giới sẽ có thêm một đại dương nữa
Một đại dương chỉ toàn nước mắt
Chảy từ trong thăm thẳm trái tim em...


... thì giờ đây, xin hãy để bài thơ ấy dành tặng lại cho Pirlo, cho mái tóc cũng bềnh bồng lãng tử. Bởi nếu một ngày kia, khi ta bất chợt không còn thấy mái tóc ấy nữa, nghĩa là thế giới đã mất đi ngôi sao lớn - ngôi sao không bao giờ được tạt tượng nhưng luôn in hằn trong mỗi trái tim yêu bóng đá Ý, yêu bóng đá vị nghệ thuật.

(Bạn đọc: Đỗ Quốc Phi)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục