Nam Định không thăng hạng nhất: Khi lòng người tản mác

14:27 Thứ năm 09/08/2012

Đã nhọc công thống kê rồi nhưng vẫn rất khó để điền đầy đủ những cái tên nhân-tài-bóng-đá Nam Định từng đào thoát khỏi thành Nam, trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai gần. Tại sao và như thế nào, miền đất hứa từng quy tụ anh tài trước đây, giờ lại trở thành nỗi ám ảnh? Không ai đưa ra câu trả lời xác thực hơn người trong cuộc.

Từ thực tại phũ phàng…

Nam Định từng được biết đến như vùng đất học, ít nhất là trong quá khứ. Đây cũng chính là địa phương đầu tiên có “Quỹ khuyến học”, với rất nhiều “làng cử nhân” hay “làng tiến sĩ”. Nhân tài địa phương này nhiều không đếm xuể, đấy là chưa nói đến các giá trị văn hóa phi vật thể… Nói tóm lại, Nam Định đã và vẫn luôn có rất nhiều thứ để mà tự hào. Nhưng với riêng địa hạt bóng đá thì không! Không phải đến lúc này, khi đội một Nam Định liên tục bị đánh rớt hạng và vừa thất bại trong trận đấu quyết định giành vé lên hạng Nhất, họ mới thất vọng. Từ cung cách đối xử (của lãnh đạo), đến chế độ đãi ngộ bị xem là không tương xứng, điều đó khiến nhân tài bóng đá thành Nam trở nên bất đắc chí.

Được đánh giá cao nhất trong số các ứng viên thăng hạng Nhất mùa giải năm sau (2013), nhưng Nam Định lại hoàn toàn không đưa ra một mục tiêu cụ thể nào trước khi giải hạng Nhì 2012 khởi tranh?! Tại sao thế?! Phải chăng họ (lãnh đạo) nghĩ rằng suất thăng hạng là gần như đương nhiên?! “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, các cầu thủ trẻ Nam Định vẫn chưa quên câu nói ấy của bậc cha chú (thậm chí là bác, là ông), để rồi chỉ mang một động lực rất nửa vời bước vào trận đấu quyết định với Trẻ K.Khánh Hòa (trước khi thất bại sau loạt sút luân lưu định mệnh – PV). Hữu sự mới tỏ lòng nhau, giờ thì người ta quay qua trách cứ tất cả, thậm chí là nặng lời với đối thủ, với thời cuộc.

Đến bao giờ Nam Định mới trở lại được sân chơi chuyên nghiệp? Ảnh: V.S.I

Thực tế trước trận đấu này, thông tin hành lang khẳng định, Trẻ K.Khánh Hòa hoàn toàn không có nhu cầu lên chơi giải hạng Nhất?! “Đó đơn thuần chỉ là một trận đấu để làm thước đo cho năng lực huấn luyện, cũng như năng lực của cầu thủ trẻ”, một thành viên BHL Trẻ K.Khánh Hòa cho biết. Nhưng, người Nam Định đã không thức thời...

… đến hệ lụy kéo theo

Là không cân-đo-đong-đếm được! Nếu như trước đây, việc có con em đứng trong đội hình các lứa tuổi “U” của Nam Định còn hơn cả niềm tự hào với các bậc phụ huynh. Nhưng, thời thế thay đổi chóng mặt. Người ta tính rằng, kể từ ngày bóng đá Nam Định xuôi về giải hạng Nhất, rồi rớt tiếp xuống hạng Nhì, chỉ còn rất lác đác đơn xin cho con em gia nhập các tuyến trẻ của Trung tâm bóng đá Nam Định. Dễ hiểu thôi, bởi bóng đá Nam Định với đầu ra (cao nhất) là đội hạng Nhì và vẫn chưa tìm được giải pháp tiếp theo để phát triển bóng đá xứ sở trong tương lai gần, thử hỏi bậc phụ huynh nào dám gửi con em mình cho cái Trung tâm vốn đã bị buông lỏng quản lý và ít được chăm bẵm?!

Một bộ phận các HLV tuyến trẻ, từng là cựu tuyển thủ các thế hệ bóng đá Nam Định, vốn làm không hết việc trước đây, thì ngay lúc này, đang có nguy cơ thất nghiệp. Cái mác “biên chế cán bộ Sở” giờ không còn hấp dẫn nữa, bởi có thực mới vực được đạo. Thế nên rất nhiều người đã chuyển hướng, tìm miền đất mới. Từ Nguyễn Văn Dũng (người từng góp công đưa U21 Nam Định vô địch giải U21 toàn quốc Cúp Báo Thanh Niên năm 2004), đến Bùi Hữu Nam (HLV trưởng U21 Nam Định tại VCK Bình Định 2005), đến Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thế Cường, thậm chí cả HLV trẻ Nguyễn Trung Kiên… đều được tính như những sự thất thoát rất lớn.

Thầy không thể bám trụ được, huống gì đến trò, khi bóng đá chuyên nghiệp VN đã và đang lên cơn sốt vì tiền (chuyển nhượng)?! Điều đáng nói là hầu hết những tinh túy mà bóng đá thành Nam từng sản sinh ra, đều cho rằng, ra đi, dù có thể không thành công, nhưng là một sự giải thoát. Lòng người một khi đã tản mác thế, thử hỏi đến bao giờ mới đoàn tụ?!

Tùy Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục