Indonesia và Malaysia nhập tịch cầu thủ ồ ạt: Coi chừng là Singapore 2.0

11:39 Thứ sáu 26/07/2019

TinTheThao.com.vnĐể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách trình độ với Việt Nam và Thái Lan, Indonesia cũng như Malaysia đang nhập tịch ồ ạt các cầu thủ ngoại quốc.

Lá thăm may rủi đã đưa Indonesia và Malaysia chạm trán hai ông lớn của bóng đá Đông Nam Á là Việt Nam cùng Thái Lan tại VL World Cup 2022, điều này khiến họ vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đây là những đối thủ mà mình đã quá hiểu rõ, trình độ cũng không vượt trội hoàn toàn, nhưng lo vì chất lượng đội hình lẫn đẳng cấp của Việt Nam và Thái Lan vẫn có phần tách biệt so với bóng đá Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại.

Cả Indonesia và Malaysia đều muốn đi tắt đón đầu, tức gia tăng sức mạnh của mình trong một thời gian ngắn. Tất nhiên những cầu thủ trẻ của họ không thể tiến bộ thần tốc chỉ trong vòng vài tháng trước vòng loại World Cup được, mà LĐBĐ 2 nước này thực hiện chính sách mà Singapore từng rất thành công là nhập tịch các ngoại binh để đôn lên ĐTQG.

Đông Nam Á và làn sóng nhập tịch cầu thủ: Coi chừng là Singapore 2.0 - Bóng Đá

 Thành công với Sumareh tại AFF Cup 2018 thôi thúc LĐBĐ Malaysia nhập tịch thêm cầu thủ nước ngoài.

Malaysia sau thành công cùng Mohamadou Sumareh ở AFF Cup 2018 đã nhập tịch liền 4 cầu thủ nước ngoài là Lee Tuck, Michael Ijezie, Liridon Krasniqi và Guilherme de Paula. Trong khi Indonesia còn làm ồ ạt và rầm rộ hơn khi nhập tịch... 9 cầu thủ. Cơ hội lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã làm mờ mắt những nhà làm chuyên môn của hai quốc gia này. Họ chấp nhận đánh đổi những giá trị bền vững, căn cơ để đổi lấy thành công tức thời.

Còn nhớ cách đây hơn 1 thập kỷ về trước, bóng đá Đông Nam Á chứng kiến sự thống trị của Singapore với 2 chức vô địch Tiger Cup 2004 (tiền thân của AFF Cup) và AFF Cup 2007. Ngày ấy dưới sự dẫn dắt của "cáo già" Avramovic cùng dàn cầu thủ nhập tịch chất lượng như Aleksandar Duric, Daniel Bennett và đặc biệt là trung phong gốc Nigeria Agu Casmir, giúp bóng đá Singapore vươn lên trở thành thế lực mạnh nhất khu vực.

Tuy nhiên đấy không phải hướng đi lâu dài, bằng chứng là Singapore đã từ bỏ nó để tập trung vào công tác đào tạo trẻ nhằm tạo ra thế hệ kế cận giàu bản sắc hơn. Và lập tức họ trở lại vị thế đúng với thực lực của mình, một đội tuyển tầm trung ở Đông Nam Á.

Ai cũng biết nếu có cầu thủ nhập tịch lên tuyển thì sẽ hạn chế đi một cơ hội ra sân cho các cầu thủ bản địa, đặc biệt là cầu thủ trẻ, vốn là tương lai của bất kỳ nền bóng đá nào. Văn hóa cùng ngôn ngữ khác biệt sẽ là rào cản lớn giữa họ với các cầu thủ bản địa để tạo ra bản sắc cho đội tuyển. Điều này lâu dài phá hỏng đi tính kế thừa, truyền thống của một ĐTQG, Singapore là một bài học như vậy.

Đông Nam Á và làn sóng nhập tịch cầu thủ: Coi chừng là Singapore 2.0 - Bóng Đá

 Sau AFF Cup 2012, Singapore đã từ bỏ chính sách nhập tịch cầu thủ.

Bóng đá Đông Nam Á không thể vươn mình bằng nguồn lực từ nước ngoài được, Việt Nam cùng Thái Lan là hai cuộc gia đang hiểu rõ điều đó. Cả hai đội tuyển này đào tạo và phát triển những cầu thủ trẻ làm nòng cốt và đều đạt được những thành công nhất định.

Lứa Chanathip Songkrasin, Charyl Chappuis và Thitipan Puangchan giúp "Voi chiến" vô địch AFF Cup 2 kỳ liên tiếp vào các năm 2014, 2016. Trong khi Việt Nam trỗi dậy nhờ vào thế hệ của Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu,... đa số là các tài năng trẻ nằm trong lứa tuổi từ 19 đến 24.

Còn với Indo và Malay, họ có thể rút ngắn khoảng cách về trình độ với các đối thủ tại bảng G vòng loại World Cup 2022 bằng chính sách nhập tịch, nhưng sau giải đấu này thì sao? Đó là bài toán mà Singapore đã giải hơn 5 năm qua (kể từ chức vô địch AFF Cup 2012 với các cầu thủ nhập tịch) mà vẫn chưa có nghiệm.

Vương Ngọc | 11:25 26/07/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục