“Thế giới HLV”; Chương 1: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

22:47 Thứ hai 16/03/2015

Chúng ta thường đặt ra câu hỏi, các HLV làm gì mỗi ngày? Học chiến thuật, mổ xẻ băng ghi hình ư? Không phải, họ chỉ ngồi một chỗ, chỉ tay tứ phía, cố gắng thể hiện khả năng lãnh đạo nhưng kỳ lạ, đó là công việc khó nhất mà bất cứ ai từng trải nghiệm đều hiểu. “Thế giới HLV” là tập hợp những đoạn đối thoại với gần 30 chiến lược gia tên tuổi đã hoặc đang làm việc ở Premier League, khai thác những suy nghĩ ẩn sâu bên trong Sir Alex và đồng nghiệp.

Lao động vì chính mình

Để củng cố tính khách quan của cuốn sách, người đầu tiên tác giả tìm gặp là Roy Hodgson, một HLV bản địa và là người đứng mũi chịu sào ở ĐT Anh. Hodgson có thể không quá nổi bật nhưng trong giới huấn luyện, ông thuộc lứa đầu tiên.

Theo học lớp đào tạo HLV ở tuổi 21 và bắt đầu công tác huấn luyện từ năm 29 tuổi, Hodgson đã kinh qua 8 quốc gia, dẫn dắt 16 CLB và ĐTQG khác nhau. 39 năm kinh nghiệm trong nghề giúp Hodgson có cái nhìn bao quát và tổng thể về công việc này.

Triết lý làm việc của Hodgson khá đơn giản: “Bạn được thuê để lãnh đạo một tập thể. Chấm hết”. Bài học cá nhân giúp Hodgson nghiệm ra, nhiệm vụ tối cao và cũng là duy nhất của một HLV là làm việc vì chính bản thân. Chơi vì giới chủ, CĐV sẽ quay lưng. Chơi vì CĐV, giới chủ sẽ phàn nàn.

Cũng bởi lẽ này mà bóng đá ngoài đời khác xa trò giả lập trên máy điện tử Playstation, nơi những ngôi sao với chỉ số cao và phong độ tốt được ưu tiên. Muốn giữ ghế, các HLV phải tạo ra một môi trường chiến thắng, giàu sức cạnh tranh và bị ám ảnh bởi danh vọng.

HLV Hodgson

Khi ấy, bạn dễ dàng điền tên bất kỳ cầu thủ nào vào đội hình xuất phát mà không cần đắn đo. Nghĩa là, yếu tố chuyên môn bị bỏ qua. Bản chất của người HLV là tập hợp đám đông và điều khiển suy nghĩ của họ. Đó là định nghĩa chính xác nhất về một HLV giỏi, hay chính xác hơn là nhà lãnh đạo tài ba.

Quản lý đồng tiền

HLV chẳng phải khái niệm ghê gớm gì. Hiểu nôm na, có một người đàn ông ngồi trong cabin, chỉ đạo đội bóng của ông ta thắng trận mỗi dịp cuối tuần. Nếu thế thì đơn giản quá bởi điểm khác biệt lớn nhất giữa một CLB chuyên nghiệp và bán chuyên là giá trị tài sản.

Bây giờ, M.U là thương hiệu lớn toàn cầu. Hàng năm, họ thu về hàng trăm triệu bảng trên sàn chứng khoán. Với chỉ vài chục con người, làm sao M.U có thể đạt đến tầm vóc lớn lao đến vậy nếu không nhờ tài thao lược của Sir Alex. Giành nhiều danh hiệu chỉ là đòn bẩy giúp M.U giữ vững vị thế trong làng túc, đồng nghĩa với những hợp đồng quảng cáo béo bở.

Kỳ thực, Sir Alex chẳng mấy khi xuất hiện trên sân tập. Ông đưa ra mệnh lệnh: Muốn nhiều tiền, cố mà đá hay. Phần việc còn lại là của đám trợ lý và các cầu thủ. Tự bản thân Rooney và các đồng đội biết mình phải làm gì. Họ chơi bóng theo bản năng (tất nhiên đấy là những tài năng thiên bẩm). Dấu ấn chiến thuật của Sir Alex không thực sự đậm nét. Tầm ảnh hưởng mà Fergie tạo ra trong phòng thay đồ là chìa khóa dẫn tới thành công chuyên môn của M.U, thành công ấy tạo ra tiền, tiền lại dẫn lối cho các ngôi sao về Old Trafford và chu kỳ ấy cứ lặp đi lặp lại.

Thế kỷ 21 chứng kiến trào lưu đầu tư bóng đá của những tỷ phú. Căn nguyên nào dẫn tới mối lương duyên đắt đỏ? Sir Alex từng nói trong từng ngóc ngách trên toàn thế giới, luôn có một CĐV dõi theo bạn hàng tuần với mong ước chiếm hữu bạn một ngày nào đó. Sáng mùa thu đẹp trời, ý nghĩ dấn thân vào bóng đá lóe lên và cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra. Nó là bản năng cơ học, chẳng ai hiểu được sâu xa vấn đề. Giải pháp an toàn là sử dụng khôn ngoan nguồn tiền giới chủ cung cấp.

Đặt giả thiết ngôi sao A nhận 1 bảng ở đội X. Đội Y chào mời anh này 5 bảng. Đội X mời anh A ở lại? Đồng ý, nhưng A muốn nhận thêm 2 bảng. Đi từ 1 lên 3 là cả quá trình vượt cấp. Anh B, anh C đến anh Z, anh nào cũng muốn tăng lương lên 3 lần. Thế là quỹ lương phình to, nguy cơ lạm phát tăng cao.

Đối phó với “cò”

Như đã nói, duy trì mối quan hệ tốt đẹp ở mức “vừa phải” với giới chủ đóng vai trò quan trọng tới số phận của các HLV. Theo thời gian, bóng đá phát triển trên mọi khía cạnh. Xưa kia, HLV thích ai thì mua về bởi ngày ấy, giá trị chuyển nhượng còn rẻ mạt. Giờ đây, một cầu thủ làng nhàng cũng có giá tăng phi mã. Người đại diện, hay nói trắng ra là những tay cò chuyển nhượng núp bóng pháp luật dần xuất hiện. Tập hồ sơ tài liệu về cầu thủ được những tay ma cô này gửi thẳng tới e-mail chủ tịch, chủ tịch lại đích thân đàm phán với đám người này mà không cần thông qua HLV.

Harry Redknapp tin rằng để tồn tại trong thế giới Premier League, từng HLV cần làm thân với các tay cò. Thử tưởng tượng, bạn cất một cầu thủ lên ghế dự bị vì bất kỳ lý do gì. Anh này lẳng lặng như không có chuyện gì xảy ra, thông báo tới người đại diện. Chuông điện thoại ở phòng chủ tịch vang lên, bên kia đầu dây là những lời trách móc: “Tại sao thân chủ của tôi không được ra sân? Sao trước kia ông hứa hẹn nhiều thế?”.

Cứ thế, vận mệnh đội bóng phụ thuộc hoàn toàn vào những cuộc đối thoại. Chuyên môn chỉ còn là thứ yếu và quyền lực sẽ quyết định tất cả. Ai có tiếng nói, người đấy giành phần thắng. Muốn yên ổn, hãy cố gắng xác lập vai trò cá nhân trong phòng thay đồ. Muốn kiểm soát tình hình, hãy tiến lên từ phận đầy tớ. Trước khi hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, hãy học cách làm tốt nhiệm vụ của người ở giữa. Đạt tới cảnh giới của lòng kiên nhẫn, các HLV sẽ chứng tỏ khả năng chịu đựng sức ép ở cường độ cao. (Còn tiếp... )

Thành Trần | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục