“Tái ông thất mã” và câu chuyện bóng đá Anh

12:36 Thứ năm 11/07/2013

Bóng đá Anh vừa trải qua một năm đáng thất vọng, tại cấp câu lạc bộ, sự thê thảm của các ông lớn tại Champions League, hay cấp độ trẻ, U20, U21 đều muối mặt rời khỏi các cuộc chơi, và đội tuyển quốc gia tương lai cũng không mấy sáng sủa. Có thể nói bóng đá Anh đang rơi vào khủng hoảng, nó không phải là một sự đi xuống nhất thời mà là sự đi xuống sau một quá trình.

Theo điển tích “Tái ông thất mã” của Trung Quốc, sách Hoài Nam Tử có viết:

Một ông lão ở gần cửa ải Nhạn Môn, nơi giáp giới nước Tàu với nước Hồ có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn. Ông lão nói: “Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!”. Cách mấy tháng, con ngựa trở về lại quyến thêm một con ngựa hay tốt. Những người quen thuộc kéo đến xem ngựa và chúc mừng. Ông lão nói: “Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!”. Từ khi được ngựa hay tốt, con ông lão thích cưỡi. Chẳng may té ngã què chân. Người quen thuộc đều đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão nói: “Con què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!”. Cách một năm có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão vì què, không phải đi lính mà cha con vẫn họp nhau. “Tái ông thất mã" trở nên một thành ngữ để chỉ sự họa, phúc xoay vần, khó biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc.

Trở lại với câu chuyện về bóng đá Anh, từ lâu đội tuyển của họ không mấy thành công ở những giải đấu lớn hay công tác đào tạo trẻ của họ cũng thua xa các đối thủ trong khu vực. Tuy nhiên thất bại của bóng đá Anh có thể xem như không phải là một thảm họa, mà là bắt đầu cho một quá trình phục hưng.

Các câu lạc bộ Anh sớm rời Champions League. Ảnh: Getty.

Nền bóng đá Đức đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ và có tính bền vững, điều mà người Anh đang thiếu. Premier League vẫn được xem là một trong những giải đấu hay nhất trên thế giới, tuy nhiên, sự “tham lam” trong khâu điều phối tài chính của các đội bóng đang có những tác động nặng nề và tiêu cực lên nét đẹp các trận đấu nơi đây. Với sự hậu thuẫn từ các ông chủ, các đội bóng mạnh tay mua về những ngôi sao thành danh để một bước đi đến thành công hơn là chú trọng vào các công tác đào tạo trẻ. Vì vậy, những sản phẩm đào tạo trẻ của Anh thường ít có cơ hội mài rũa và nhanh chóng lụi tàn. Tại Premier League, các đội bóng sử dụng cây nhà lá vườn thường là rất ít, ngay với M.U, đội bóng nổi tiếng một thời là có hệ thống đào tạo trẻ tốt nhất cũng chỉ vài cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của họ, hay những đội bóng như Chelsea, Man City thì thói quen của họ là mua những ngôi sao hàng hiệu.

Lại nói về bóng đá Đức và câu chuyện hồi sinh của họ, 7 mùa giải liên tiếp, từ 2002/2003 đến 2008/09, đã không có CLB nào của Đức giành quyền vào bán kết Champions League – thành tích nghèo nàn nhất trong 40 năm. Kể cả tại Europa League (tên gọi cũ là UEFA Cup), kết quả cũng chẳng khá hơn: Không có CLB nào góp mặt ở tứ kết từ 2003 đến 2005. Trong những năm 2000, bóng đá Đức trải qua những sự khủng hoảng như bây giờ của bóng đá Anh. Càng đáng suy ngẫm hơn khi trước đó, nền bóng đá của họ là cả một sự cao ngạo. ĐTQG luôn giữ vị thế hàng đầu của bóng đá thế giới, ở cấp CLB, những Bayern, Dortmund, Hamburg đều thu vén được thành công trên trường châu Âu. Hơn 10 năm trước, khi ĐT Đức bị loại ngay vòng bảng EURO 2000 mà chỉ ghi được duy nhất 1 bàn thắng, LĐBĐ Đức (DFB) rút ra một kết luận cực kỳ quan trọng rằng họ không có đủ cầu thủ trẻ tài năng để duy trì vị thế. Tại thời điểm đó, thực trạng giải Bundesliga ngày càng bị chi phối bởi những cầu thủ nước ngoài với giá trị chuyển nhượng cao ngất.

Từ câu chuyện bóng đá Đức hồi sinh và câu chuyện “Tái ông thất mã” có thể rút ra, đây là một giải đoạn bản lề, mà người Anh cần thay đổi, “họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục”, trong cái họa chưa chắc đã là thảm họa mà là lúc ta nên nhìn nhận lại và sửa sai, sẽ không có gì là quá muộn, thêm một chi tiết sinh động hơn nữa cho luận điểm này, là bóng đá Ý đang trong giai đoạn thoái trào và trở lại nhưng họ cũng đã nhận ra vấn đề cốt lõi này trong những năm qua, chú tâm đào tạo trẻ, các đội bóng ở Italia thường rất ít khi mua những cầu thủ với giá cao mà thường trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ của họ, Đội tuyển Italia thành công tại những giả đấu gần đây trong có sự ghi dấu đậm nét đến từ những gương mặt trẻ tuổi đủ sức kế tục lớp “cận vệ già”.
Duy Mưu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục