Sao lại đổ lỗi cho hệ thống?

13:55 Thứ năm 17/09/2015

(TinTheThao.com.vn) - Xoay quanh chiếc ghế HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam những ngày qua có vô vàn những bài bình luận, nêu quan điểm, ý kiến này nọ. Và cũng đã xuất hiện hai luồng quan điểm, nói nôm na là có hai phe, một là ủng hộ HLV Miura, một ủng hộ ông Đoàn Nguyên Đức, người có phát biểu đề nghị sa thải ông Miura và đứng ra lo tất cho đội tuyển.

Đỉnh điểm sự tranh luận của hai phe là có hẳn hai bức tâm thư của người hâm mộ dành cho hai nhân vật này. Bên ủng hộ HLV Miura thì bảo không thể giao đội tuyển quốc gia cho bầu Đức, phe còn lại thì bảo HLV Miura đang “phá hoại” đội tuyển Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam đang dần mất đi vị thế tại đấu trường Đông Nam Á. Ảnh: Quang Thắng.

Dù “đối đầu” là vậy, song cả hai phe tranh luận đều nêu lên một điểm chung cho sự sa sút của đội tuyển quốc gia là do sự yếu kém của bộ máy quản lý, điều hành, đồng thời đổ lỗi luôn cho cả hệ thống bóng đá nước nhà, rằng với một nền bóng đá đầy tiêu cực, thi đấu bạo lực như thế thì lấy đâu ra một đội tuyển mạnh.

Bóng đá nước ta kém phát triển. Đúng. Nhưng không vì vậy mà đội tuyển quốc gia có quyền chơi nhợt nhạt, thiếu sức sống. Người hâm mộ rõ ràng có quyền đòi hỏi nhiều hơn những gì mà đội tuyển Việt Nam vừa thể hiện trong trận gặp Đài Loan (Trung Quốc) trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Và việc đổ lỗi cho cả hệ thống như cách mà dư luận bàn tán những ngày qua, tôi thấy có một phần vô lý.

Bóng đá nước ta yếu kém thì có liên quan gì đến chiến thuật của đội tuyển quốc gia. Theo tôi là chẳng liên quan gì cả, vì đội tuyển chơi theo chiến thuật nào là do HLV trưởng quyết định.

Bóng đá nước ta kém phát triển nhưng không vì vậy mà chúng ta không có cầu thủ tài năng. Công Vinh từng được mời sang Bồ Đào Nha, rồi Nhật Bản thi đấu. Văn Quyết, Thành Lương cũng được các đội bóng nước ngoài mời ký hợp đồng. Ngay cả những tài năng trẻ của HAGL như Công Phượng, Tuấn Anh cũng được các CLB nước ngoài đánh tiếng mời sang thi đấu. Tài năng của họ đã được nhìn nhận mới có được những sự quan tâm như vậy chứ nếu không có tài năng thì ai mới? Thế nhưng, khi lên tuyển các cầu thủ này đã phát huy được hết sở trường chưa? Tôi khẳng định là chưa.

Không phải tất cả nhưng HLV Miura cũng cần chịu một phần trách nhiệm trước thành tích bết bát của ĐT Việt Nam. Ảnh: Hà Bạch.

Với thể hình nhỏ con, lối chơi thiên về kỹ thuật nhưng khi áp dụng vào lối đá phòng ngự, bóng dài của HLV Miura thì dù cho Thành Lương, Văn Quyết có tài năng đến nay cũng chịu. Còn với Tuấn Anh, Công Phượng vốn được đào tạo để giữ bóng, nhưng khi lên tuyển, theo lối đá của HLV người Nhật, các cầu thủ này thay vì giữ bóng phải …phá bóng.

Công Vinh thì thi đấu năng nổ nhưng liên tục đói bóng, phải lùi sâu lấy bóng, tự xoay sở để tìm kiếm cơ hội. Rõ ràng rất khó để các cầu thủ này phát huy hết phẩm chất của mình nếu cứ theo lối chơi phòng ngự tiêu cực kiểu Miura. Nếu để ý, từ ngày HLV Nhật Bản cầm quyền tại đội tuyển Việt Nam, những cầu thủ được xem là ngôi sao do HLV này phát hiện đều nằm ở… hàng phòng ngự, hoặc tiền vệ có thiên hướng phòng ngự. Chẳng hạn như Ngọc Hải, Hoàng Thịnh, Huy Hùng hay Duy Mạnh, Hữu Dũng. Còn xét về điểm sáng trên hàng công thì…không có.

Với chiến thuật ấy, liệu đội tuyển có thể chơi khởi sắc. Thật khó để khẳng định là có. Vậy lỗi ở đây là của cầu thủ, của hệ thống bóng đá yếu kém, hay là của HLV?

Người hâm mộ không yêu cầu đội tuyển của chúng ta đánh đâu thắng đó, họ chỉ cần nhìn một đội tuyển đá đẹp, cống hiến, như cách mà thế hệ vàng của chúng ta đã làm. Dù thua nhưng người hâm mộ vẫn thấy sướng. Thế thôi.

Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ thiếu nhân tài. Ảnh: Hà Bạch.

Lại bàn chuyện của “phe” bầu Đức. Ông đúng là một người có tâm với bóng đá nước nhà. Nhưng nếu để một mình ông lo cho đội tuyển e là không đủ. Đội tuyển quốc gia là bộ mặt của nước nhà, bất cứ ai cũng đều phải có trách nhiệm để xây dựng đội tuyển vững mạnh. Ông có tiền, ông lo được đấy. Nhưng lo đến khi nào đây? Đến khi vô địch ư? Vậy sau khi đội tuyển vô địch cấp khu vực rồi sẽ đi về đâu? Ai sẽ là người tiếp tục đứng ra lo?

Tốt hơn hết, trong thời điểm này, không nên đấu khẩu lẫn nhau, phê phán lẫn nhau, điều cần làm là phải chung tay xây dựng một đội tuyển mạnh, chí ít cũng làm hài lòng người hâm mộ. Nếu HLV Miura không phù hợp thì kiếm một HLV mới đủ tầm để dẫn dắt đội tuyển. Còn vì “ngại mối quan hệ” nào đó thì VFF nên có góp ý với ông Miura để cải thiện tình hình đội tuyển. Còn bầu Đức thì cứ tiếp tục chăm chút cho học viện của mình để tiếp tục sản sinh ra những tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.

Nếu là cầu thủ tài năng thì những Công Phượng, Xuân Trường sẽ không lo thiếu đất diễn, nhất là ở cấp độ đội tuyển.

(Bạn đọc: Trực Tô)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục