Lật lại lịch sử: Người Anh có thật sự “sáng tạo” ra bóng đá?

14:47 Thứ năm 03/05/2012

Roy Hodgson lên dẫn dắt đội tuyển Anh, và đội tuyển Anh được trả về cho người Anh sau 11 năm thất vọng dưới tay hai ông thầy ngoại Eriksson và Capello. Người Anh luôn tự hào vì họ khai sinh ra bóng đá và không muốn đội tuyển của mình phải sống dưới sự chỉ bảo của một HLV ngoại quốc.

Dave Richards, CEO giải Ngoại hạng Anh mới đây mạnh miệng tuyên bố: “Nước Anh đã đem bóng đá đến cho thế giới. Chúng tôi viết luật, thiết kế sân bóng và làm nhiều thứ khác… Nhưng 50 năm sau, có một số kẻ đến gọi chúng tôi là những kẻ nói điêu, họ đã thực sự đánh cắp nó. Họ chính là FIFA”.

Đúng là người Anh đã phát minh ra một môn thể thao mới vào giữa thế kỷ 19, dựa trên hai kỹ thuật là chạy và sút bóng (dù người Trung Quốc cũng khẳng định đã phát minh ra một phiên bản của môn này từ nhiều thế kỷ trước). Họ gọi nó là “football” (bóng đá), không chỉ bởi trái bóng được đá bằng chân (foot) mà còn bởi trận đấu diễn ra trên mặt đất, thay vì trên lưng ngựa. Lịch sử ghi nhận ở Sheffield đã diễn ra một trận đấu bóng đá ngay từ giữa thế kỷ 19.

Chức vô địch World Cup năm 1966, danh hiệu quốc tế duy nhất trong lịch sử ĐT Anh, dù họ luôn tự hào là đất nước sản sinh ra bóng đá- Ảnh Internet

Nhưng xu hướng bóng đá hiện nay khác biệt hoàn toàn so với thứ “bóng đá” nguyên bản của người Anh, bóng đá ngày nay chỉ còn giữ lại luật chơi, còn tư duy chơi bóng thì hoàn toàn thay đổi. Trong thứ bóng đá nguyên sơ ban đầu, các cầu thủ cầm bóng tiến về cầu môn đối thủ và các cầu thủ khác chạy ngay phía sau với hi vọng đón được trái bóng bị mất nếu đồng đội của mình bị chặn lại. Cách chơi sau đó được cải biến, một cầu thủ cầm bóng tiến về trước còn các đồng đội đứng vây quanh để… bảo vệ.

Người Anh giữ nguyên lối chơi ngây thơ ấy suốt 50 năm. Họ không biết sử dụng những đường chuyền để qua người. Phải đến những năm đầu thế kỷ 20, người Scotland mới sáng tạo ra kỹ thuật chuyền bóng. Các HLV Scotland đã phổ biến bóng đá ra Trung Âu trong những năm 1920, tạo ra một đội tuyển Áo huyền thoại với trung phong Matthias Sindelar, “Mozart của bóng đá”, một mẫu “số 9 ảo” thường lùi sâu để tìm bóng (theo kiểu Messi hoặc Rooney ngày nay). Sau đó là sự bùng phát của bóng đá Hungary, với thủ lĩnh huyền thoại Ferenc Puskas, đã đánh bại tuyển Anh 6-3 ngay tại Wembley năm 1953 trong trận đấu mà “số 9 ảo” Sandor Hidegkuti lập hat-trick. Thất bại ấy đã khiến người Anh thức tỉnh, họ nhận ra mình đã tụt hậu rất xa so với mặt bằng chung của bóng đá thế giới.

Người Anh có công sinh thành, nhưng không có công nuôi dưỡng

Bức vẽ mô tả lại trận đấu quốc tế đầu tiên trong lịch sử bóng đá Thế giới, giữa đội tuyển Anh (áo sáng) và đội tuyển Scotland vào ngày 30/11/1872- Ảnh Internet

Đế chế bóng đá Brazil bắt đầu với các nghệ sĩ Garrincha, Vava, Pele, những người đã vô địch World Cup 1958 bằng một thứ bóng đá tấn công đẹp mắt. Nhưng người Brazil phải hàm ơn Bela Guttman, HLV gạo cội người Hungary gốc Do Thái, người đã đi khắp thế giới, trong đó có Brazil để truyền bá triết lý bóng đá của mình.

Người Hà Lan sáng tạo ra bóng đá tổng lực vào thập niên 1970, với nền tảng là sự di chuyển linh hoạt và những đường chuyền một chạm, đã giúp họ vào đến chung kết World Cup 1974 và 1978. Rinus Michels, cha đẻ của bóng đá tổng lực đến Barcelona, là người đặt nền tảng cho các học viện bóng đá trứ danh của Ajax và Barca. Johan Cruyff, học trò ưu tú của Rinus Michels phát triển triết lý của thầy và mang đến rất nhiều thành tựu từ tư duy bóng đá “tự cung tự cấp”. Tiqui-taca, phong cách bóng đá mới ra đời giúp Barca giành 4 chức vô địch châu Âu, còn đội tuyển TBN vô địch EURO và World Cup.

Nhìn tổng thể sự phát triển của bóng đá thế giới để thấy rằng, người Anh đặt nền tảng cho bóng đá ra đời nhưng họ hầu như không để lại dấu ấn trong suốt quá trình tiến hóa 100 năm sau đó của môn thể thao vua. Người Anh vẫn sở hữu giải đấu hấp dẫn nhất thế giới nhưng cơ sở của nó lại là những ngôi sao và những HLV ngoại. Và việc người Anh phải thuê thầy ngoại cho đội tuyển của mình (điều rất hiếm gặp ở những đội tuyển lớn) cho thấy xu hướng “bắt chước” các phong cách bóng đá tiên tiến hơn. FA muốn “đi tắt đón đầu” để mau chóng rút ngắn khoảng cách với những nền bóng đá hàng đầu, nhưng họ thất bại và phải quay về với một người Anh thủ cựu. Hodgson vẫn chưa chính thức dẫn dắt tuyển Anh, nhưng khả năng thành công tới đâu thì đã có thể tiên đoán được.

Không biết thế giới đã “ăn cắp” bóng đá của người Anh, hay chính người Anh đang “vay mượn” những thành tựu của bóng đá thế giới?

Sống dựa vào người Scotland

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, người Anh đã phải dựa vào người Scotland để phát triển môn thể thao mà họ luôn tự nhận là sản phẩm của mình. Liverpool sở dĩ trở thành đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh là bởi họ có những cầu thủ và HLV người Scotland. Bắt đầu từ Matt McQueen những năm 1920, tới Bill Shankly huyền thoại, Graeme Souness và nay là Kenny Dalglish. M.U, một đội bóng lớn khác của nước Anh, đã đạt được tầm vóc hiện nay nhờ vào 2 HLV vĩ đại Matt Busby và Alex Ferguson, những người đã có tổng cộng hơn 50 năm dẫn dắt CLB. Trước đó là các đời HLV Jack Robson, John Chapman và Scott Duncan… Ở Premier League hiện nay có đến 6 HLV Scotland, trong khi chỉ có 4 là người Anh. Premier League đã ra đời và trở thành giải đấu thống trị nhưng những người để lại dấu ấn đậm nét nhất trong 20 năm phát triển của nó đều là người ngoại quốc: Alex Ferguson, Arsene Wenger, Eric Cantona, Thierry Henry…

Con số

30 Người Anh phải đợi 30 năm kể từ ngày World Cup ra đời để vô địch thế giới. Đó là chức vô địch World Cup 1966 ngay trên sân nhà Wembley.

46 46 năm sau World Cup 1966, Anh vẫn chưa vô địch thêm một lần nào nữa, thậm chí không vào nổi chung kết. Thành tích tốt nhất của họ là lọt vào bán kết ở Italia 1990.

0 Đội tuyển Anh chưa từng lọt vào chung kết EURO, họ chỉ 2 lần vào đến bán kết các năm 1968, 1996

Hoài Trinh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục