Khi “lính đánh thuê” Đồng Tháp trở về

19:29 Chủ nhật 09/02/2014

Hơn mười cầu thủ gốc Đồng Tháp sau khi đi “đánh thuê” đã trở về mái nhà xưa, trong đó có tám cầu thủ tên tuổi như Văn Ngân, Châu Phong Hòa, Được Em, Duy Khanh, Nguyễn Văn Bước, Hồ Phước Thạnh, Trần Minh Lợi, Minh Hưng.

Các cầu thủ Đồng Tháp trên sân tập. Ảnh: V.T

Mồng 5 tết, đội Tập Đoàn Cao Su Đồng Tháp (TĐCSĐT) tập luyện trở lại với cường độ hai buổi/ngày để chuẩn bị cho Giải hạng nhất sẽ khởi tranh từ tháng 3 tới. Hầu như buổi tập nào giám đốc điều hành CLB Lê Ngọc Chức cũng có mặt. Ông Chức nói: “Năm nay vừa có thêm mấy đứa con Đồng Tháp xa xứ trở về nên tôi thấy rất vui, lúc nào cũng muốn đến sân xem các em tập. Nói thật tôi cũng đang mơ ngày CLB trở lại V-League”.

Không đâu bằng quê hương

Ông Lê Ngọc Chức nói: “Dù là đội bóng hàng đầu khu vực ĐBSCL nhưng TĐCSĐT lại là đội bóng có “sổ hộ nghèo”, luôn phải gói ghém từng đồng từng cắc. Vì không có khả năng đáp ứng yêu cầu tiền “lót tay” cho cầu thủ nên CLB đành ngậm ngùi nhìn những đứa con cưng mà mình dày công đào tạo cả chục năm trời ra đi. Tính ra, số cầu thủ giỏi rời TĐCSĐT trong khoảng ba mùa giải qua đã... hơn một đội hình chính. “Chảy máu” cầu thủ trầm trọng, sức mạnh của đội suy giảm và cuối mùa giải 2012 CLB TĐCSĐT bị rớt xuống Giải hạng nhất”.

Trên sân tập, tiền vệ Duy Khanh thú nhận sở dĩ chia tay Đồng Tháp năm 2011 là vì tiền. Anh giải thích: “Cuộc đời cầu thủ ngắn ngủi nên khi có cơ hội đầu quân cho đội khác có thu nhập cao hơn để tích lũy cho tương lai thì tôi nắm bắt, dù biết rằng khi mình và các cầu thủ khác ra đi thì CLB gặp rất nhiều khó khăn”.

Nhưng khi rời Đồng Tháp họ mới nhận ra ý nghĩa của hai chữ “quê hương”. Duy Khanh nói: “Có những nơi tiền lót tay, lương thưởng cao thật nhưng lại thiếu sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau như ở CLB Đồng Tháp. Khán giả cũng lèo tèo, đá không sung. Nếu thắng thì niềm vui chỉ là một, thua cũng vậy, cầu thủ chỉ buồn chút xíu rồi thôi. Còn khi khoác áo TĐCSĐT cảm giác hạnh phúc tăng lên gấp ngàn lần, khi đá thua, ra ngoài cảm thấy mắc cỡ, thấy có lỗi với người dân ở đây”.

Tình yêu bóng đá “độc” và “lạ” của người dân Đồng Tháp

Trong năm 2013 và 2014 TĐCSĐT đã đón tám “lính đánh thuê” đoàn tụ tại “chảo lửa” Cao Lãnh. Làn sóng hồi hương bắt đầu khi Văn Ngân chia tay Hải Phòng về khoác áo Đồng Tháp mùa giải 2013. Cũng trong năm đó, Được Em và Duy Khanh từ Sài Gòn xin về quê sau khi CLB Navibank Sài Gòn giải thể. Nghe vậy, Minh Hưng từ Bình Định cũng xếp hành lý đón xe về Cao Lãnh. Đến cuối năm 2013 thì Phước Thạnh (Bình Định), Châu Phong Hòa (Cảnh Sát Hoàng Gia Campuchia), Văn Bước (Cần Thơ), Trần Minh Lợi (Quảng Nam) đồng loạt xin trở về khoác áo TĐCSĐT.

Ông Lê Ngọc Chức cho biết: “Khi trở về, các cầu thủ chỉ cần thu nhập tương đối đủ nuôi sống gia đình và được đá bóng trong không khí khán đài luôn rực lửa. Năm 2013 CLB TĐCSĐT có hỗ trợ tiền lót tay tượng trưng cho bốn cầu thủ nhưng cuối năm 2013 khi bốn cầu thủ khác xin về thì lãnh đạo CLB nói thẳng là cho tham gia tập luyện, nếu đạt yêu cầu của HLV trưởng thì sẽ tiếp nhận nhưng không có tiền lót tay”.

Từ lứa cầu thủ đàn anh ở TĐCSĐT trước đây như Trần Công Minh, Tấn Thành, Công Nhậm... đến lứa Văn Ngân, Duy Khanh hiện nay hẳn không quên tình yêu bóng đá rất “độc” và “lạ” của người dân Đồng Tháp. Họ đến sân chỉ vì muốn xem những đứa trẻ quê ở đất sen hồng đá bóng vô tư, máu lửa, trung thực. Thắng cũng được, thua cũng chẳng sao nhưng phải đá hết mình, đá thật, không chịu xìu xìu...

Cũng vì trước đây Đồng Tháp đá đẹp nên sân Cao Lãnh lúc nào cũng rực sắc áo vàng của CĐV. Nhiều người bán lúa lấy tiền mua vé vào sân, có người mượn xuồng đi xem đá banh buổi chiều, tối về trả. Các cầu thủ Đồng Tháp được dân coi như con cháu trong nhà. Gặp thì gọi vào uống cà phê, gặp ở chợ thì có thể được bác bán rau kêu lại khen một câu: “Hôm qua con đá hay lắm. Trận tới đá hay hơn nữa nghen!”. Hoặc sẽ bị một chú bán tạp hóa trách nhẹ nhàng: “Hôm qua chú đóng cửa tiệm đi coi các cháu đá, tiếc là không thắng. Trận sau phải thắng nha con!”.

Nhưng khán giả Đồng Tháp không hài lòng khi phải xem đội bóng con cưng của mình đá kiểu “có mùi”. Bằng chứng, năm 2010 TĐCSĐT thua Đồng Tâm Long An ngay trên sân nhà đã khiến khán giả phẫn nộ vì cho rằng cầu thủ đá “giả”. Khi đó cả đội bóng phải xin lỗi khán giả. Rồi người thân của các cầu thủ phải xin lỗi và năn nỉ khán giả đừng quay lưng với đội bóng. Sau đó khi thấy đội đá tưng bừng, đá cống hiến thì khán giả mới tha thứ và quay trở lại sân đông như trước.

Những câu chuyện, những bài học rất đời ấy được lãnh đạo CLB TĐCSĐT đem ra nhắc đi nhắc lại cho tất cả cầu thủ từ trẻ đến lớn. “Đồng Tháp không có nhiều tiền, nhưng tình thương yêu của người hâm mộ thì lớn vô kể. Cầu thủ khoác chiếc áo TĐCSĐT phải luôn nghĩ rằng cần tập luyện chăm chỉ, ra sân đá hết mình thì khán giả sẽ yêu thương, đùm bọc. Cái đó quý hơn tiền bạc rất nhiều. Dù đá Giải hạng nhất nhưng năm 2013 trung bình có tới 10.000 khán giả/trận trên sân Cao Lãnh, cao nhất trong số các đội hạng nhất” - ông Chức nói.

Sau buổi tập trên sân Cao Lãnh đầu năm mới, HLV trưởng Phạm Công Lộc nói trong niềm vui: “Lực lượng năm nay với Bửu Ngọc, Thanh Hào, Thanh Hiền và tám cầu thủ mới trở về sẽ giúp bộ khung của đội ổn định hơn. Khi có các em về thì khán giả sẽ đến sân cổ vũ đông hơn, tiếp thêm sức mạnh cho đội thi đấu. Hi vọng thành tích của đội mùa giải 2014 này sẽ tốt hơn”.

Việc các cầu thủ quay về phục vụ quê hương khiến nhiều CĐV rất mừng. Trước khi tiếp nhận cầu thủ nào, lãnh đạo CLB cũng đều trao đổi với chúng tôi. Trong tám cầu thủ nói trên, chúng tôi nói thẳng có trăn trở một hai trường hợp với lý do tuổi tác, về đạo đức tác phong. Tuy nhiên cuối cùng cũng ủng hộ tiếp nhận vì trân trọng thành ý phục vụ quê hương của họ.

Trong khi các đội khác lực lượng là dân tứ xứ thì Đồng Tháp vẫn giữ được bản sắc tuyệt đại đa số cầu thủ là người địa phương sẽ đoàn kết hơn. Chúng tôi mong muốn em nào được nhận về thì nỗ lực tối đa trong tập luyện và rèn luyện đạo đức để lấy lại lòng tin của CĐV tỉnh nhà.

Ông Phan Phong Tân (phụ trách CLB Cổ động viên Đồng Tháp)
Vân Trường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục