HLV Vũ Quang Bảo – Người hùng đưa QNK Quảng Nam lên V-League: Kẻ lang bạt mát tay

16:38 Thứ hai 01/07/2013

Bóng đá Quảng Nam vừa viết nên trang sử mới khi giành quyền thăng hạng trước 1 vòng đấu. Ghi dấu ấn trong chiến tích ấy là người đàn ông 58 tuổi Vũ Quang Bảo.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi




Khởi điểm như mơ cùng đội bóng áo lính

Ông Vũ Quang Bảo là người Nghĩa Đàn, Nghệ An và sự nghiệp cầu thủ không có nhiều nổi bật. Tuy nhiên, sau khi khởi nghiệp HLV với đội bóng áo lính Quân khu 4 (QK4) vào năm 2002, ông được xem là một vị HLV mát tay bậc nhất bóng đá Việt Nam.

Trong khoảng thời gian nắm QK4, ông Bảo là người tận tuỵ với công việc, ngược Bắc xuôi Nam tìm nguồn cầu thủ về với đội. Ông cũng thấu hiểu được sự thiếu thốn của các cầu thủ áo lính và biết cách làm tâm lý để họ vượt qua khó khăn, đá hết mình.


Thời gian đầu, QK4 chỉ thi đấu ở hạng dưới và không có tham vọng lên chuyên. Song sau này, khi bóng đá chuyên nghiệp phát triển mạnh, QK4 cũng đi vào quỹ đạo ấy. Và khi được đầu tư mạnh, đội bóng áo lính nhanh chóng thi đấu như lên đồng và ông Bảo đưa đứa con tinh thần của mình lên V-League sau khi mùa giải 2008 khép lại.

Là tân binh của V-League 2009 nhưng các chàng trai áo lính đã thi đấu rất ấn tượng, như một chú ngựa ô của giải để rồi trụ hạng thành công trong sự thán phục của tất cả. Đáng tiếc, trong hoàn cảnh các đội bóng Việt Nam được đầu tư mạnh, các ông bầu bạo chi thì QK4 là đội bóng nhà nghèo nên không thể “đua” nổi và họ phải chuyển “hộ khẩu” vào TP.HCM với tên gọi mới, đó là Navibank Sài Gòn. Việc xoá bỏ cái tên QK4 là chuyện chẳng đặng đừng, thầy trò ông Bảo đành chấp nhận chia tay xứ Nghệ để vào Sài thành.

Khi không còn mang tên áo lính, Navibank Sài Gòn cũng bị cuốn theo vòng xoáy của những sự ganh đua trong và ngoài sân cỏ. Cầu thủ đá bóng vì tiền nhiều hơn vì tình. Ông Bảo chịu sự chi phối từ nhiều cấp bậc và ông không thể chịu nổi nhiệt nên đành phải chia tay đội bóng sau nhiều áp lực vào cuối năm 2010.

“Tôi gắn bó với QK4 từ ngày khai sinh, tôi xem nó như đứa con tinh thần của mình. Bây giờ dù là Navibank Sài Gòn nhưng cũng chính là QK4 nên chia tay đội bóng là chia tay đứa con của tôi. Tôi buồn lắm nhưng bóng đá là thế, trái bóng chuyên nghiệp cũng như trái bóng cuộc đời vậy, đành chấp nhận cuộc chơi”, vị thuyền trưởng sinh năm 1955 cay đắng thốt lên khi phải khăn gói ra đi.

Kẻ lận đận mát tay

Rời Navibank Sài Gòn, ông Bảo lại tiếp tục xuôi về miền sông nước Cần Thơ để lèo lái đội bóng này ở mùa giải 2010. Nhưng không đâu như ở mái nhà QK4, nơi ông đã gắn bó máu thịt và được quyết định nhiều việc. Tại Cần Thơ, miền đất lành ít dữ nhiều đối với nhiều đời HLV thì ông Bảo “khoằm” cũng không phải là ngoại lệ. Thuyền trưởng quê Nghệ An ra đi chỉ sau gần một mùa dù đã có ít nhiều thay đổi bóng đá nơi đây về tư tưởng và cách làm bóng đá.

Chia tay mảnh đất Tây Đô, ông Bảo đã tính đến chuyện “gác kiếm” để về ở ẩn với gia đình, vợ con. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành bởi với ông "bóng đá đã ngấm vào máu thịt, không dễ gì từ bỏ nó được. Dù gia đình cũng cần mình nhưng vẫn mong muốn được ra sân, được làm công việc yêu thích của mình”. Thế rồi ông lại vác ba lô ngược lên cao nguyên Langbiang Đà Lạt cầm đội bóng Lâm Đồng. Là đội bóng tân binh giải hạng Nhất 2011, lại nghèo tới độ phải thi đấu trên sân cỏ nhân tạo của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nhưng với một ông thầy mát tay, Lâm Đồng thi đấu bùng nổ, trở thành một kẻ ngổ ngáo để rồi trụ hạng ở vị trí cao.


Đáng tiếc, trong thời buổi suy thoái kinh tế, CLB xứ ngàn hoa phải chung số phận với nhiều đội bóng nhà nghèo khác, bị xoá sổ vì thiếu kinh phí. Ông Bảo lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhưng đó cũng là thời gian thất nghiệp tạm thời bởi chỉ ít tháng sau, ông được lãnh đạo đội bóng Quảng Nam mời về với nhiệm vụ phải đưa đội bóng này lên hạng (khi đó đội bóng đóng quân ở Tân Kỳ mới chỉ có được 8 điểm sau 6 vòng đấu). Là một người mát tay lại kinh qua nhiều đội bóng, ông Bảo về xứ Quảng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa đội bóng QNK Quảng Nam lên hạng trước 1 vòng đấu. Thứ Bảy vừa qua, ông được công kênh và tung hô như một người hùng của bóng đá Quảng Nam.

Có một “thầy Bảo” giỏi làm thơ

Là một người xuất thân từ nông thôn nên ông Bảo thấu hiểu được những cái khổ của con người, của những cầu thủ ít sao số. Vì thế mà ông sống rất tình cảm, được các cầu thủ yêu mến. Chính những Đình Luật, Văn Hưởng, Hải Anh, Ngọc Tân… là những viên ngọc thô được ông mài giũa để sau này nổi danh.

“HLV Bảo luôn được mọi người gọi bằng thầy. Thầy ở đây không chỉ là người nắm quyền huấn luyện mà thầy bảo còn chỉ cho chúng tôi những điều trong cuộc sống, dạy chúng tôi thế nào là ứng xử, là biết trận trọng cái nghề và phải yêu nghề như thế nào cho đúng. Vì thế, chúng tôi rất trân trọng thầy Bảo”, một học trò cũ của HLV Vũ Quang Bảo tâm sự. Chính vì huấn luyện cầu thủ theo cái tâm và cái tình nên ông Bảo rất giỏi quy nạp các học trò của mình để họ từ đó ra sân luôn ý thức được phải đá với 200% vì “thầy”.

Ngoài bóng đá, ông Bảo cũng là một người rất giỏi về thơ văn. Chính vì thế mà ngày rời Lâm Đồng, ông tâm sự rằng: “Tuổi này có lẽ nên dừng bước ‘giang hồ’ để về với vợ và làm thơ thi thoảng ngâm cho vui”. Nhưng rồi, ông cũng không thể thực hiện được kế hoạch về với vợ mà lại ra sân “ngâm thơ” bóng đá. Bây giờ thì Quảng Nam đã lên hạng và mùa tới, người ta lại thấy ông Bảo xuất hiện ở V-League.

Ông Bảo có con trai Vũ Quang Thông cũng theo nghiệp bố làm cầu thủ. Thông “Bảo” cũng lận đận không kém người cha khi lang bạt từ Ngân hàng Đông Á rồi đến Khánh Hòa, Trẻ Hà Nội, Than Quảng Ninh… Ông Bảo từng khuyên con nên chăm chú học hành để kiếm cái nghề chứ theo nghề bóng đá bạc lắm. Tuy nhiên, máu của cha đã ngấm vào con nên mai mốt sẽ lại có một Thông “Bảo” cầm sa bàn.
Quý Trần | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục