Giấc mơ của người Thái

09:30 Thứ năm 15/10/2015

(TinTheThao.com.vn) - Cách đây một năm, khi lứa cầu thủ U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ thuộc học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal-JMG thi đấu thăng hoa tại giải U19 Đông Nam Á, trong số hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà, không ít người lãng mạn đã mơ tới một suất tham gia World Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam.

Thậm chí lúc ấy, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch VFF cũng đã nói tới cơ hội biến giấc mơ World Cup cùng lứa cầu thủ “con cưng” của bầu Đức. Tuy nhiên, giữa giấc mơ và thực tế nhiều khi là một khoảng cách không dễ khỏa lấp. Sau trận thua toàn diện với cách biệt 3 bàn trước Thái Lan trên sân Mỹ Đình, cánh cửa đi tiếp của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World cup 2018 gần như đã khép lại.

ĐT Thái Lan thể hiện đẳng cấp vượt tầm Đông Nam Á khi giành chiến thắng 3-0 trước Việt Nam ngay tại sân Mỹ Đình. Ảnh: Nhật Minh.

Trong khi đó, sau chiến thắng giòn dã trước đoàn quân của ông Miura, Thái Lan đang được 10 điểm, dẫn đầu bảng F với cách biệt 5 điểm so với đội nhì bảng Iraq, đồng nghĩa với nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ World cup của người Thái không còn quá xa vời.

Khi giấc mơ không còn quá xa vời

Những người trực tiếp tới sân Mỹ Đình cũng như xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan qua sóng truyền hình có thể dễ dàng nhìn thấy tấm băng rôn với dòng chữ nổi bật được treo nơi khán đài cổ vũ của gần 2000 cổ động viên Thái Lan: World Cup isn’t dream (World Cup không còn là giấc mơ). Nhìn cách người Thái nhập cuộc trong các trận đấu với từng đối thủ ở vòng loại bảng F có thể thấy, họ đã có sự chuẩn bị rất có chiều sâu, tập trung giải quyết từng trận đấu với kết quả tốt nhất có thể để nhằm hướng tới mục tiêu đã được đặt ra từ trước.

Giấc mơ được góp mặt tại VCK World Cup 2018 của thầy trò HLV Kiatisak là hoàn toàn khả thi. Ảnh: Nhật Minh.

Những diễn biến trên sân Mỹ Đình tối 13/10 đã chứng tỏ câu khẩu hiệu trong tấm băng rôn không phải là những lời sáo rỗng, hô hào suông. Dù phải thi đấu trên “chảo lửa” Mỹ Đình nhưng các cầu thủ Thái Lan vẫn nhập cuộc tự tin và rất tập trung. Với khả năng kiểm soát bóng tốt, cơ động giữa các tuyến, phối hợp nhuyễn, điều tiết và làm chủ nhịp độ trận đấu, các cầu thủ Thái Lan đã không chỉ thành công trong việc làm giảm “nhiệt” hưng phấn của các cầu thủ Việt Nam mà còn tạo ra nhiều cơ hội dứt điểm nguy hiểm.

Trong buổi họp báo sau trận đấu, huấn luyện viên Kiatisak của đội tuyển Thái Lan đã tự tin khẳng định trước truyền thông: “Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là đội bóng số 1.” Đó là lời khẳng định có cơ sở bởi thực tế, đội tuyển Thái Lan là đội bóng có thực lực và đẳng cấp hơn hẳn so với các đội bóng khác trong khu vực. Để đạt được địa vi thống trị bóng đá Đông Nam Á trong một thời gian dài, người Thái đã có cách làm bóng đá chuyên nghiệp, bài bản, bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng giải vô địch Quốc gia đến việc quan tâm, chăm lo đào tạo các đội tuyển trẻ.

Trông người mà ngẫm đến ta

Trở lại với trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan, có thể nhận thấy, đội chủ nhà đã có trận thua tâm phục, toàn diện trước đối thủ vượt trội về nhiều mặt. Đã có nhiều ý kiến phân tích, mổ xẻ của các chuyên gia và người hâm mộ về nguyên nhân dẫn tới thất bại cay đắng này. Ngoài vấn đề về thể lực và năng lực chuyên môn thì việc điều chỉnh chiến thuật và sử dụng nhân lực chưa hợp lý có thể xem là những nguyên nhân chính dẫn tới thất bại.

Khoảng cách về đẳng cấp giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan ngày càng xa. Ảnh: Nhật Minh.

Sức mạnh gữa Thái Lan và Iraq là ngang ngửa. Đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu khá hay trước Iraq mấy ngày trước nhưng đã không còn là chính mình trong cuộc đối đầu với Thái Lan khi trong đội hình có quá nhiều sự thay đổi, xáo trộn. Không ít người đã đặt câu hỏi: Vì sao HLV Miura không sử dụng bộ khung đội hình đã ra sân trong trận đấu với Iraq mà mạo hiểm thay đổi trong một trận đấu quan trọng để rồi phải nhận lấy thất bại?

Đáng nói là, dưới thời của vị HLV người Nhật, đội tuyển Việt Nam cũng đã từng phải nhận thất bại ở một số giải đấu trước đó khi HLV “mạnh dạn” thử nghiệm đội hình. Ngoài vấn đề về chuyên môn, kỹ, chiến thuật thì vấn đề tâm lý tiếp tục là diểm yếu cố hữu của đội tuyển Việt Nam. Thi đấu với một đối thủ nhiều duyên nợ trong một trận cầu quan trọng, các cầu thủ Việt Nam đã vào cuộc với tâm lý có phần căng cứng, nôn nóng, đặc biệt là khi phải nhận bàn thua ngay ở phút thứ 19.

Trong khi Thái Lan đã “no nê’ với những chức vô địch trong khu vực Đông Nam Á ở cấp độ đội tuyển Quốc gia cũng như các đội trẻ thì đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ một lần nâng cao chiếc cúp vô địch Đông Nam Á, còn đội U23 chưa một lần chạm tay vào chiếc HCV ở đấu trường SEA Games. Chứng kiến những thất bại liên tiếp của bóng đá Việt Nam trước các đội bóng của Thái Lan thời gian qua, nhiều người lại nghĩ tới câu nói “để đời” của HLV Alfred Riedl năm nào: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc.”

(Bạn đọc: Bùi Minh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

09:11 15/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục