Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Không có gan thử thách, đừng mơ mộng thành công

23:43 Thứ sáu 28/06/2019

TinTheThao.com.vnBóng đá Việt Nam ngày càng có nhiều cầu thủ xuất ngoại và vì sao vẫn chưa gặt hái thành công?

Những người mở đường

Trong lịch sử bóng đá nước nhà, tiền đạo Lê Huỳnh Đức (Công an TP.HCM) được xem là cầu thủ Việt Nam đầu tiên mang chuông đi đấm xứ người khi sang Trung Quốc thi đấu cho Lifan Chongping theo dạng trao đổi cầu thủ. Sau đó là các trường hợp trung vệ Lương Trung Tuấn sang Thai-Port, cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại Thai-League, Nguyễn Việt Thắng sang Porto B, Lê Công Vinh chơi bóng ở Nhật Bản rồi Bồ Đào Nha...

Thời gian gần đây, HAGL là câu lạc bộ tiên phong trong việc đưa lứa cầu thủ lò JMG sang thử sức tại J-League, K-League, Thai-League. Có thể kể một vài cái tên tiêu biểu như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Hữu Anh Tài. Đừng vội kết luận cầu thủ Việt Nam thành công hay thất bại mà trước hết hãy nhìn nhận vai trò của những người mở đường.

 - Bóng Đá

 Công Phượng và Xuân Trường vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi sau các lần xuất ngoại.

Có thể nói xuất khẩu cầu thủ thất bại là điều bình thường, bởi bóng đá Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với trình độ châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự tiên phong, mạnh dạn bơi ra biển lớn như Lê Huỳnh Đức, Trung  Tuấn, Công Vinh... rồi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Lâm... là điều đáng trân trọng. Nên nhớ chưa gặt hái thành công như mong đợi cũng  không có nghĩa là không bao giờ thành công. Nhờ những người mở đường này, các cầu thủ xuất ngoại sau này sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, tránh được những vết xe đổ.

Khi nào cầu thủ Việt Nam gây tiếng vang tại trời Âu?

Suy cho cùng xuất khẩu cầu thủ là một quá trình, chặng đường dài. Bóng đá Việt Nam trên bình diện châu Á vẫn chưa là gì so với Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng ta đang đi những bước đầu tiên trên chặng đường thành công. Nên nhớ những nền bóng đá hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản phải mất một chặng đường dài mới có được thành quả như hiện nay. Để có được kết quả này, họ đánh đổi và trả giá bằng hàng loạt thất bại trong vài thập kỷ. Cầu thủ Việt Nam hãy xem đó là tấm gương để phấn đấu, kiên định với mục tiêu xuất ngoại tại châu Âu.

 - Bóng Đá

 Chỉ có thủ môn Đặng Văn Lâm là chiếm vị trí chính thức trong màu áo Muangthong United tại Thai-League.

Sắp tới Nguyễn Công Phượng sang Pháp thử việc và nhiều cầu thủ Việt Nam cũng sẽ tìm đường xuất ngoại. Chắc chắn cầu thủ Việt Nam trong tương lai sẽ nhiều cơ hội trở thành Park Ji Sung, Song Heung-min mới nếu dám dấn thân, chấp nhận đánh đổi và trả giá. Sau tất cả, thành công vẫn ở thì tương lai nhưng có một điều chắc chắn, đó là để có được 1 vị trí chính thức tại J-League, K-League hay các giải vô địch quốc gia tại châu Âu không phải là điều đơn giản đối với cầu thủ Việt Nam.

Bóng đá chuyên nghiệp thời đại kim tiền có sự cạnh tranh, đào thải rất khốc liệt. Và muốn thành công chỉ có cách duy nhất là dũng cảm đối mặt và vượt qua nó. Câu chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này.

Gia Minh | 23:15 28/06/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục