Arsene Wenger và Chàng Hiệp Sĩ Cối Xay Gió

22:43 Thứ sáu 20/10/2017

TinTheThao.com.vnBạn biết tác phẩm Don Quixote - Chàng Hiệp Sĩ Cối Xay Gió chứ? Đó là một trong những tác phẩm kinh điển nhất trong kho tàng văn học thế giới. Trong cuốn sách trên nhân vật chính đã làm nên một chuyện điên rồ là đánh nhau với cối xay gió vì nghĩ đấy là những kẻ khổng lồ gian ác. Khát vọng tuy tốt đẹp nhưng đầu óc hoang tưởng kia làm cho tâm trí chàng hiệp sĩ sai lệch và trở nên hão huyền.

Đó cũng là câu chuyện làm người viết nhớ đến “chàng hiệp sĩ” Arsene Wenger thời đương đại. Bạn thử hình dung xem một đội bóng chẳng thích chi tiền như Arsenal, với khoản đầu tư ít ỏi vào thị trường chuyển nhượng, làm sao có thể chiến thắng trong một thời đại bóng đá mà sức mạnh của tiền chi phối quá lớn? Phải nhấn mạnh rằng bóng đá hiện đại còn rất ít chỗ cho những phép màu.

 - Bóng Đá

 Mùa này qua mùa khác vẫn là hình ảnh cũ kỹ, trì trệ, bảo thủ…

Thuờng thì sau mỗi trận thúc thủ nguời ta lại thấy hình ảnh “cúi mặt” thất thần của chiến lược gia nguời Pháp. Giáo sư bàng hoàng, im lặng và gần như “lực bất tòng tâm” trên băng ghế chỉ đạo ngay trong lúc mà lẽ ra ông phải là người đứng ngoài đường pitch để la hét, cổ vũ cũng như truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các học trò.

Những người thích hoài niệm về những điều đã cũ chắc hẳn không thể nào quên được một thuở lẫy lừng của Arsenal trong quá khứ, đó là vào những năm đầu của thế kỷ 21, những chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa 1997/98, 2001/02, 2003/04 là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh của Arsenal dưới bàn tay Wenger.

Đáng tự hào nhất chính là mùa giải “bất bại” thần thánh 2003/04. Khi đó thế hệ Vàng của Wenger gồm những Henry, Patrick Vieira và Dennis Bergkamp,... đã giúp Pháo thủ giơ cao chiếc cúp bạc bằng chuỗi 38 trận bất bại liên tiếp ở Premier League, một chiến tích lịch sử khiến những ông lớn khác ở xứ sở Sương mù phải luôn luôn kính nể.

Quá nhiều thay đổi diễn ra trong ngần ấy năm. Trên bản đồ bóng đá châu Âu PSG, Man City, Tottenham,... bỗng dưng “lột xác” trở thành những “ông kẹ” vì đuợc đầu tư nhiều tiền của. Real Madrid, Barca, Bayern Munich vung tiền mua những chân sút đắt bậc nhất thế giới và họ tiếp tục thống trị ở châu âu, chỉ Arsenal là không có gì thay đổi so với truớc đây, mùa này qua mùa khác vẫn là hình ảnh cũ kỹ, trì trệ, bảo thủ và tất nhiên đa phần là thất bại.

Cách đây vài mùa giải, Pháo thủ còn là một “ông lớn” ở xứ Sương mù và cái tên của họ luôn là nỗi khiếp sợ nhất định trên bản đồ bóng đá thế giới. Trước đây khi thất bại các The Gunner bảo rằng đội bóng con cưng của mình thiếu một chút để thành công, nhưng hiện tại khoảng cách ấy không còn là một chút nữa, giữa Pháo thủ với tầng lớp ưu tú nhất của bóng đá lục địa già như Real Madrid, Barcelona hay Bayern Munich đã lên đến… vài trăm dặm.

Nhìn đội ngũ của Arsenal hiện tại ai dám bảo họ là một kẻ cạnh tranh chức vô địch? Ngay cả những “người trần mắt thịt” không quá am tường về môn thể thao vua cũng dễ dàng thấy rõ. Thử hỏi ai là ngôi sao sáng nhất của Pháo thủ? Ai là chân sút có thể kết liễu mọi đường bóng? Ai là người châm ngòi trong vai trò một chuyên gia kiến thiết, chuyền bóng như đặt đồng đội vào tư thế không thể không ghi bàn? Ai là “tảng đá” cứng cáp hất văng những chân sút thượng thặng của đối phương?…

Và quan trọng nhất, với Wenger, Liệu “não bộ” của ông còn đủ “nhanh nhẹn” như cách đây một thập kỷ, chí ít là để thay đổi tư duy, học hỏi và đón nhận những triết lý bóng đá phù hợp với thời thế? Hay ông vẫn đang sử dụng “công nghệ” lỗi thời của thế kỷ trước trong khi cả thế giới đã thay đổi quá nhiều? 

Như một điều tất yếu của thời thế nếu chúng ta đứng yên thì chắc chắn chúng ta sẽ bị bỏ lại “hít khói” phía sau. Và với Wenger ông chuyển từ trạng thái đón nhận, được nể trọng, được ngưỡng mộ “quá độ” thành một kẻ lạc lõng giữa dòng đời vạn biến - không còn phù hợp với thời thế vì chẳng chịu thay đổi tư duy.

 - Bóng Đá

 Wenger không còn đất “dụng võ” ở môi trường bóng đá đỉnh cao?

Wenger, một cử nhân kinh tế của Đại học Strasbourg, là một “chuyên gia kinh tế” hàng đầu trong làng bóng đá, vào những năm thắt lưng buộc bụng vì khủng hỏang, vì nguồn ngân sách eo hẹp, thậm chí là trống rỗng Wenger vẫn giúp Arsenal đứng vững và thu lãi về tài chính.

Vẫn biết Pháo thủ là một trong số ít đội bóng làm ăn có lãi qua từng năm, song Arsenal tồn tại để kiếm tiền hay để giành danh hiệu với những tham vọng thật sự? Họ là một CLB bóng đá thuần túy hay chỉ là một doanh nghiệp không hơn không kém?

Trong bối cảnh “cái gì không mua được bằng tiền, thì chắc chắn sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” như hiện tại, nếu Wenger và bộ sậu đội chủ sân Emirates vẫn giữ nguyên lập trường cũ kĩ thì rất khó để họ trở lại đỉnh cao như cách “ve sầu thoát xác” nhanh chóng chỉ sau một đêm.

Thành thật mà nói giá trị nhân văn của “ông đồ” Wenger là một di sản bất di bất dịch. Song, người viết, cũng như hầu hết các con chiên ngoan đạo của The Gunner không thể nào chấp nhận được khi những chiếc cúp vô địch đang lẫn tránh Wenger và các học trò.

Chỉ muốn hỏi Wenger, hồn Arsenal ở đâu mất rồi? Hay ông vẫn ảo tuởng như Don Quixote - Chàng Hiệp Sĩ tin vào điều vô tuởng là chiến thắng “gã ác” Cối Xay Gió để rồi đẩy một Arsenal hùng mạnh đi vào “tàn tích” của những giá trị xưa cũ!

(Bạn đọc: Vệ Anh Tiến)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Thể thao Việt Nam | 21:40 20/10/2017
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục