Viết cho U19 Việt Nam - kẻ về nhì vĩ đại

10:56 Thứ hai 15/09/2014

(TinTheThao.com.vn) - Khi trọng tài người Singapore nổi hồi còi mãn cuộc trận chung kết U19 ĐNA giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản là lúc các cầu thủ U19 Việt Nam đổ gục xuống sân, họ khóc như những đứa trẻ chứ không phải là những thanh niên đã trưởng thành.

Trên khán đài, hàng vạn cổ động viên cũng rơi lệ theo, khó có một đội bóng nào đã mang lại cảm xúc lớn lao đến cho người hâm mộ đến như vậy. Có lẽ từ rất lâu rồi, kể từ cái lưng của Sasi Kumar trong trận chung kết Tiger Cup 98 hay cái đầu vàng của Lê Công Vinh trong trận chung kết AFF Suzuki Cup 2008, người hâm mộ mới sống trong cái cảm xúc dạt dào về bóng đá đến như vậy.

Còn đối với các cầu thủ U19 Việt Nam, đây là trận chung kết thứ 3 trong năm họ lỡ hẹn với chức vô địch, họ khao khát một chiến thắng, 01 cái Cup để khẳng định chính mình và làm quà cho người hâm mộ, những người đã theo họ suốt những chăn đường kể từ khi những đôi chân trần cho đến ngày hôm nay. Buồn lắm chứ, cầu thủ buồn, cổ động viên buồn nhưng biết làm sao được. Bóng đá là thế, cứ không phải đội hay hơn là đội vô địch nhưng lịch sử bao giờ cũng chỉ nhớ và ghi tên những nhà vô địch.

1. Tại sao U19 Việt Nam luôn thất bại trong những trận chung kết?

Ông bà ta thường nói: quá tam ba bận nhưng dường như đối với U19 Việt Nam, con số đó chắc phải nhiều hơn. Để vô địch, ngoài các yếu tố về chuyên môn, con người, thì may mắn cũng là một yếu tố. Cảm giác U19 Việt Nam luôn thiếu một cái gì đó gọi là may mắn hay bản lĩnh để vô địch. Giống như các đội tuyển Việt Nam do HLV Alfred Riedl dẫn dắt trước đây.

Các cầu thủ U19 Việt Nam gục ngã sau thất bại đầy tiếc nuối trước U19 Nhật Bản tại trận chung kết giải U19 ĐNÁ. Ảnh: Internet

Xét về cấp độ các đội tuyển Việt Nam qua các thời kỳ, có lẽ U19 Việt Nam với nòng cốt là các học viên của học viện bóng đá HAGL - JMG ARSENAL là đội tuyển có trình độ chuyên môn, mặt bằng kỹ thuật đồng đều nhất. Một đội tuyển có thể chơi song phẳng với các đội tuyển có nền bóng đá tiên tiến trong châu lục và thế giới. Hãy nhìn qua 02 đối thủ mà U19 Việt Nam đã đối đầu trong trong giải bóng đá U19 ĐNA vừa qua. Nhật Bản và Australia đều là những đội tuyển hàng đầu của Châu lục, đã rất nhiều lần tham dự World Cup, đã nhiều lần vô địch Châu Á. Cầu thủ của họ đã là trụ cột của nhiều CLB hàng đầu thế giới, phát triển về bóng đá đỉnh cao của họ đã đi trước chúng ta rất rất nhiều năm.

Còn chúng ta có gì ngoài một V-league èo uột với mỗi năm hàng loạt các đội bóng chỉ thành lập đá vài mùa rồi giải thể. Một giải trẻ U21 báo Thanh niên mỗi năm đá một lần và các CLB mỗi lần đá phải chạy đôn chạy đáo để vay mượn cầu thủ. Trong bối cảnh đó, học viện bóng đá HAGL - JMG ARSENAL như một sự cứu cánh cho toàn bộ một nền bóng đá rệu rã nước nhà. Một học viện tuy hay nhưng vẫn chưa đủ để đại diện cho một nền bóng đá. Hãy thử xem chỉ có mười mấy em của học viện cộng thêm một vài nhân tố từ các CLB khác cày ải hết giải này qua giải khác mà không có 01 sự bổ sung, nghỉ ngơi, đó không phải là cách làm bóng đá chuyên nghiệp và hiệu quả.

2. Thành quả của khóa đầu của học viện bóng đá HAGL - JMG ARSENAL có hay như mong đợi?

Điều này hoàn toàn có thể khẳng định, chất lượng của học viện là hoàn toàn hơn hẳn các lò đào tạo trong nước kể cả những địa phương có truyền thống đào tạo trẻ tốt như SLNA, Viettel, Đồng Tháp, Đà Nẵng … tuy nhiên lứa đầu tiên của học viện có vẻ như chưa được cân bằng cho lắm. Có cảm giác các cầu thủ được đào tạo đều toàn nghiên về thiên hướng tấn công. Ngoài Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường là các cầu thủ tuyến trên, ngay cả các cầu thủ hậu vệ như Đông Triều, Văn Sơn, Hồng Duy đều có thiên hướng tấn công nốt. Có thể đây là chiến lược trong những năm đầu của học viện vì học viện chỉ chú trọng đào tạo con người chứ không đào tạo đội tuyển.

Khi áp dụng mô hình đó cho U19 Việt Nam, mặc dù có sự bổ sung kịp thời của một số cầu thủ từ các CLB khác nhưng sự mất cân bằng giữa tấn công và phòng thủ đã làm đội tuyển U19 Việt Nam vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tại sao Đông Triều cứ phải là trung vệ khi khả năng bọc lót, cản phá của Triều không tốt và điểm mạnh của em chính là khả năng thu hồi bóng và phát động tấn công? Hãy nhìn trung vệ Bùi Tiến Dũng của Viettel, em chơi cực kỳ chững chạc và tập trung trong trận chung kết với Nhật Bản sau cú vấp tại giải U22 ĐNA tại Brunei. Tại sao Văn Sơn, Hồng Duy không là những tiền vệ biên trong khi những kỹ năng tấn công của các em tốt hơn hẳn khả năng hỗ trợ phòng thủ? Điều này ai cũng biết, cả HLV đội U19 Myanma Gerd Zeise cũng đã phát hiện.

U19 Việt Nam đã trải qua 03 giải đấu lớn cùng cấp độ tuổi và 01 vòng loại giải U19 Châu Á, trải qua các cuộc tập huấn kéo dài hàng tháng trời tại những trung tâm đào tạo bóng đá hàng đầu thế giới nhưng hiệu quả về sự cân bằng đội hình chỉ hạn chế phần nào chứ không khắc phục được. Một đội tuyển mạnh là một đội tuyển phải cân bằng giữa các tuyến và sự đồng đều của các vị trí.

3. Hướng đi nào cho tương lai của học viện bóng đá và đội tuyển U19 Quốc gia?

Nhìn hình ảnh hơn 40 ngàn cổ động viên nhuộm một màu đỏ rực các khán đài sân Mỹ Đình đồng thanh hát Quốc ca, hàng triệu người theo dõi qua màn ảnh nhỏ, các quan chức của chính phủ từ Thủ tướng, phó thủ tướng cho đến các bí thư thành ủy, bộ trưởng ngồi trên khán đài xem một trận cầu ở cấp độ tuyển trẻ mới biết sức sống dành cho bóng đá tại Việt Nam là to lớn đến dường nào.

Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều học viện như HAGL - JMG Arsenal. Ảnh: Internet

Tình yêu bóng đá của người Việt to lớn như bất kỳ các quốc gia nào đam mê môn túc cầu trên thế giới. Còn đối với các quan chức VFF cơ quan quản lý về bóng đá, có lẽ họ cần hoạch định một chiến lược, một tương lai nào đó đối với nền bóng đá đang đi xuống và hiệu ứng được lấy ra từ giải này, từ U19 Việt Nam. Nhưng xem ra, điều đó vẫn chưa sẵn sàng. Có lẽ họ muốn xây dựng U19 thành một thương hiệu, một món hàng để thu về lợi nhuận, tiếng tăm nhiều hơn là các kế hoạch dài hơi để vươn tầm bóng đá Việt.

Mặt bằng của nền bóng đá của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào sự thành công của một học viện với chỉ vài cầu thủ ra lò cho mỗi năm. Các cầu thủ U19 Việt Nam cũng không thể tập trung đá hết giải này, đến giải khác để phục vụ cho nhu cầu xem bóng đá của người hâm mộ. Tương lai của các em phải được đảm bảo bằng nền móng vững chắc tại các giải vô địch quốc gia có thể là Việt Nam hay giải vô địch quốc gia của các nước khác. Muốn như vậy, Việt Nam phải có một giải vô địch quốc gia vững mạnh, ổn định. Nơi mà các tiêu cực cần phải được loại trừ, các hành vi như bỏ giải, giải thể đội bóng của các ông bầu cần phải được chấn chỉnh bằng các hành động cụ thể của VFF. Các giải trẻ phải được tổ chức thường xuyên theo dạng League để tăng cường khả năng cọ xát của các cầu thủ trẻ.

Còn với mô hình đào tạo của học viện HAGL - JMG ARSENAL cần phải được nhân rộng ra cả nước, sự thành công của U19 hay thành quả đào tạo của học viện đã làm tiếng tăm của bầu Đức càng trở nên nổi trội và đem lại cho ông không ít các hiệu quả và lợi nhuận về kinh tế mà một doanh nhân cũng chỉ cần có vậy. Đó là một tầm nhìn chiến lược hơn là cách làm ăn xổi của một số ông bầu trong bóng đá như hiện nay.

Nhìn qua các nước phát triển về bóng đá, các CLB bóng đá cũng là các tập đoàn kinh tế nằm trong tay các ông chủ lớn. Vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp hay các ông bầu bóng đá, VFF chỉ là người định hướng chứ không phải là người đứng ra tổ chức đào tạo. Và đối với hàng triệu con tim người hâm mộ bóng đá Việt Nam hy vọng đây chỉ là sự khởi đầu của một tương lai tươi sáng của nền bóng đá nước nhà chứ không phải là một hiện tượng nhất thời để rồi thời gian xóa nhòa đi tất cả.

(Bạn đọc: Huy Đặng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục