Mỗi tuần một tối kiến: Mở cửa hay không mở cửa?

15:02 Thứ hai 22/07/2013

Nếu hoạt động chuyển nhượng thực sự được phép diễn ra quanh năm như đề xuất của Steve Coppell và Sven-Goran Eriksson, một chút lợi ích nho nhỏ có lẽ không thể bù đắp nổi những tổn thất về chất lượng thi đấu và mức độ cạnh tranh mà nó gây ra.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Bên cạnh những bàn thắng vào phút 90 hay những chiếc Cúp danh giá, thì thị trường chuyển nhượng cũng là một phần không thể thiếu của bóng đá và thu hút được không ít sự quan tâm. Dù cơ chế chuyển nhượng cầu thủ hiện nay (2 kỳ/năm, một kỳ mùa Hè và một kỳ mùa Đông) đã được áp dụng tròn 10 năm, hiển nhiên là nó vẫn không thể làm hài lòng tất cả các thành viên tham gia và việc ai đó đưa ra những đề xuất cải tổ thị trường là điều gần như tất yếu. Đầu năm nay, Chủ tịch UEFA Michel Platini cùng HLV Arsene Wenger từng đề nghị xóa bỏ kỳ chuyển nhượng mùa Đông nhằm “mang lại sự công bằng về mặt tài chính cho tất cả các CLB”. Đó là một quan điểm khá mới mẻ, nhưng xét về độ táo bạo thì nó vẫn chưa thể sánh bằng ý tưởng mà chiến lược gia Steve Coppell (từng dẫn dắt Reading trong 2 mùa bóng ở Premier League, từng giành giải HLV xuất sắc nhất nước Anh 2 lần liên tiếp vào các năm 2006, 2007) mới đưa ra cách đây không lâu. Cụ thể, Coppell cho rằng nên… bỏ luôn các cửa sổ chuyển nhượng, nghĩa là thị trường sẽ mở cửa quanh năm và các đội bóng có thể giao dịch lúc nào tùy thích.

Nếu thị trường mở cửa suốt năm, có lẽ Rooney đã sang Chelsea ngay từ tháng 3/2013 sau khi phải dự bị ở cuộc tiếp đón Real Madrid.

Tất nhiên, ý tưởng của Coppell cũng có những cơ sở nhất định. Hệ thống chuyển nhượng hiện tại giới hạn thời gian mà các CLB được phép mua bán, do đó sẽ gây ra áp lực lớn lên các đội bóng đang “khát cầu thủ” trong những ngày cuối cùng trước khi thị trường đóng cửa, kết quả là giá cầu thủ bị đội lên phi mã. Ví dụ, chỉ trong tháng 1/2011, các CLB ở Premier League đã chi ra tổng cộng 225 triệu bảng (một kỷ lục tính đến nay) cho việc chiêu mộ tân binh, trong đó có những chữ ký siêu đắt giá như Fernando Torres (từ Liverpool sang Chelsea, 50 triệu), Andy Carroll (từ Newcastle sang Liverpool, 35 triệu), Luis Suarez (Ajax sang Liverpool, 23 triệu) hay Edin Dzeko (Wolfsburg sang Man City, 27 triệu). Coppell lập luận rằng, nếu các đội bóng không phải chịu sức ép về thời gian thì họ sẽ có một vị thế đàm phán tốt hơn, qua đó ít bị mua hớ hơn và khiến CLB chịu thiệt hại ít hơn. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của cựu HLV trưởng ĐT Anh Sven-Goran Eriksson, người tin rằng “bản thân sự tồn tại của các kỳ chuyển nhượng đã là một sai lầm” và “mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng cho các CLB cũng như cầu thủ hơn nếu thị trường mở cửa trong cả năm”. Ngoài ra, BTC Football League (hệ thống các giải hạng dưới của Anh, không bao gồm Premiership) cũng mong muốn mở cửa thị trường trong suốt năm để giúp các CLB nhỏ chủ động hơn về mặt tài chính: mỗi khi thiếu tiền mặt, họ có thể ngay lập tức bán đi một vài cầu thủ thay vì phải chờ đợi đến mùa Hè (hoặc Đông) như bây giờ.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đề xuất của Coppell là hoàn toàn không khả thi, không phải chỉ vì BTC Premier League đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ nó. Bởi, hệ thống chuyển nhượng cầu thủ như bây giờ có thể chưa phải là tối ưu, nhưng ít nhất nó cũng là cơ chế ít tồi tệ nhất. Cứ thử tưởng tượng xem, điều gì sẽ xảy ra nếu thị trường mở cửa quanh năm? Đúng là các CLB có thể thoải mái mua sắm cầu thủ, nhưng điều đó cũng có nghĩa là mức độ kết dính trong đội hình sẽ giảm đi. Với 1-2 bản hợp đồng mới mỗi tháng, rất khó để các đội bóng đạt được sự gắn kết trong lối chơi, và hệ quả là chất lượng các trận đấu (nhiều khả năng) sẽ đi xuống đáng kể. Đó là chưa kể đến việc nó sẽ làm suy giảm tính cạnh tranh của giải đấu, với quyền lực tuyệt đối thuộc về các CLB giàu có: Man City hay Chelsea sẽ chẳng cần phải lo lắng đến vấn nạn chấn thương, treo giò và tất nhiên không cần tính tới việc xoay vòng cầu thủ. Mỗi khi có ai đó phải vắng mặt, họ chỉ cần ném vài chục triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng để tìm người lấp chỗ trống là xong. Ngược lại, những đội bóng nhỏ hoặc trung bình sẽ khó mà tập trung thi đấu, bởi họ sẽ phải khổ sở tìm cách giữ chân những ngôi sao của mình trong suốt mùa bóng. Giả sử ngày nào Tottenham cũng phải đối diện với những tin đồn xoay quanh tương lai của Gareth Bale, liệu họ có duy trì được sự tập trung cần thiết cho cuộc đua vào top 4 hay không? Chắc là rất khó…
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục