Thiếu vắng "ngọn cờ đầu"
Vấn đề ở chỗ: Tại sao Italia lại khan hiếm tiền đạo giỏi đến vậy?
Bóng đá xứ Mỳ ống nổi tiếng với trường phái phòng ngự, song không có nghĩa Azzurri thiếu những chân sút giỏi. 10 năm trước, người ta có thể chỉ tên hàng loạt cái tên đẳng cấp như Alex Del Piero, Luca Toni, Filippo Inzaghi. Thấp hơn một chút, Giuseppe Rossi hay Alberto Gilardino đủ khiến các tifosi đỡ tự ti khi nhìn vào danh sách thi đấu.
6 năm sau, Địa Trung Hải sôi sục vì cái tên Mario Balotelli. Không bàn tới câu chuyện ngoài lề, Balotelli đóng góp rất lớn vào ngôi Á quân của Azzurri. Cú đúp vào lưới ĐT Đức cùng pha ăn mừng "ngổ ngáo" của Bad Boy, thật đáng tiếc, lại là dấu ấn cuối của Balotelli trong màu áo quê hương, đồng thời đặt luôn viên gạch đầu cho thời kì khủng hoảng tiền đạo của ĐT Italia.
10 trận vòng loại, Azzurri ghi vỏn vẹn... 16 bàn. Các tiền đạo ghi chưa đến một nửa con số đó, dù Antonio Conte đã trao cơ hội cho 7 cái tên và luôn ra sân với đội ngũ 3 tiền đạo. Ý đồ của cựu HLV Juventus rất rõ ràng: Italia không thể cậy mãi vào hàng thủ đang bị "già hóa". Đội bóng áo Thiên thanh cần phải tấn công và định đoạt như cách của mội ông lớn.
Eder (Inter Milan) hay Insigne (Napoli) chưa đủ chín, El Shaarawy mới lấy lại phong độ, Immobile đã sa sút quá nhiều còn Simone Zaza chỉ là "kép phụ" ở Juventus Arena. Trong bối cảnh đó, Graziano Pelle là hy vọng số 1.
Hy vọng mới
ĐT Italia không lạ lẫm với "đổ bê tông" phòng ngự, nhưng dựng được khối bê tông trong tấn công lại là bài toán khác.
Trong sơ đồ 3-4-3 (biến thể 4-3-3) của Antonio Conte, tiền đạo mũi nhọn không phải điểm đến của mọi đợt tấn công. Azzurri sử dụng cầu thủ cắm như một "bức tường", dội lại các pha lên bóng để tạo điều kiện cho tuyến hai hoặc các tiền đạo cánh có khoảng trống. Để làm được điều này, tiền đạo cắm cần di chuyển linh hoạt, kéo dãn hàng thủ đối phương và sở hữu sức lực "phi thường" để che chắn cho đồng đội.
Mỏ neo được lựa chọn, chính là Graziano Pelle. "Pelle có thể chiến thắng trong mọi pha tranh chấp bằng sức mạnh đáng nể." Ronald Koeman tự hào với cậu học trò ở Southampton. Pelle "hấp dẫn" qua từng con số, với 3.7 lần tranh chấp thành công mỗi trận, thi đấu trọn vẹn 23/30 trận mùa này. Ở tuổi 30, chân sút người Italia vẫn sung mãn với mọi yêu cầu chiến thuật.
Graziano Pelle là trường hợp "chín muộn" hiếm thấy trong giới cầu thủ. Không hiểu bằng cách nào, Pelle lại... giấu tài năng kĩ đến vậy. 8 năm phiêu bạt ở Parma, Sampdoria, Lecce, Cesena, Crotone, AZ Alkmaar, Pelle chỉ "nổ súng" 35 lần (trung bình 4 bàn/ mùa).
Chỉ 2 năm ở Feyernoord, Pelle ghi tới 50 bàn tính riêng tại giải VĐQG Hà Lan.Dù không duy trì phong độ ghi bàn ở Premier League, Pelle vẫn được tin tưởng với 14 bàn cùng 6 kiến tạo mùa này.
Trong màu áo ĐTQG, Pelle không phải cỗ máy săn bàn, song mọi pha lập công của chân sút này đều mang ý nghĩa sống còn. Pelle ghi bàn duy nhất giúp Italia hạ Malta và ấn định tỉ số trong chiến thắng nghẹt thở trước Na Uy. Cần nhớ rằng, Pelle sút tối thiểu, ít nhất trong số các tiền đạo của Azzurri (dưới 2 pha dứt điểm/ trận), nhưng hiệu quả tối đa.
Graziano Pelle đã hi sinh rất nhiều, từ chỗ là điểm đến của mọi đường bóng thuận lợi ở Feyernoord, tiền đạo 30 tuổi trở thành "chim mồi" nâng bước các đồng đội. Dẫu vậy, bản năng săn bàn khiến Pelle vẫn rất lợi hại trong những tình huống dứt điểm, mà cú sút chớp nhoáng vào lưới Scotland (Italia thắng 1-0) là ví dụ điển hình.
"Hãy cho Pelle quả bóng trong vòng cấm, cậu ấy sẽ đặt khung thành của bạn và trạng thái nguy hiểm." Đó là cách nói của Telegraph. Giá trị của Pelle không nằm ở bàn thắng. Conte cần người biết tuân thủ chiến thuật và đa năng như vậy. Không hoa mỹ, cầu kì, chân sút của Southampton sẽ là hạt nhân trong lối chơi tấn công của Azzurri.
Sự tiếc nuối khi Balotelli không được gọi chỉ là cái cớ. Chí ít, ĐT Italia đã có người để đặt niềm tin. Ở tuổi 30, chưa có gì là quá muộn cho Pelle nếu nhìn sang Luca Toni - người chỉ "chịu" tỏa sáng khi ở sườn dốc sự nghiệp. Cánh cửa luôn rộng mở với những người nỗ lực không ngừng, đó là sức mạnh tiềm ẩn khiến Italia không bao giờ bị đánh giá thấp.