Chính sách chuyển nhượng khó hiểu của Man United

14:08 Thứ năm 11/08/2022

Khi lực lượng trong tay Erik ten Hag vẫn còn thiếu và yếu, liệu những bản hợp đồng mang tính “chữa cháy” có thực sự hữu ích cho MU trên chặng đường phía trước?

Không lâu sau thất bại muối mặt của Man United trước Brighton ở trận mở màn, báo chí Anh đồng loạt đưa tin đội chủ sân Old Trafford đang nhắm tới chân sút Marko Arnautovic với mức giá 9 triệu bảng. Thế là một cơn bão tìm kiếm trên mạng xã hội đã nổ ra với từ khóa “Arnautovic” nằm trong top tìm kiếm toàn cầu vào chủ nhật vừa qua.

Chân sút người Áo rời Premier League vào năm 2019 để chuyển tới Trung Quốc chơi bóng nhưng sau đó quay trở lại châu Âu sau màn trình diễn ấn tượng tại EURO 2020. Chẳng ai nghĩ rằng Man United lại công khai quan tâm tới một tiền đạo đã bước sang tuổi 33 và chọn Serie A là điểm dừng chân để duy trì phong độ.

Những tin đồn cũng chỉ tồn tại được hơn 3 ngày trước khi Man United không tiếp tục theo đuổi Arnautovic vì “sự phẫn nộ của các CĐV”. Thế mới thấy chính sách chuyển nhượng của đội bóng đang trong cuộc khủng hoảng tồi tệ như thế nào. Khi thời gian là hữu hạn, Erik ten Hag có lẽ cảm thấy ông còn quá nhiều việc phải làm cả trên sân lẫn sau hậu trường.

Chính sách chuyển nhượng khó hiểu của Man United - Bóng Đá

 Arnautovic từng "gieo sầu" cho Man United khi còn khoác áo West Ham.

Vô phương cứu chữa?

Sau thất bại 0-4 trước Liverpool tại Premier League mùa trước, HLV Ralf Rangnick đã phải thốt lên: “Thực tại ở Man United không quá khó để phân tích. Đối với tôi, Man United cần tới 10 cầu thủ mới trong lực lượng. Trước khi ký hợp đồng với bất kỳ ai, bạn phải cân nhắc xem cầu thủ đó có hợp với lối chơi của toàn đội hay không”.

Đó có lẽ là lời miêu tả chính xác nhất về tình hình nhân sự của “Quỷ đỏ” lúc này. Rangnick cũng từng chỉ trích ban lãnh đạo đội bóng đã chi tới 90 triệu bảng để đem về 3 cầu thủ dự bị là Amad Diallo, Facundo Pellistri và Donny van de Beek. Chiến lược gia người Đức tin rằng số tiền đó đủ để MU đem về 1 hoặc 2 tiền vệ trung tâm hàng đầu lúc này.

Những hứa hẹn về vai trò cố vấn sau khi mãn hạn hợp đồng HLV tạm quyền của Rangnick sớm tan thành mây khói. Ông chuyển sang làm HLV trưởng của ĐT Áo, trao mọi quyền hạn cho Erik ten Hag và chạy trốn khỏi con tàu đắm Old Trafford. Rangnick là chiến lược gia được cả Jurgen Klopp và Thomas Tuchel kính trọng. Với những gì mà HLV người Đức đã phát biểu, liệu Man United lúc này có phải một đội bóng vô phương cứu chữa?

Chưa biết lời dặn dò của Rangnick đã được Ten Hag “khắc cốt ghi tâm” hay chưa. Nhưng có cảm giác như những gì mà tân HLV người Hà Lan thể hiện trên thị trường chuyển nhượng chẳng khá khẩm hơn những người tiền nhiệm.

Frenkie de Jong được Man United theo đuổi đơn phương suốt 2 tháng qua nhưng những gì mà Man United nhận lại chỉ là cái lắc đầu từ tiền vệ người Hà Lan. Mải đắm đuối theo mục tiêu hàng đầu để gia cố hàng tiền vệ, Ten Hag quên mất rằng mùa giải mới đã bắt đầu. Những gì mà Fred và Scott McTominay thể hiện trước Brighton thật khó để các CĐV đội bóng chấp nhận và đến lúc đó, ông thầy người Hà Lan mới biết rằng mọi thứ đã muộn.

Không lâu sau, Adrien Rabiot lại được truyền thông xứ sở sương mù gán với việc được Man United quan tâm. Cái vòng quay luẩn quẩn của việc không mua được người mình muốn, có kết quả tệ và sau đó là những thương vụ “chữa cháy” đã trở nên quá quen thuộc với các CĐV của đội bóng.

Chính sách chuyển nhượng khó hiểu của Man United - Bóng Đá

 Thất bại trước Brighton chỉ ra rất nhiều điều còn thiếu của đội chủ sân Old Trafford.

Thời gian là kẻ thù của Ten Hag

Man United hoàn toàn có thể nhìn sang những đội bóng khác trong nhóm "Big Six" để học hỏi cách chuyển nhượng. Liverpool xử lý chuyện chia tay Sadio Mane bằng cách đem về Luis Diaz từ đầu năm nay và Darwin Nunez vào giữa tháng 6. Man City cần trung phong đích thực và họ sắm ngay Julian Alvarez từ cuối tháng 1 cùng Erling Haaland vào đầu tháng 5. Arsenal bổ sung 4 tân binh không quá tuổi 25 với chiến lược sử dụng lâu dài cũng như dàn quân cho 4 đấu trường mùa này.

Tất cả đội bóng đều đã chốt sổ chuyển nhượng từ sớm và những tân binh đều có thời gian để hòa nhập với CLB mới trước khi mùa giải bắt đầu. Thành quả đến sớm với 3 đội bóng kể trên. Liverpool mang về danh hiệu Community Shield với 2 bàn thắng của tân binh Nunez. Haaland và Alvarez ghi cả 3 bàn thắng của Man City trong những trận chính thức mùa này. Còn Arsenal cũng có khởi đầu thuận lợi với 3 điểm trên sân của Crystal Palace.

Man United lúc này chẳng thể nào mơ tới một viễn cảnh “đầu xuôi đuôi lọt” như những gì mà các CĐV mong muốn. Lực lượng của đội bóng vẫn chưa thể chốt hạ xong, tân binh chưa tới và chiến thuật cũng chưa thành hình. Có thể nói, Erik ten Hag đã thất bại ở kỳ chuyển nhượng mùa hè này.

Thượng tầng đội bóng cần có tiếng nói cùng sự quyết đoán để xoay chuyển tình thế. Nếu coi trận thua trước Brighton như một liều thuốc thử cho thực lực của Man United lúc này, chúng ta có thể thấy đội bóng thiếu một chân sút đẳng cấp và hai tiền vệ trung tâm phù hợp với chiến thuật của Ten Hag.

Chưa tới 3 tuần nữa, thị trường chuyển nhượng hè sẽ đóng cửa và đội chủ sân Old Trafford cần phải loại bỏ ý nghĩ mang về những thương vụ “chữa cháy” cho tương lai gần. Man United không phải là một đội bóng có tiềm lực tài chính yếu kém. Họ cần đem về những cái tên mang tính lâu dài, phục vụ cho đế chế của Ten Hag trong tương lai và dần xây dựng được vị thế tại đội bóng.

Đó là những gì mà người hâm mộ “Quỷ đỏ” mong muốn lúc này. Tuy nhiên trong thời đại mà cái mác “Man United” khiến CLB mua ai cũng bị ép giá, hai chữ “tương lai” có lẽ nên được cất sang một bên. Thời gian không còn ủng hộ Ten Hag và HLV người Hà Lan có lẽ sẽ phải hài lòng với những gì đang giữ trong tay.

Theo Nhật Minh - Zing.vn | 10:00 11/08/2022
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục