Câu chuyện về cầu thủ Việt kiều: Có còn cơ hội chơi cho ĐTQG?

15:04 Thứ hai 28/01/2013

Tinh thần dân tộc là một cái gì đó rất xa xỉ trong bóng đá, đặc biệt là với các cầu thủ có hai dòng máu. Các cầu thủ này có thể sẵn sàng chơi bóng chỉ vì tiền lương khủng. Màu cờ sắc áo là một khái niệm không rõ ràng đối với họ. Liệu các cầu thủ Việt kiều có thể hòa nhập vào lối chơi của đội tuyển và cống hiến hết mình vì niềm tự hào Việt Nam?

Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn là hai cầu thủ Việt Kiều gây được chú ý trong thời gian gần đây. Mạc Hồng Quân đã được HLV Hoàng Văn Phúc gọi trong đợt tập trung lần này của đội truyển quốc gia. Anh đã từng khoác áo đội U22 Việt Nam nên hòa nhập khá nhanh. Còn Michal Nguyễn cũng rất tự tin với khả năng của mình chắc chắn sẽ được cống hiến cho đội tuyển: “Nếu không được giữ lại, tôi đã không trở về Việt Nam thử việc”. Ông Hoàng Văn Phúc cũng có những lời nhận xét tốt dành cho 2 cầu thủ Việt kiều: “Cả hai có thái độ tập luyện chuyên nghiệp, ý thức thi đấu tốt”.

Tài năng là điều mà cả hai không thiếu khi đã có nhiều năm chơi bóng tại Châu Âu. Nhưng vấn đề được người hâm mộ và các HLV đặt ra là liệu họ có phù hợp với đội tuyển Việt Nam?

Cơ chế hoạt động bất cập của VFF

Thời gian trước, việc Lee Nguyễn – một cầu thủ từng khoác áo đội tuyển quốc gia Mỹ và câu lạc bộ PSV (Hà Lan), ngỏ ý muốn về chơi tại Việt Nam đã đem lại nhiều hi vọng lớn cho người hâm mộ. Tuy nhiên, kết quả sau đó thì ai cũng biết. Lee Nguyễn đã không thể hòa nhập với môi trường bóng đá Việt Nam và đành trở về Mỹ thi đấu. Tại đây, anh hồi sinh một cách mạnh mẽ trong màu áo New England Revolution. Cơ hội được gọi vào đội hình đội tuyển Mỹ ở World Cup 2014 lại rộng mở với cầu thủ Việt kiều này.

Tới đây, một câu hỏi được đặt ra là tại sao một cầu thủ từng thất bại ở V-League lại có thể thành công như vậy tại một môi trường bóng đá cao hơn như Mỹ? Lee Nguyễn được đào tạo bài bản và có phong cách thi đấu chuyên nghiệp, tài năng của anh là không thể phủ nhận. Anh từng được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất tuần của MLS, vượt qua cả Henry và David Beckham. Vậy nguyên nhân thất bại của anh là ở đâu?

Câu trả lời hợp lí hơn cả là tính chuyên nghiệp của nền bóng đá Việt Nam – một điều luôn trăn trở những người làm bóng đá nước ta. Các cầu thủ Việt kiều từ nước ngoài về, ít thời gian tiếp xúc với bóng đá trong nước, cộng với việc chính sách sử dụng cầu thủ gốc Việt ở nước ta chưa rõ ràng nên đã hạn chế khả năng hòa nhập của họ.

Còn nhớ ở thời điểm năm ngoái, 2 cầu thủ Việt kiều là Mạc Hồng Quân và Nguyễn Thanh Giang được đích thân HLV Mai Đức Chung sang tận trời Âu để “kiểm tra” trước khi đề cử với VFF. Nhưng trong đợt tập trung đội tuyển U22 chuẩn bị cho vòng loại U22 châu Á 2013, cả hai đã bị VFF từ chối vì lý do: "Đây là thời điểm chưa thích hợp sử dụng cầu thủ Việt kiều”. Dù sau đó đã được nhận vào đội tuyển U22 (dưới tác động của báo chí và dư luận) và thi đấu thành công, Mạc Hồng Quân vẫn không nhận được sự quan tâm của VFF. Anh lại phải ra đi trong lặng lẽ như bao cầu thủ Việt kiều trước đây. Sự việc này càng cho người hâm mộ  thấy rõ cách làm và cơ chế hoạt động chưa hợp lý của VFF.

Lee Nguyễn đã không thành công ở Việt Nam dù anh không hề thiếu tài năng. Ảnh: Internet

Ở những nền bóng đá phát triển, việc đầu tư cho những tài năng được đặc biệt coi trọng và trở thành bí quyết dẫn tới những thành công. Ít ai ngờ, thành công rực rỡ của đội tuyển Pháp tại World Cup 1998 lại đến từ một cầu thủ ngoại kiều An-giê-ri. Đó là Zinedine Zidane – nhạc trưởng huyền thoại của Les Bleus. Miroslav Klose (Ba Lan), Mario Gomez (Tây Ban Nha), Mesut Ozil (Thổ Nhĩ Kì) đều đang thi đấu dưới màu áo cỗ xe tăng Đức và đạt được những thành công vang dội. Tại Ý, Mario Balotelli (Ghana) và El Shaarawy (Ai Cập) đang là những niềm hi vọng lớn cho đội bóng Thiên Thanh. Đó là những minh chứng cụ thể cho thành công của việc sử dụng các cầu thủ ngoại kiều.

Không đi đâu xa, chúng ta chỉ nhìn sang những nước láng giềng như Singapore hay Philippines, những tài năng trở về đóng góp cho quê hương luôn nhận được sự ủng hộ lớn, đi kèm chính sách đãi ngộ thiết thực từ liên đoàn bóng đá quốc gia đó. Hai anh em nhà Younghusband thi đấu rất thành công trong màu áo đội tuyển Philippines ở AFF Cup 2012 là một ví dụ rõ nét.

Trong khi đó, ở Việt Nam, ngay cả những tài năng trong nước còn không được chăm bẵm đến nơi đến chốn, chứ nói gì đến những cầu thủ Việt kiều về quê hương tìm cơ hội cho mình. VFF cần phải thay đổi ngay cơ chế làm việc này nếu không muốn bóng đá Việt Nam tiếp tục đi xuống vì chảy máu tài năng.

Các cầu thủ Việt kiều cần cố gắng hơn nữa

Việc các cầu thủ Việt kiều không thành công khi hồi hương thử việc, một phần nguyên nhân bởi năng lực chưa thực sự như quảng cáo (trừ Lee Nguyễn). Đa số họ đều trưởng thành ở các giải trẻ, các CLB hạng 2-3 ở châu Âu, nên không quen ngay với sự khốc liệt ở đội tuyển quốc gia trong các buổi tập khi về nước. Cần đặt một dấu hỏi cho khả năng thích nghi với một môi trường bóng đá mới của các cầu thủ Việt kiều? Cũng có thể thông cảm cho họ khi phần lớn những Việt kiều này phần lớn là những cầu thủ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở một môi trường khắc nghiệt. Trường hợp đặc biệt như Lee Nguyễn là rất hiếm. Đáng tiếc là anh chưa kịp thể hiện dù chỉ 1 lần trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn sẽ đem lại sức sống mới cho đội tuyển Việt Nam? Ảnh: Internet

Các cầu thủ Việt kiều nghĩ rằng môi trường bóng đá ở Việt Nam chỉ là vùng trũng so với thế giới nên chỉ cần trưởng thành từ những câu lạc bộ hạng thấp hay đội trẻ ở một nền bóng đá phát triển hơn là có thể trở thành ngôi sao tại quê nhà. Họ tìm đến với bóng đá Việt Nam là để tìm kiếm cơ hội được khoác áo đội tuyển quốc gia. Nhưng đây thực sự là một suy nghĩ sai lầm. Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam đã có không ít sự phát triển về chuyên môn.

Hơn nữa, việc hòa nhập trong một môi trường bóng đá khác hẳn phong cách bóng đá Châu Âu là một điều không hề dễ dàng. Hãy nhìn sang giải vô địch Trung Quốc mà xem. Các ông chủ người Hoa nghĩ rằng chỉ cần có các cầu thủ giỏi, ở đẳng cấp thế giới chơi bóng ở đây thì trình độ của bóng đá Trung Quốc sẽ đi lên. Thế là họ dốc hầu bao mua về những ngôi sao đắt giá của bóng đá thế giới. Có thể kể ra đây những cái tên tiêu biểu như Seydou Keita, Nicholas Anelka, Didier Drogba, … Nhưng thử hỏi, thành công của họ là bao nhiêu. Dù có trong tay hai cầu thủ thuộc hàng siêu sao của thế giới Thân Hoa Thượng Hải vẫn không thể vô địch Trung Quốc. Một bài học đắt giá cho những người muốn làm bóng đá theo kiểu “xây nhà từ nóc”.

Hãy trao cơ hội cho các cầu thủ Việt kiều!

Trong thời gian tới đây, sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách sử dụng cầu thủ ngoại kiều khi ông Hoàng Văn Phúc, quyền HLV trưởng ĐTQG khẳng định cơ hội luôn rộng mở cho hai cầu thủ Việt Kiều nếu họ chơi tốt: “Nếu các cầu thủ nhập tịch thể hiện được khả năng của mình chúng tôi sẽ hoàn tất thủ tục đăng ký cho các em thi đấu để cống hiến cho ĐTQG.”

Các cầu thủ ngoại kiều là những người cũng mang trong mình dòng máu Việt như những cầu thủ nội. Họ có thể chiến đấu vì màu cờ sắc áo của đội tuyển quốc gia như các đồng nghiệp Việt Nam. Tại sao lại không để cho họ cơ hội thể hiện mình? Nếu họ thành công VFF cũng được lợi từ chính chuyện này. Sự xuất hiện của các cầu thủ Việt kiều sẽ tạo ra tính cạnh tranh cao trong đội tuyển. Đây có thể coi là một việc làm đôi bên đều có lợi mà chả hại ai.

Những niềm hi vọng mới đã xuất hiện cùng với các cầu thủ Việt kiều. Tất cả những người hâm mộ bóng đá Việt Nam chúng ta đều đang hi vọng vào một làn gió mới cho đội tuyển sau những kết quả đáng thất vọng thời gian qua.

Hãy cùng dõi theo và ủng hộ hết mình cho đội tuyển Việt Nam!

(Bạn đọc: Lê Hữu Mạnh)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục