Sông Lam Nghệ An và hành trình tìm lại ánh hào quang

15:35 Thứ hai 24/09/2012

Sau khi CLB Thể Công bị giải thể vào năm 2009, Sông Lam Nghệ An trở thành đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam với 10 danh hiệu lớn đã đạt được. Tuy nhiên, để có được vinh quang thì cũng phải trải qua không ít những cay đắng, đã có những thời điểm tưởng chừng như cái tên Sông Lam Nghệ An sẽ không còn mang ánh hào quang quanh mình nữa, bóng đá Nghệ An sẽ dần lụi bại bởi những tiêu cực và khủng hoảng xảy ra liên tiếp, nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, Sông Lam Nghệ An vẫn kiên trì bền bỉ đi trên con đường của riêng họ, và đỉnh cao của sự trở lại là chức vô địch V-League Eximbank 2011.

Chính thức mang tên Sông Lam Nghệ An vào năm 1992, CLB đã gây ấn tượng với người hâm mộ trong nước bằng lối chơi tấn công rực lửa và ngẫu hứng. Tôn sùng thứ bóng đá đẹp, HLV Nguyễn Thành Vinh đã tạo nên một Sông Lam quyến rũ với sắc vàng luôn nhuộm kín từng góc sân vận động. Mỗi khi xem Sông Lam thi đấu, không chỉ riêng người hâm mộ xứ Nghệ mà tất cả những ai yêu bóng đá đẹp đều cảm thấy thỏa mãn và bị cuốn theo từng đường bóng. Với thế hệ vàng đầu tiên, Sông Lam Nghệ An dường như không có đối thủ khi băng băng cán đích ở vị trí thứ nhất trong 2 mùa giải 2000 và đặc biệt là 2001 (mùa giải đầu tiên giải vô địch quốc gia chính thức mang tên V-Leage), sự xuất sắc trong khung gỗ của Võ Văn Hạnh, sự chắc chắn nơi hàng thủ với Nguyễn Hữu Thắng, sự máu lửa của Nguyễn Phi Hùng cùng sự lì lợm, tỉnh táo của thủ lĩnh Ngô Quang Trường ở khu vực giữa sân và không thể không kể đến sự góp mặt của một trong những huyền thoại bóng đá Việt Nam Văn Sĩ Hùng trên hàng tiền đạo, tất cả đã tạo nên một Sông Lam gắn kết, một Sông Lam cống hiến, một Sông Lam vô địch!

SLNG đoạn chứa vô địch V-League 2011

Nhưng rồi cuộc vui nào cũng có lúc tàn, sau vinh quang chói lọi đó là sự ra đi của HLV Nguyễn Thành Vinh và tiếp đó là “Khổng Minh” Nguyễn Hồng Thanh đã đẩy đội bóng xứ Nghệ vào một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Suốt giai đoạn từ năm 2002 tới năm 2009, đội không có bất kì thành tích nổi bật nào.

Tuy nhiên cũng trong giai đoạn đó, Sông Lam Nghệ An đã giới thiệu hàng loạt những gương mặt trẻ hết sức suất xắc, một thế hệ được coi là thế hệ vàng thứ 2, đủ sức kế cận và tiếp những bước vinh quang của các đàn anh với những cái tên như Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Lê Công Vinh, Nguyễn Lâm Tấn, Lê Quốc Vượng đã trở thành niềm hi vọng lớn lao của người dân xứ Nghệ. Niềm hi vọng đó ngày một lớn, khi những cầu thủ chủ chốt của đội thi đấu mỗi lúc một hay, mỗi lúc một trưởng thành, Văn Quyến và Quốc Vượng thậm chí còn trở thành những cái tên không thể thay thế ở đội tuyển Quốc gia. Nhưng hi vọng của họ lại sụp đổ quá nhanh chóng sau scandal bán độ mà hai đứa con cưng của họ lại là những nhân vật chính trong tấn bi kịch này.

Quay trở lại đấu trường V-League, thiếu thốn nhân sự về mọi mặt, trở thành đội bóng trung bình khá và luôn nằm ngoài những dự đoán về khả năng cạnh tranh chức vô địch, tưởng chừng như đây đã là điểm cuối của một cái tên với lịch sử lâu đời, thì chính sự hồi hương của những đứa con xứ Nghệ, là HLV Nguyễn Hữu Thắng và chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh đã thổi một luồng sinh khí mới vào dòng sông đã ngừng chảy này. Không dư giả về đầu tư như các đội bóng khác, Sông Lam chủ trương sử dụng “gà nhà” là chính kết hợp với 1-2 ngoại binh chất lượng. Chính sách rất hợp lý đấy đã dần đưa Sông Lam trở lại với quỹ đạo vốn có. Không có những ngôi sao trong đội hình nhưng bù lại sự gắn kết giữa các cầu thủ, tinh thần thi đấu vì–màu–cờ-sắc–áo quê hương đã tạo nên một ngôi sao vàng chói lọi nhất.

CĐV luôn ủng hộ và theo sát cổ vũ cho các cầu thủ SLNA

Có thể nhiều người không đồng ý với lối chơi có phần “bạo lực” của các cầu thủ Nghệ An, lối chơi trái ngược hoàn toàn với chính họ trong quá khứ, tuy nhiên trong bóng đá, lối chơi phải được hình thành dựa trên cầu thủ. Từ năm 2005, Nguyễn Hữu Thắng đã bắt đầu xây dựng một Sông Lam Nghệ An lì lợm đến đáng sợ, họ không ngại va chạm, họ chiến đấu bằng tất cả khả năng, mỗi trận đấu của Sông Lam đều như thể một trận derby, họ giành từng điểm bằng mồ hôi, nước mắt và đã có cả máu… kiên trì và tin tưởng tuyệt đối vào sự thành công của những gì đã và đang thực hiện, Sông Lam từng bước từng bước tiến bộ, vị trí thứ 3 ở mùa giải 2009, cúp quốc gia năm 2010, và cột mốc đánh dấu sự trở lại đỉnh cao bóng đá VN là chức vô địch V-League 2011. Người khổng lồ một thời đã tỉnh giấc, giờ đây lối chơi của Sông Lam ngoài sự lì lợm còn có thêm tính cống hiến mà bất cứ ai xem họ thi đấu cũng có thể nhận ra được. Khi đã có đủ thực lực, Sông Lam lại hướng về lối đá tấn công đã tạo nên bản sắc của họ ngày nào.

Giữa những con số tiền tỉ đã gây ra nhiều cái giật mình trên thị trường chuyển nhượng, Sông Lam Nghệ An như một của hiếm, tự lực tự cường, bền bỉ vươn lên, “dù trong dù đục, con sông vẫn chảy”. Một Sông Lam thật khác biệt, nhưng là một Sông Lam bất tử!

(Bạn đọc: Duy Nguyễn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục