Premier League: Mặt sau của sự hào nhoáng

01:24 Thứ bảy 26/05/2012

Khi người Anh còn đang vỗ ngực tự hào về chiến tích của Chelsea tại đấu trường châu Âu, về sự hấp dẫn của cuộc đua tranh tới ngôi vương Premier League thì bản báo cáo tài chính “xám xịt” của 20 CLB mới đây là một nỗi hổ thẹn.

Tờ Guardian đưa tin, 20 CLB Premier League thua lỗ tới 361 triệu bảng ở mùa trước, bất chấp thu nhập của họ đạt mốc 2,3 tỷ bảng. Cụ thể, chỉ có 8 đội bóng làm ăn có lãi nhưng chỉ ở mức rất thấp: 97,4 triệu bảng. 11 đội bóng âm 458 triệu bảng. Cá biệt, Man City trong năm thứ 3 thuộc quyền sở hữu của các ông chủ người Ả Rập, lỗ tới 197 triệu bảng – một con số kỉ lục với lịch sử bóng đá.

Chelsea với sự mạnh tay từ thương vụ Torres và Luiz, xếp sau The Citizens khi lỗ 68 triệu bảng. Trong khi đó, Liverpool (xếp thứ 3) nếu không thu về 43 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, con số thua lỗ không chỉ dừng ở 49 triệu bảng.

Tính đến thời điểm này, chỉ có Birmingham City (đã xuống chơi ở Championship) chưa chịu nộp báo cáo tài chính mùa giải 2010/11 (hạn chót vào ngày 31/12 hàng nằm). Tuy nhiên chắc chắn sẽ không xuất hiện những con số đẹp với đội chủ sân St Andrew's bởi Carson Yeung, tỷ phú người Trung Quốc (mua lại Birmingham từ năm 2009) còn đang “sống sở chết dở” vì vụ rửa tiền.

Các CLB Premier League được hưởng lợi rất nhiều từ bản quyền truyền hình

Nói về khoản thu nhập 2,3 tỷ bảng, đó một phần là nhờ kết quả từ nguồn thu trong năm đầu tiên của gói hợp đồng bản quyền truyền hình Premier League (từ 2010- 2013), trong đó có mức giá cao ngất ngưởng 1,5 tỷ bảng do các đài nước ngoài mua. Như một điều dễ hiểu trong thời buổi hiện đại, cạnh tranh càng lớn thì mức chi phí bỏ ra càng cao. Các CLB Premier League buộc phải nâng lương cho các cầu thủ, đặc biệt sau mỗi lần gia hạn hợp đồng. Trong mùa giải 2010/11, 20 CLB đã chi riêng tiền lương lên tới 1,5 tỷ bảng.

Newcastle trong mùa giải đầu tiên trở lại Premier League là đội bóng có lãi cao nhất, chủ yếu từ vụ bán Carroll sang Liverpool. MU mặc dù phải gánh 50 triệu bảng tiền lãi suất ngân hàng cho khoản nợ 400 triệu bảng của nhà Glazers, vẫn lãi 12 triệu bảng (phần vì chỉ tốn 153 triệu bảng tiền lương cho các cầu thủ).

Những con số đáng báo động ấy, đặc biệt với Man City và Chelsea, sẽ khiến các ông chủ, các nhà quản lý phải cân nhắc hơn trong cách chi tiêu vô tội vạ. Nếu không, họ phải nhận hậu quả từ luật công bằng tài chính của UEFA và có thể là cả cách phát triển đội bóng lâu dài trong tương lai.

Khánh Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục