Bình luận U19 Việt Nam: Cảm ơn người Nhật!

07:02 Thứ năm 09/01/2014

Thất bại kinh hoàng 0-7 của U19 Việt Nam trước U19 Nhật Bản đã để lại nỗi buồn khôn tả trong lòng NHM. Nhưng nếu nhìn xa, trông rộng, chúng ta phải cảm ơn người Nhật vì những bài học đáng đồng tiền, bát gạo…

Ta tiến một, họ đã bước… mười!

Chỉ cần nán lại 10 phút trước màn ảnh nhỏ, bất cứ NHM nào của bóng đá Việt Nam cũng phải tròn mắt kinh ngạc “Tại sao bóng đá của chúng ta lại có lứa thế hệ tài năng đến thế!”. Đó là những tình huống ban bật, chọc khe, xẻ nách, solo đủ cả mà không ít người đã phải vỗ đùi tán thưởng “Đó là tiki-taka chứ đâu!”.

Không cần biết đó là thứ bóng đá gì, không cần biết nó được dày công tập luyện ra sao, chỉ cần biết nó đã và đang thắp lên niềm hi vọng tươi sáng cho bóng đá nước nhà, một nền bóng đá mà đã bấy lâu nay chúng ta chỉ đám đặt mục tiêu vô địch khu vực Đông Nam Á! Tầm nhìn của chúng ta chỉ đến thế thôi bởi các trung tâm đào tạo trẻ hoành tráng vẫn còn là giấc mơ xa xỉ với NHM.


Cơn gió mát lạnh đến từ phố núi Pleiku đã làm tan biến nỗi đau của hàng triệu NHM. Từ kế hoạch đến mục tiêu, bầu Đức đều vạch ra và thực thi như thể ông đã biết trước thành quả. Những quả ngọt đầu mùa đã xuất hiện! U19 Việt Nam ra đời và tạo tiếng vang như thế, không chỉ ở khu vực mà còn lan tỏa trên khắp châu lục.

Nhưng nên nhớ, chúng ta mới chỉ ở giai đoạn sơ khai trong bản kế hoạch đồ sộ và lắm gian chuân. Đây mới chỉ là lứa thế hệ ra lò đầu tiên của bầu Đức. Trong khi đó, nếu nhìn sang các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, họ cũng đã sở hữu những hệ thống đào tạo trẻ bài bản.

Còn xa hơn, chúng ta chẳng thể so sánh với các cường quốc bóng đá châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, ít nhất là ở thời điểm này. Trận đấu tối qua giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản là 1 ví dụ điển hình. Cũng sân đấu ấy, cũng lượng CĐV cuồng nhiệt ấy nhưng lứa sao trẻ của bầu Đức bỗng nhiên hóa thành những “con rối” trong tay thầy trò Suzuki Masakazu.

Không quá mất sức, đội bóng trẻ xứ sở hoa Anh đào vẫn có được 7 bàn thắng và hàng tá cơ hội mà nếu dứt điểm tốt hơn, họ đã tặng cho mỗi cầu thủ U19 Việt Nam 1 bàn thua làm quà ra mắt. Đó là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa 1 nền bóng đá đã phát triển và 1 nền bóng đá mới manh nha hình thành chiến lược lâu dài. Chúng ta tiến 1 nhưng họ đã lên nấc thang thứ 10!

Sự khác biệt lớn nhất giữa bóng đá biểu diễn và bóng đá thực tế là sự hiệu quả. U19 Việt Nam có thể tạo ra những pha bóng làm ngất ngây trái tim NHM nhưng không thể mang tới những bàn thắng, điều tuyệt vời nhất của môn thể thao vua. Trái lại, U19 Nhật Bản đã đem tới tất cả, từ lối chơi nhuần nhuyễn, đẹp mắt tới những bàn thắng.

Nên nhớ, lứa thế hệ trên của U19 Nhật Bản đã được rèn giũa liên tục, thường xuyên từ khi còn là những đứa trẻ tiểu học. Mô hình đào tạo trẻ học đường ấy của họ đã và đang mang tới những khái niệm “chính xác” trong bóng đá. Hai đại diện tiêu biểu nhất, Keisuke Honda, Shinji Kagawa cũng xuất thân từ chiến lược ấy của người Nhật. Và hiện tại, họ vẫn đang nhọc nhằn tìm kiếm tên tuổi ở trời Âu. Vậy lấy gì để đảm bảo rằng 1 số cầu thủ U19 Việt Nam có thể sang châu Âu thi đấu như phát biểu mang tính khách sáo của HLV Alberto De Rossi (U19 Roma)?

Phải học, học nữa, học mãi và không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, giống như “giấc mơ Subasa” của người Nhật. Họ đào tạo bài bản, có quá trình lâu dài nhưng vẫn chưa bao giờ “vênh mặt” trên đấu trường châu lục và thế giới. Sự cầu tiến khoa học như những linh kiện điện tử ấy chính là hạt nhân thúc đẩy quá trình cạnh tranh, đào thải và hoàn thiện của bóng đá xứ mặt trời mọc.

Đi một ngày đàng…

Chiến lược của người Nhật là bài học bổ ích cho U19 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Chúng ta đã bước đầu làm thỏa mãn cơn khát của NHM bằng những “trái ngọt đầu mùa” nhưng chưa thể lấy đó làm kim chỉ nam cho sự thành công. Đơn giản bởi chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa với các cường quốc châu lục chứ chưa nói tới tầm thế giới…

Đơn cử như ở trận đấu tối qua, U19 Việt Nam bế tắc tới tuyệt vọng. Những pha solo như làm xiếc ngày nào của Công Phượng, Anh Tuấn bỗng nhiên trở thành điều tầm thường trước người Nhật. Đó là điều dễ hiểu! Một cầu thủ đá như “lên đồng” ở 1 giải phủi không đồng nghĩa rằng anh ta sẽ tồn tại khi đối đầu với các đối thủ ở đẳng cấp cao hơn, hay đơn giản là bị 1 “khối óc chiến thuật” bắt bài.


Hai thất bại vừa qua trước U19 Roma và U19 Nhật Bản đã mang tới cho U19 Việt Nam 2 bài học hoàn toàn khác nhau nhưng lại cực kì bổ ích và đáng đồng tiền bát gạo. Phương châm của người Ý đã dạy cho thầy trò Graechen về tính hiệu quả trong bóng đá. Còn chiến lược của người Nhật giúp chúng ta có cái nhìn xa hơn, rộng hơn và đặc biệt “đừng bao giờ tự thỏa mãn”.

Ca ngợi là điều cần thiết để U19 Việt Nam thêm động lực phấn đấu nhưng nếu thái quá, nó chẳng khác nào “liều thuốc độc” khiến các em mất tích khi bước sang độ tuổi lắm cạm bẫy.

Cứ cho rằng U19 Việt Nam sẽ toàn thua trong 3 trận ở giải đấu này thì đó vẫn là giải đấu cực kì thành công. Tất nhiên, sự thành công không nằm ở mặt kết quả mà nó kết tinh trong những bài học đắt giá. U19 Việt Nam cần biết rằng họ đang ở đâu và sẽ phấn đấu ra sao. Cảm ơn người Ý, cảm ơn người Nhật…
Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục