Tản mạn: Xã hội Việt Nam như đang níu chân lứa Công Phượng, Tuấn Anh

18:56 Thứ bảy 28/03/2015

(TinTheThao.com.vn) - Ngẫm kỹ cũng đã bảy năm trôi qua, bóng đá Việt Nam chưa có thêm lần nào bước lên bục vinh quang tại đấu trường khu vực, chứ chưa nói đến cái mục tiêu lâu dài hướng ra bóng đá Châu Lục mà các nhà làm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn khao khát đạt được.

Bảy năm, quãng thời gian không phải quá dài, nhưng cũng đủ để những cầu thủ vẫn còn trẻ trung sung sức ngày nào, giờ đã trở thành những lão tướng tuổi băm. Bóng đá Việt Nam từ lần vô địch cuối cùng 2008 dưới quyền HLV Calisto cũng đã vài lần thay lớp kế cận, nhưng những gì đạt được cũng là con số không tròn trĩnh.

Cũng từ đó mà niềm hy vọng lớn lao đặt vào lứa cầu thủ trẻ có thể làm thay đổi bộ mặt bóng đá nước nhà, lại càng trở nên mãnh liệt hơn lúc nào hết. Để rồi cũng có một lứa cầu thủ đáng để người hâm mộ đợi chờ và hy vọng. Đó chính là lứa cầu thủ trẻ của học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG, mà đại diện là những cầu thủ nổi bật như Công Phượng, Tuấn Anh, hay Xuân Trường.

Nhưng dường như song song với những niềm tin mà người hâm mộ đặt vào các cầu thủ trẻ, thì những kỳ vọng quá lớn của cả xã hội dẫn đến những phản ứng gay gắt, đang trở thành lực cản vô hình đè nặng lên đôi chân còn non nớt của những mầm non vẫn còn chưa kịp trui rèn đầy đủ bãn lĩnh để có thể đối mặt được.

Từ sức ép thành tích của đội nhà

Không thể trách được ông bầu Đoàn Nguyên Đức khi ông bỏ tiền tỷ để nuôi các cầu thủ ăn học và đá bóng từ khi còn mới là những cậu bé cho đến khi đủ sức đá cho tuyển trẻ quốc gia. Với khoảng đầu tư lớn và dài hơi như thế, việc ông ấy nôn nóng đôn các cầu thủ trẻ lên dự V-league và đòi hỏi một lối đá gắn kết cũng là điều dễ hiểu.

HAGL giờ là một đội bóng giàu nội lực và gần như không sử dụng đến sức mạnh từ các ngoại binh, tuy nhiên sự cố chấp ấy của ông Đức lại phần nào khiến các cầu thủ trẻ gặp nhiều khó khăn. V-league là một môi trường khốc liệt và không phải ai cũng có trách nhiệm phải nương chân với các mầm non tương lai của đất nước. Đã ra sân là cầu thủ phải thi đấu hết mình cho đội bóng quê hương, nên những va chạm đáng tiếc xảy ra là không thể tránh khỏi.

Những cầu thủ trẻ lại non nớt và chưa chuẩn bị đủ về thể chất và tinh thần để có thể đương đầu những chấn thương nặng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, và có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của những cậu bé mới mười chin đôi mươi.

Thêm vào đó là nước cờ quyết tâm không đầu tư quá nhiều vào ngoại binh để tránh thói quen dựa dẫm vào cầu thủ ngoại, tuy nhiên đó lại là con dao hai lưỡi, HAGL đá không tốt, thường xuyên bại trận là đòn mạnh đánh vào tâm lý của các cầu thủ trẻ, khiến cho họ mất tự tin và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý thi đấu. Họ buộc lòng phải làm tất cả để giữ vững vị trí hay cố gắng trụ hạng, điều đó sẽ khiến họ không thể chú tâm học hỏi những điều mà đáng ra cần được học trước khi mang ra thi thố.

Đến thái độ của dư luận …

Khi Công Phượng hay Tuấn Anh còn là những cậu học trò được ăn học trong lò đào tạo của HAGL Arsenal JMG, không có quá nhiều sự chú ý dành cho họ. Một môi trường lành mạnh để phát triển và học hỏi. Nhưng khi đã bước ra sân khấu lớn, trình diễn trước toàn xã hội, đồng nghĩa các cầu này phải đối mặt với rất nhiều áp lực và sự soi mói từ nhiều phía.

Các cổ động viên đương nhiên sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến những cầu thủ mà họ yêu quý, sự quan tâm ấy đôi khi quá mức như việc anh chàng này sẽ đi thi ở đâu, quen cô bạn gái nào, gia cảnh ra sao?! Và cánh phóng viên, nhà báo đương nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội để đăng tải từng thông tin dù là nhỏ nhất và cập nhật nhất đến với dư luận xã hội. Những lòi khen chê và những luồn dư luận trái chiều đôi lúc khiến cho các cầu thủ phải chịu sức ép lớn đến ngạt thở.

Họ, những con người mới chỉ mười chín, đôi mươi, cảm thấy ngạt thở trong làn sóng của những ánh hào quang, danh tiếng và sự quan tâm dồn dập kéo đến mình mà đôi khi khiến họ không kịp xoay chuyển để thích ứng. Những vết nhơ trong quá khứ không những không thể đánh bật đi sự cuồng nhiệt bóng đá của một quốc gia 90 triệu dân mà còn khiến họ đặt những hy vọng lớn lao hơn vào tương lai bóng đá nước nhà.

Và chính Công Phượng hay Tuấn Anh giờ đây đang vô tình trở thành nơi bám víu cho những niềm tin ấy. Và cái gì đến có thể cũng sẽ phải đến nếu không có những phương pháp hữu hiệu giải tỏa đi sức ép đó cho các cầu thủ trẻ. Đã có không ít trường hợp những cầu thủ trẻ tài tăng không chỉ của Việt Nam mà còn ở cả những nền bóng đá phát triển trên thế giới xa ngã trước những cám dỗ của vinh quang, tiền tài đến quá sớm để rồi khi mười tám tuổi họ có tất cả, nhưng khi hai mươi họ chẳng là gì.

Và thái độ của những người lớn, những người trong cuộc…

Cầu thủ trẻ nào cũng cần có thời gian hoàn thiện bản thân và trui rèn bản lĩnh, nên việc họ mắc những sai lầm khi còn ở độ tuổi bồng bột là điều dễ hiểu. Khi đó họ rất cần có những nguồn động viên từ những người có tuổi, có nhiều kinh nghiệm hơn, để dìu dắt họ vững vàng bước tiếp trong chặng đười dài chông gai phía trước.

Đấy chính là lúc cần thái độ nghiệm khắc hơn nhưng cũng đủ mềm dẻo đến từ những người thầy, như HLV Miura, HLV Guillaume Graechen hay sự chở che và những lời khuyên chân thành đến từ những người đáng tuổi cha chú như ông Đoàn Nguyên Đức, ông Nguyễn Thành Vinh.

Khi mà một cầu thủ được giới mộ điệu mong muốn làm được một điều gì đó lớn lao, được tung hô và kêu gọi đặc cách tham dự đội tuyển quốc gia, đương nhiên từng bước phát triển hay thậm chí từng động tác của họ trên sân cũng sẽ được những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chú tâm đến.

Khi ấy, họ cần có được cái nhìn bao dung từ phía các đàn anh ở đội tuyển Quốc Gia, cũng như sự góp ý đến từ các HLV lão làng của nền bóng đá nước nhà. Như HLV Trần Bình Sự của CLB Đồng Nai từng góp ý lối đá của Phượng quá lắt nhắt, hay HLV Miura cho rằng chiến thắng là sự cố gắng của cả tập thể chứ không riêng Công Phượng.

Suy cho cùng, ý kiến nào thì cũng có thể mang đến những sự tích cực và tiêu cực, xã hội nào thì cũng có những mặt tốt và xấu của nó. Bản thân các cầu thủ, những người trong cuộc, cũng nên có những cái nhìn đúng đắn trước những luồng ý kiến trái chiều của dư luận, để đón nhận nó, chắt lọc những điều cần thiết cho mình, và loại bỏ đi những tạp niệm có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai sự nghiệp.

Bởi những khi đã bước vào độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là khi đã dấn thân vào con đường cầu thủ chuyên nghiệp, Phượng hay Tuấn Anh cũng đã phần nào mường tượng những khó khăn mà mình có thể sẽ phải trải qua, không có con đường vinh quang nào trải đầy hoa hồng cả.

Những tác động đến từ xã hội tuy có những ảnh hưởng lớn lao, nhưng không ai khác chính các cầu thủ, những người được cho là tài năng bậc nhất của bóng đá nước nhà vào thời điểm này, cần tự tạo cho mình một chiếc khiên chắn hữu hiệu để tránh khỏi những tác động tiêu cực có thể xảy đến chứ không chỉ trông chờ vào những sự hỗ trợ đến từ những yếu tố bên ngoài khác.

Mà những chiếc khiên chắc chắn ấy, không gì khác chính là bãn lĩnh của các em, và cũng chính là ý chí, quyết tâm và niềm đam mê đến với thế giới của quả bóng tròn. Ngày nào niềm đam mê ấy còn chưa tắt, tin rằng các em sẽ không thể dễ dàng bị đẩy ngã bởi những áp lực vô hình của xã hội, để vượt qua chính mình và vươn lên đỉnh vinh quang.

(Bạn đọc: Phúc Quân)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục