Thể Công - Xin lại một chút hoài niệm

18:15 Thứ bảy 25/10/2014

(TinTheThao.com.vn) - Không phải là một người con của Thủ đô thế nhưng mỗi khi nhắc tới bóng đá Việt Nam, hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tôi chính là sắc đỏ của những người lính Thể Công. Đội bóng giàu truyền thống và giành được nhiều tình cảm nhất của những người yêu bóng đá nước nhà.

Nói đến Thể Công điều đầu tiên mà chúng ta nhớ tới đó chính là sân vận động Cột Cờ, một sân vận động nhỏ với sức chứa khoảng 6000 chổ ngồi nằm giữa Thủ đô Hà Nội cách không xa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tòa nhà Quốc hội. Sân bóng đã gắn liền với những người lính trong hơn 40 năm kể từ ngày được thành lập. Cứ mỗi buổi chiều cuối tuần là tôi lại dán mắt vào màn hình vô tuyến để được xem những thần tượng thuở nhỏ của mình chơi bóng, hồi đó với tôi V League có sức hút rất lớn vì nơi ấy có Thể Công của tôi thi đấu.

Thể Công - Tượng đài của bóng đá Việt Nam. Ảnh Internet

Sân vận động Cột Cờ dường như không còn một chỗ trống với sắc đỏ phủ kín các khán đài, tiếng kèn tiếng trống và những bài hát truyền thống của Việt Nam không ngừng được vang lên. Ngày đó tôi còn bé nên hay nghịch ngợm theo kiểu trẻ con, mỗi khi xem bóng đá là lại tắt tiếng Tivi mở Radio nghe bình luận đơn giản bởi vì tôi chỉ muốn có 1 cảm giác liên tục không ngừng nghĩ. Ấy thế mà mỗi khi giọng của 2 BLV Hoài Sơn - Đình Khải ngân lên là mọi thứ xung quang dường như lắng lại để tập trung theo tiếng bình luận của 2 bác.

Hình ảnh những người lính chơi bóng thật đẹp trong mắt người hâm mộ, họ chiến đấu hết mình như những cảm tử quân vì màu cờ sắc áo. Khi khoác màu áo này và ra sân họ biết mình không thể là người thất bại, và nếu thua thì hãy thua theo cách một người lính. Chính cái thứ bóng đá đẹp và cống hiến ấy đã chiếm trọn biết bao con tim từ Bắc tới Nam, Thể Công mỗi khi đi tới đâu là nơi đó lại tràn ngập sắc đỏ kể cả những trận làm khách.

Cũng chính màu áo lính này đã sản sinh ra biết bao danh thủ vang bóng một thời. Thế hệ trước là những Thế Anh, Cao Cường, Vương Tiến Dũng… rồi tới những thần tượng của chúng tôi như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Quang Hà, Bảo Khanh, Phương Nam đó chính là thế hệ vàng mà bóng đá Việt Nam đã từng có. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ hiểu sức hút từ cái tên Thể Công lớn chừng nào.

Khi mà giá trị của bóng đá hiện đại không còn những nét đẹp thuần mỹ thay vào đó là sức mạnh của đồng tiền thì mỗi khi người ta xem bóng đá chỉ là vì nghĩa vụ hay là một cách để giết thời gian mà thôi. V League đang mất dần khán giả bởi những vụ mua bán độ giữa thanh thiên bạch nhật hay vấn đề bạo lực sân cỏ, điều đó cũng dể hiểu vì bóng đá bây giờ mang tính thương mại nhiều hơn là tinh thần.

Còn nhớ cú vô lê từ ngoài vòng cấm của Trương Việt Hoàng vào lưới Thái Lan trong trận bán kết Tiger Cup 1998, đó không đơn giản chỉ là 1 tuyệt phẩm. Hơn thế nữa bàn thắng đó thể hiện rõ bản chất của người lính khi biết rằng hậu vệ đối phương đang cố tình vào bóng nếu không may mắn thì có lẽ chấn thương nặng là điều dễ hiểu. Đấy mới là thứ bóng đá mà người hâm mộ đang mong chờ từ những người làm bóng đá.

Cái ngày Thể Công xuống hạng vào đúng dịp kỉ niệm 50 năm thành lập có lẽ là một ngày mà tôi cũng như những người yêu bóng đá lính không thể nào quên đươc. Càng buồn hơn khi một sự thật phũ phàng khác lại xuất hiện, đó chính là hình ảnh sân Cột Cờ mái nhà gắn bó với Thể Công gần nửa thế kỷ sẽ chỉ còn là những ký ức đẹp đẽ mà thôi.

Sân Cột Cờ không còn được sử dụng vào mục đích thi đấu nữa và Thể Công phải thuê sân Hàng Đẫy làm sân nhà. Có nỗi buồn nào hơn thế, có sự thật nào phũ phàng hơn thế khi không còn được nhìn đội bóng thân yêu chơi bóng ở sân chơi cao nhất và hình ảnh in vào tiềm thức tôi mỗi chiều cuối tuần sân Cột Cờ cũng bị xóa bỏ. Sau đó người hâm mộ vẫn dõi theo những người lính ở sân chơi hạng nhất, còn nhớ thời bấy giờ Thể Công là đội bóng duy nhất không dùng cầu thủ ngoại.

Chính những con người Việt hơn nữa được đào tạo trong mỗi trường Quân Đội đã làm nên giá trị của đội bóng, thế nhưng vì mục tiêu thăng hạng nên Thể Công cũng phải tạm quên vấn đề đó mà chiêu mộ vài cầu thủ ngoại. Kết quả là 3 năm sau đội bóng lại trở về với giải đấu cao nhất, nơi làm nên một Thể Công oai hùng như ngày nào.

Rồi niềm vui gắn bó đó cũng không kéo dài được bao lâu, tháng 11 năm 2009 hai từ Thể Công sẽ trở thành quá khứ khi Bộ quốc phòng Việt Nam quyết định giải thể đội bóng. Cái cảm giác đó thật khó diễn tả, tôi chỉ biết lặng người đi khi biết được tin dữ này. Cái tên Thể Công lâu nay chỉ cần gói gon trong 2 chữ tình yêu vậy mà giờ đây tất cả chỉ còn là hoài niệm. Cái không khí náo nhiệt ngày nào, cái sắc đỏ tràn ngập khắp khán đài mãi mãi là một kí ức đẹp. Dường như không cam chịu đánh mất người con tinh thần này, người hâm mộ cả nước cũng đã vận động thu thập 1 triệu chữ ký để khôi phục đội bóng thế nhưng tất cả chỉ làm cho chúng ta thêm tiếc nuỗi và thất vọng mà thôi.

Niềm hi vọng bây giờ chính là lò đào tạo trẻ TTBĐ Viettel, nơi những danh thủ một thời như Đặng Phương Nam, Hông Sơn đang làm công tác đào tạo tại đây. Đội 1 của TTBĐ Viettel đang thi đấu ở giải hạng nhì, với những sự bổ sung nhân sự cần thiết mục tiêu của đội bóng là thăng hạng ngay trong năm nay. Những người yêu mến Thể Công nói riêng và bóng đá lính nói chung đang có quyền nghĩ về một viễn cảnh tươi đẹp khi thấy đội bóng thân yêu tái xuất ở V League một ngày gần nhất.

Khi đọc một trang báo, xem một mẫu tin tức có 2 từ Thể Công trong tôi lại cảm thấy bùi ngùi, có lẽ vì tình cảm của tôi giành cho sắc đỏ này là quá lớn khi còn là 1 đứa trẻ mới biết xem bóng đá. Chút hoài niệm, chút vấn vương ấy sẽ mãi theo tôi đơn giản bởi vì bóng đá, tình yêu và lòng trung thành chỉ có một.

(Bạn đọc Việt Khánh)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục