Cuộc cách mạng của Solskjaer tại MU: Sơ đồ 4-2-3-1 và khối kim cương của Solsa (Phần hai)

09:35 Chủ nhật 21/04/2019

Dĩ nhiên Manchester United không thể chiến thắng dựa hoàn toàn vào những yếu tố về tinh thần. Họ cần có một chiến thuật, một sơ đồ với cách nhập cuộc bài bản. Hơn hết, việc xóa bỏ những "dấu vết" của Jose Mourinho trong gần 3 năm dẫn dắt Quỷ đỏ là một công việc khó nhưng cần thiết.

HLV Solskjaer khởi đầu sự nghiệp cầm quân của mình ở Scotland, nơi đội bóng của ông dù không thành công nhưng luôn chơi với sơ đồ 4-2-3-1. Và khi chuyển đến Manchester Uinted, HLV người Na Uy dĩ nhiên bê nguyên đội hình đó trở về đội bóng cũ. Trong 4 trận đấu đầu tiên của mình tại Old Trafford, HlV Solskjaer có tới 3 lần sử dụng sơ đồ chiến thuật này với thành tích toàn thắng.

4-2-3-1 là một sơ đồ mang tới sự cân bằng, điều rất cần với Man Utd vào thời điểm bất ổn trước đó. Thời kỳ hoàng kim của sơ đồ này ở thế kỷ 21 phải nói đến mùa giải 2012-2013. Khi mà trong số 4 đại diện góp mặt ở bán kết Champions League, có tới 3 đội bóng gồm Real Madrid, Bayern Munich và Borussia Dortmund đều sử dụng sơ đồ 4-2-3-1. Chỉ có duy nhất Barcelona là vẫn duy trì hệ thống 4-3-3 vốn đã tồn tại ở đây gần 15 năm.

Ole Gunnar Solskjær và sơ đồ 4-2-3-1

Cuộc cách mạng của Solskjaer tại MU: Sơ đồ 4231 và khối kim cương của Solsa (Phần hai) - Bóng Đá

 Sơ đồ 4-2-3-1 của Manchester United.

Vị trí quan trọng nhất và là yếu tố kiên quyết để sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 là một cầu thủ chơi ở phía sau tiền đạo chủ lực. Một cầu thủ mang tính liên kết trong lối chơi, một số 10 hoặc một tiền đạo lùi sâu. Mesut Ozil, Mario Gotze, Thomas Muller chính là 3 cầu thủ đảm nhận trọng trách này trong số các đội bóng sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 ở mùa giải 2012-2013.

Về mặt lý thuyết, ở Man Utd có tới 3 người có thể đảm nhận vị trí này là Jesse Lingard, Juan Mata và Paul Pogba. Trong số 3 cái tên này, HLV Solskjaer đã giao trọng trách liên kết lối chơi cho người mà ai cũng biết là ai, Pogba. Tuy nhiên sau chuyến làm khách trước Newcastle tại vòng đấu thứ 21 Premier League ( trận đấu thứ 3 mà ông sử dụng sơ đồ này ) ông nhận ra vấn đề với 4-2-3-1.

Với 4-2-3-1, Paul Pogba đóng vai trò của một tiền vệ tấn công tự do, thoải mái cầm bóng và di chyển theo ý thích. Vai trò phòng ngự của tiền vệ người Pháp được giảm tải tối đa với vị trí này. Thế nhưng màn trình diễn trước các đội bóng yếu hơn rất nhiều so với Man Utd chưa thể làm hài lòng ông thầy người Na Uy.

Pogba với vai trò của một số 10 không thể hiện được khả năng khai thác không gian tốt ở khu vực 1/3 sân của đối thủ, hay nói cách khác Pogba không và chưa bao giờ là mẫu cầu thủ giỏi khi phải chơi quay lưng về phía khung thành.

Dễ dàng có thể nhận thấy cách chơi của nhà đương kim vô địch thế giới. Với việc thường xuyên nhận bóng trong khu vực hành lang trái, với xu hướng lùi sâu để giúp luân chuyển bóng. Tầm hoạt động của Pogba rộng hơn rất nhiều so với một cầu thủ đóng vai trò của một số 10 hay một tiền đạo lùi.

Cuộc cách mạng của Solskjaer tại MU: Sơ đồ 4231 và khối kim cương của Solsa (Phần hai) - Bóng Đá

 Pogba cần không gian rộng để phát huy tài năng.

Một phương án nữa có thể sử dụng đó là việc kéo Pogba xuống thấp hơn, giao vị trí số 10 cho Mata, vị trí sở trường của tiền vệ người Tây Ban Nha. Tuy nhiên phong độ của cựu cầu thủ Chelsea không đáp ứng được yêu cầu của HLV Solskjaer. Thêm vào đó việc Pogba đá cặp với Matic ở hàng tiền vệ khiến cho vai trò phòng ngự của tiền vệ người Pháp nặng nề hơn, và Matic dĩ nhiên cần một cầu thủ có khả năng dọn dẹp tốt ở giữa sân hơn là một Pogba lười nhác trong khâu đánh chặn. Một người như Ander Herrera chẳng hạn!

Khi mà những thử nghiệm với 4-2-3-1 vẫn còn đang nằm trên bàn làm việc của HLV Solskjaer, họ đối diện với đối thủ đáng gờm đầu tiên sau chuỗi 4 chiến thắng liên tiếp, Tottenham Hotspur. Và trong một trận đấu quan trọng, với đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho một tấm vé dự Champions League. HLV Solskjaer quyết định gạt sơ đồ "con cưng" của mình sang một bên và để Man Utd nhập cuộc với một hệ thống mới mẻ hơn rất nhiều, 4-4-2 kim cương.

Khối kim cương của Ole Gunnar Solskjær

Có thể chiến thắng trước đại diện tới từ London vốn mang nhiều yếu tố may mắn cùng sự xuất thần của thủ thành David De Gea. Tuy nhiên hệ thống 4-4-2 kim cương đã đem đến cho HLV Solskjaer một lời giải. Khối kim cương ở trung tuyến giúp Man Utd phong tỏa khu vực này và giải phóng nhiệm vụ phòng ngự cho cặp tiền đạo ở phía trên. Một phương án chứa đựng nhiều rủi ro nhưng nó hợp với ý đồ đưa khối đội hình của Man Utd dâng cao hơn.

Cuộc cách mạng của Solskjaer tại MU: Sơ đồ 4231 và khối kim cương của Solsa (Phần hai) - Bóng Đá

 Đội hình 4-4-2 của Solskjaer hợp lý nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.

Với hệ thống này vai trò đỉnh kim cương được trao cho Lingard trong các trận đấu với các đối thủ mạnh. Mata được sử dụng khi Man Utd cần 3 điểm. Sự hoán đổi linh hoạt giữa bộ đôi này giúp Man Utd tiếp tục chuỗi trận thăng hoa của mình dưới triều đại mới. Cho đến khi Arsenal đặt dấu chấm hết cho tuần trăng mật của chiến lược gia người Na Uy

Trước khi nói đến Arsenal, hãy nói về điểm yếu trong hệ thống kim cương của Man Utd. Với một sơ đồ rất coi trọng khả năng tấn công của các hậu vệ biên, rõ ràng những người như Luke Shaw và đặc biệt là Ashley Young không đáp ứng được kì vọng.

Chỉ tính riêng 6 trận đấu sử dụng sơ đồ kim cương, HLV Solskjaer đã sử dụng tới 4 sự thay đổi ở vị trí hậu vệ cánh phải. Dalot được thử nghiệm, những người cũ như Valencia hay Darmian cũng được trao cơ hội. Nhưng tất cả chỉ đem lại nỗi thất vọng.

Cuộc cách mạng của Solskjaer tại MU: Sơ đồ 4231 và khối kim cương của Solsa (Phần hai) - Bóng Đá

 Để phát huy tối đa chiến thuật của mình, HLV người Na Uy cần những cái tên chất lượng.

4-4-2 kim cương không thể phát huy được hết sức mạnh của nó với những nhân sự mà HLV Solskjaer đang sở hữu nhưng nó đem đến một phương án rất thú vị với ông thầy người Na Uy. Một khối kim cương ở giữa sân và việc giải phóng cho cặp tiền đạo trong khâu phòng ngự. Cùng với việc khai tử 4-2-3-1 trong suốt chuỗi trận sau đó của mình.

Ole Gunnar Solskjær đã tìm ra các phương án tiếp cận trận đấu khác hiệu quả hơn ở các trận đấu sau.

(Bạn đọc: Mạnh52)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

09:10 21/04/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục