Indonesia, Singapore và cả Thái Lan có những cầu thủ nhập tịch và gốc gác của quốc gia mình cho AFF Cup 2020. So với Việt Nam, rõ ràng các đối thủ có nhiều nguồn lực hơn và hiệu quả cũng rõ ràng hơn, đặc biệt là khi rơi vào cảnh khủng hoảng lực lượng. Từ đây, câu hỏi đặt ra là liệu những người làm bóng đá có đang bỏ sót tài nguyên khi chỉ tập trung vào những cầu thủ thuần Việt 100%.
Cần nói rõ hơn, các cầu thủ Việt Nam hiện nay đều thi đấu trong nước. Điều đó không phải là vấn đề quá lớn bởi V.League vẫn là giải đấu hàng đầu khu vực và không phải lúc nào cầu thủ xuất ngoại cũng thành công. Tuy nhiên, lực lượng cầu thủ gốc Việt và xa hơn là những người nước ngoài đang thi đấu tại Việt Nam sẽ đóng góp nhiều vào chuyên môn nếu những người làm bóng đá biết cách tận dụng.
Nhập tịch là câu chuyện quá khứ
Tuyển Việt Nam từng mở cửa, trao cơ hội cho những cầu thủ nhập tịch ở thời kỳ V.League đón chào nhiều hảo thủ. Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La là những trường hợp điển hình.
Sau này, cầu thủ nhập tịch dần vắng bóng và các đội tuyển quốc gia cũng dần nói không với việc dùng cầu thủ nhập tịch, vì nhiều lý do khác nhau. 13 năm sau trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Olympic Brazil trên sân Mỹ Đình, nhiều người vẫn nhắc lại sự việc của thủ môn Phan Văn Santos (Fabio dos Santos) như một lời nhắc nhở mỗi khi nói về việc nhập tịch cầu thủ.
Cựu thủ môn của CLB Long An hát trọn vẹn quốc ca Brazil, nơi mình sinh ra và lớn lên, khi đang khoác áo đội tuyển Việt Nam. Khi đó, cựu thủ thành sinh năm 1977 đang được "cơ cấu" suất bắt chính hướng tới AFF Cup 2008 của thầy trò HLV Henrique Calisto.
Santos còn đưa ra phát ngôn để đời chỉ ít lâu sau khi có tấm hộ chiếu Việt Nam: "Hãy trả lại tên cho tôi. Xin đừng gọi tôi là Phan Văn Santos nữa… Hãy gọi tôi là Fabio dos Santos". Những lùm xùm của thủ môn gốc Brazil, ở thời điểm bóng đá Việt Nam mới mở cửa, khiến những người làm bóng đá và cả cấp cao hơn phải nhìn lại. Các quy định liên quan được siết chặt hơn. Cầu thủ nhập tịch cũng không còn nhiều cơ hội lên tuyển.
Có khoảng thời gian rất dài về sau, việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tập trung đội tuyển gần như rơi vào quên lãng. Nhiều người mặc định đội tuyển quốc gia không có chỗ cho những người không mang dòng máu Việt Nam.
Đến hiện tại, trao cơ hội cho cầu thủ nhập tịch, về mặt cơ chế, vẫn là câu hỏi khó giải thích. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam lại gặp vấn đề khác: Chất lượng ngoại binh không đảm bảo.
V.League hiện tại không còn nhiều cầu thủ ngoại vừa đáp ứng đủ các yêu cầu nhập tịch vừa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn. Chất lượng của nội binh ngày càng tăng và không còn khoảng cách quá xa so với "Tây" như trước đây.
Cầu thủ gốc Việt đến rồi đi
Cùng với dòng chảy, tuyển Việt Nam không những mở cửa cho cầu thủ nhập tịch mà lực lượng gốc Việt cũng được trao cơ hội. Từng có giai đoạn các đội tuyển quốc gia chứng kiến dàn cầu thủ gốc Việt "đổ bộ", vừa để thử chân, vừa cho những mục tiêu chuyên môn.
Michal Nguyễn được HLV Toshiya Miura triệu tập lên Olympic Việt Nam. Mạc Hồng Quân khoác áo U23 Việt Nam rồi tuyển quốc gia. Xa hơn là việc anh em Patrik Lê Giang và Emil Lê Giang về thử việc khi HLV Mai Đức Chung cầm quân ở các đội tuyển, bằng tiền của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Trường hợp gần đây nhất và tốn rất nhiều giấy mực bàn luận là thủ môn Filip Nguyen. Anh không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để sở hữu tấm hộ chiếu Việt Nam, dù có bố là người thuần Việt. Sau thời gian rất dài chờ đợi, anh quyết định khoác áo đội tuyển CH Czech.
Một trường hợp khác cũng thu hút sự quan tâm là Tony Lê Tuấn Anh về thử việc tại U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn. Trước đó Keven Nguyễn cũng nhiều lần đánh tiếng nhưng bị ngó lơ. Cầu thủ người Mỹ gốc Việt sau đó ký hợp đồng kéo dài 3 năm với CLB Hải Phòng rồi ra đi, khi hợp đồng kết thúc, trong yên lặng.
Filip Nguyễn rất khao khát được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển Việt Nam nhưng không có đủ giấy tờ làm thủ tục. Để hoàn tất quá trình nhập tịch, anh cần hy sinh sự nghiệp đang phát triển tại CH Czech để về V.League thi đấu nhưng đó là sự lựa chọn rất khó khăn.
Cuộc phiêu lưu của anh em nhà Patrik sau khi thử việc ở U19 Việt Nam còn tiếp tục với nhiều lời hứa hẹn. Lê Giang tìm kiếm cơ hội ở Navibank Sài Gòn rồi Hà Nội ACB. Kết quả, thủ môn cao 1,88 m trở về quê mẹ Slovakia sau đó ít lâu vì không được đánh giá cao.
Xa hơn, thời điểm Internet ở Việt Nam còn hạn chế, VFF cũng từng đón những Việt kiều với bản lý lịch hoành tráng về thử việc nhưng đều nhận lại quả đắng. Ludovic Casset được giới thiệu là trung vệ của AJ Auxerre (ở Ligue 1). Song, anh chỉ có một tháng thử việc tại đội tuyển Việt Nam trước khi bị gạch tên.
Sau đó, Casset, với tên tiếng Việt là Mã Trí có 3 năm khoác áo CLB Đà Nẵng. Song, anh khiến tất cả thất vọng bởi chuyên môn chỉ vào dạng trung bình - yếu của mình và bị thanh lý sớm chỉ sau một mùa giải.
Sau Ludovic Casset là Toni Lê Hoàng. Anh được giới thiệu là cầu thủ hay nhất U19 Ba Lan 2004 và 2005, giành HCĐ Dana Cup 1999 tại Đan Mạch (với sự tham gia của 32 đội trẻ châu Âu), vô địch U19 Ba Lan năm 2005… Về Việt Nam, Lê Hoàng không đủ thể lực để chạy đến phút 60 và cũng bị loại.
Bài toán chưa lời giải
Các đội bóng Đông Nam Á đang tận dụng tốt nguồn lực nhập tịch và cầu thủ gốc gác quê hương. Tom Bihr của Thái Lan, Elkan Baggot của Indonesia là ví dụ. Singapore từng rất thành công với 3 chức vô địch AFF Cup khi dùng dàn cầu thủ nhập tịch. Malaysia hiện nay cũng có nhiều người Mã kiều trong đội hình chính.
HLV Park Hang-seo, trong quá trình tuyển chọn nhân sự cho các đội tuyển quốc gia, từng công khai mong muốn tận dụng nguồn lực Việt kiều vốn được tiếng là rất dồi dào. Ông không tiếc công sang tận châu Âu để "soi giò" những cái tên mình đang chú ý.
Ngoài Filip ở CH Czech, ông còn để ý tới Alexander Dang ở Na Uy. Thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam còn thu xếp gặp riêng hai cái tên này. Sau đó, kết quả chuyến đi không được VFF đề cập tới. Filip có lần lên đội tuyển CH Czech, còn Alexander cũng dần mất hút trên các phương tiện truyền thông. Tiền đạo này cũng không còn lên tiếng về giấc mơ tuyển Việt Nam nữa.
Vẫn có những cầu thủ trụ được tại V.League và được trao cơ hội ở đội tuyển Việt Nam. Đặng Văn Lâm và Mạc Hồng Quân là hai trường hợp điển hình. Văn Lâm thậm chí đã vượt qua nhiều khó khăn cùng khoảng thời gian sóng gió. V.League chính là bàn đạp để thủ môn này sang Thai League rồi J.League 1 hiện nay.
Mạc Hồng Quân đang có cuộc sống như mơ. Anh được khoác áo U23 Việt Nam, ghi dấu ấn trong màu áo Olympic Việt Nam tại Asian Games 2014, lên đội tuyển Việt Nam và là một trong những tiền vệ hàng đầu tại V.League.
Xa hơn, chúng ta còn có Đặng Văn Robert, Michel Nguyễn. Họ đều có chỗ đứng nhất định ở đấu trường V.League. Chỉ đáng tiếc rằng năng lực của những cầu thủ này chưa đủ để thi đấu cho đội tuyển quốc gia, dù đã được trao cơ hội.
Vài năm trở lại đây, vẫn có những trường hợp cầu thủ gốc Việt trở về tìm kiếm cơ hội. Song, những cầu thủ thực sự có chất lượng ngày càng hiếm. CLB Viettel từng đặt nhiều kỳ vọng vào việc tìm kiếm các cầu thủ gốc Việt (có quốc tịch Việt Nam, chơi như cầu thủ nội và có chất lượng tương đương ngoại binh). Song, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thành.
Thêm nữa, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc di chuyển bị hạn chế cũng là rào càn khiến cầu thủ gốc Việt ít đến V.League hơn. Trong khi đó, tuyển Việt Nam vẫn phải loay hoay với nguồn lực tại chỗ.